Tuyển sinh các trường nghề: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”

Sự kiện: Giáo dục

Khi các trường đại học gần như đón xong sinh viên mới là lúc các trường nghề, cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) nhộn nhịp bước vào mùa tuyển sinh. Dù công tác tuyển sinh có thời gian dài chuẩn bị nhưng không ít trường vẫn khó khăn trong việc giới thiệu đến học viên. Chính vì thế tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” khiến không ít trường nghề gặp khó.

Năm nay, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và đào tạo bỏ điểm sàn THPT quốc gia, khi nhiều trường đại học công bố mức điểm sàn từ 13. Không ít ý kiến lo ngại rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đối diện với nguy cơ tuyển thiếu, thậm chí giải thể.

Lo ngại này là có cơ sở khi những năm trước, nhiều trường đào tạo nghề đã phải rất “vật vã” mới tuyển đủ học viên vào học. Tuy nhiên, bước vào mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường thuộc hệ thống Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã đạt được bước tiến dài trong công tác tuyển sinh.

Tuyển sinh các trường nghề: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” - 1

Nhiều trường đào tạo nghề phải cam kết giới thiệu việc làm để thu hút học viên.

Một trong những trường đang có mùa tuyển sinh khá sôi động là Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Năm 2018, nhà trường có 2.300 chỉ tiêu, trong đó, gần 2000 chỉ tiêu hệ cao đẳng, hơn 300 chỉ tiêu hệ trung cấp. Đến nay, con số đăng ký đã hơn 3.500 hồ sơ. 

Một số ngành chủ lực của trường năm nay bị quá tải hồ sơ nộp vào như Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Quản trị lữ hành và Hướng dẫn du lịch. “Nhà trường đã gọi khoảng 3.100 hồ sơ thí sinh trúng tuyển vào trường năm 2018. 

Về tổng quan, tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp năm nay khá tốt so với những năm trước. Số lượng thí sinh đăng ký năm nay của trường cũng cao gấp đôi so với năm 2017”, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, cho biết.

Là trường khá có tiếng trong việc đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, bước vào mùa tuyển sinh năm nay, trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội cũng đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Năm 2018, Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội tuyển 1.500 chỉ tiêu, trong đó có 1.200 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 300 chỉ tiêu hệ trung cấp, tăng tổng số hơn 300 so với năm 2017. 

“Chắc chắn chúng tôi sẽ đạt chỉ tiêu tuyển sinh đã đề ra. Ngay từ ngày 22- 7, chỉ 2 ngày sau khi Bộ Giáo dục và đào tạo công bố kết quả thi THPT, trường đã bắt đầu đón thí sinh đến đăng ký nhập học. Thời điểm này, chúng tôi đã có xấp xỉ 500 hồ sơ. 

Đợt nhập học tiếp theo cách đây vài ngày, nhà trường cũng đã đón hơn 300 thí sinh đến đăng ký nhập học. Như các năm trước, trường cao đẳng phải chờ đại học công bố điểm chuẩn mới có thể bắt đầu 'chạy đua', nhưng năm nay chúng tôi tuyển sinh song song với các trường đại học. Dự kiến quá trình tuyển sinh sẽ kết thúc trong trung tuần tháng 9”, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội, cho biết.

Theo thông tin từ Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ- TBXH), năm 2018 các trường thuộc hệ thống GDNN tuyển sinh khoảng 2.200.000 người, trong đó: tuyển sinh trình độ TC và CĐ là 540.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 1.660.000 người. 

Do các trường đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên tình hình có vẻ sẽ khả quan hơn các năm trước. Tuy vậy theo như thừa nhận của Tổng cục Dạy nghề, tình trạng “kẻ lần chẳng ra” chắc chắn cũng vẫn sẽ làm khó nhiều trường trong hệ thống GDNN

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ- TBXH) đã chia sẻ không ít những khó khăn mà GDNN đang phải đối mặt trước mỗi mùa tuyển sinh. 

Theo TS Nguyễn Hồng Minh, khó khăn trong công tác tuyển sinh tại các trường trung cấp, cao đẳng là tình trạng chung, khá phổ biến trong một số năm gần đây khi mà số lượng các trường đại học mở ra nhiều, cánh cửa vào các trường đại học có thể nói đã được mở toang hết cỡ khi không còn điểm sàn, không qua thi tuyển mà xét tuyển theo tổ hợp môn. 

Như vậy, người học nếu có nhu cầu học đại học có thể dễ dàng vào được các trường đại học kể cả khi chỉ có lực học dưới trung bình (có trường đại học xét tuyển chỉ cần 11 điểm/3 môn). 

Cùng với đó, mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức của người dân và xã hội nhưng tâm lý trọng bằng cấp và muốn học tập ở trình độ cao vẫn còn đè nặng nên phần lớn người tốt nghiệp THPT sẽ chọn con đường vào đại học. 

Việc này là một trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực lao động và gia tăng tình trạng thất nghiệp hoặc làm việc không đúng với ngành, nghề hoặc trình độ đào tạo.

Chính đại diện Tổng cục Dạy nghề từng nói rằng, giải pháp nhằm thu hút thí sinh dự thi vào hệ GDNN là “bài toán khó”. Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Hồng Minh cũng thừa nhận thực trạng trên. 

Ông Minh cho biết, để giải được bài toán này, trong thời gian qua Tổng cục GDNN đã phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tập chung chủ yếu vào việc thông tin, tuyên truyền rộng rãi tới người học về công tác tuyển sinh các trình độ trong GDNN và tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp ra trường. 

“Có thể nói, khi người học và xã hội hiểu rõ được về các ngành, nghề đào tạo, môi trường và chất lượng đào tạo cùng với những cam kết mạnh mẽ về việc bố trí việc làm cho người học ngay khi ra trường, với mức thu nhập được thông báo trước, thậm chí được tuyển dụng ngay cả khi đang còn quá trình đào tạo tại nhà trường đã là hướng đi đúng và dần giải được bài toán khó trong công tác tuyển sinh của các nhà trường”, ông Minh nói.

Giấu bằng đại học, quay lại học nghề?

"Nhiều em học đại học vẫn quay lại xin vào trường học nghề, bởi có bằng nghề dễ xin việc hơn bằng cử nhân".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Hoạt ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN