Tuyển sinh đại học năm 2024: Thêm những ngành được miễn học phí
Theo quy định của Nhà nước, có một số ngành được miễn giảm học phí; đồng thời các cơ sở đào tạo cũng có chính sách hỗ trợ học phí với một số ngành đặc thù để thu hút sinh viên.
Từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh chữa bệnh (năm 2023) chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định một số chuyên ngành khối Sức khỏe sẽ được miễn 100% học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí toàn khóa học.
Cụ thể, Nhà nước có chính sách về cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.
Đồng thời, cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định nêu trên nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.
Tại Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Nhà nước chỉ miễn học phí đối với người học chuyên ngành Giải phẫu bệnh, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần. Như vậy, số chuyên ngành được miễn 100% học phí đã tăng lên, với việc thêm các chuyên ngành Tâm thần, Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu.
Ngoài ra, theo quy định các ngành học miễn học phí cho sinh viên còn bao gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Mác - Lê nin, ngành Lao, Phong tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Bên cạnh đó, một số ngành sinh viên được giảm 70% học phí gồm: các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc; Nhạc công truyền thống Huế, Đờn ca tài tử Nam Bộ; Diễn viên sân khấu kịch hát, Nghệ thuật ca trù, Nghệ thuật biểu diễn dân ca, Nghệ thuật bài chòi, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống; các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc. Một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Đối với khối ngành sư phạm, theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).
Tuy nhiên, muốn được hỗ trợ, sinh viên phải thuộc đối tượng được giao nhiệm vụ, đặt hàng, nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt cùng các hồ sơ liên quan. Hồ sơ của sinh viên phải đáp ứng điều kiện của địa phương và được địa phương xét chọn.
Đối với sinh viên không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng đã nộp đơn và các hồ sơ liên quan nhưng hồ sơ không đáp ứng điều kiện của địa phương và không được địa phương xét chọn, nếu đã nộp đơn đề nghị công tác trong ngành giáo dục thì cơ sở đào tạo giáo viên sẽ căn cứ vào số chỉ tiêu còn lại trong phạm vi chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT đã thông báo sau khi trừ đi chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng và sẽ lập dự toán kinh phí gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính.
Cơ quan tài chính sẽ bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên được cấp cho trường theo hình thức giao dự toán theo quy định phân cấp ngân sách hiện hành.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày nay, với thời buổi công nghệ 4.0, hàng loạt các dịch vụ mua sắm trực tiếp đều chuyển sang mua bán trên các sàn thương mại điện tử. Đây là cơ hội lớn giúp sinh viên ngành Thương mại điện tử sẽ có chỗ đứng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế.