Từ câu chuyện đặc cách điểm thi IELTS 6.5 thành học sinh giỏi: Cần nhìn lại cách dạy và tổ chức thi học sinh giỏi “truyền thống”?

Sự kiện: Giáo dục

Từ chuyện Hà Tĩnh đặc cách cho học sinh đạt IELTS từ 6.5 môn tiếng Anh thành học sinh giỏi, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc nhìn lại cách thức thi học sinh giỏi của chúng ta?.

Việc dạy và học tiếng Anh thế nào là nỗi trăn trở của rất nhiều nhà giáo... Ảnh minh họa: Q.Anh

Việc dạy và học tiếng Anh thế nào là nỗi trăn trở của rất nhiều nhà giáo... Ảnh minh họa: Q.Anh

Từ 6.5 điểm IELTS được đặc cách học sinh giỏi

Mới đây, dư luận cả nước hết sức quan tâm đến câu chuyện Hà Tĩnh đã có quyết định đặc cách 70 học sinh giỏi tiếng Anh lớp 12 bằng điểm thi IELTS do ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ký. Cụ thể, theo danh sách này có 6 học sinh đoạt giải Nhất với điểm IELTS 8.0; 20 em giải Nhì đạt điểm 7.5; 44 em giải Ba đạt điểm 6.5 - 7.0.

Theo giải thích của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh, quy định đặc cách học sinh giỏi tiếng Anh được Sở ban hành vào năm 2018, áp dụng cho học sinh lớp 9 và 12. Sở dĩ căn cứ điểm thi IELTS để đặc cách vì đây là chứng chỉ tiếng Anh được công nhận trên toàn thế giới, phổ biến khi học sinh du học hoặc hội nhập quốc tế. Hơn nữa, chứng chỉ IELTS đánh giá 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đây là những quy định nhằm động viên, khuyến khích việc dạy và học tiếng Anh với đầy đủ 4 kỹ trên địa bàn tỉnh.

70 học sinh được xét đặc cách học sinh giỏi tỉnh tại Hà Tĩnh nhanh chóng tạo ra nhiều tranh cãi về quy định chỉ riêng Hà Tĩnh áp dụng, bên cạnh đó nhiều người đặt ra tính công bằng ở đâu khi học và ôn thi IELTS chủ yếu là những học sinh gia đình "có điều kiện", chủ yếu là các trường chuyên, trường công lập nổi tiếng. Bên cạnh đó, cách thức tổ chức kỳ thi học sinh giỏi tỉnh và IELTS cũng là khá khác biệt nhau, cũng khó có thể đưa ra được cách đánh giá tổng quát liệu học sinh đạt điểm cao IELTS thi học sinh giỏi có đạt điểm cao và ngược lại…

Là người ôn luyện cho học sinh THPT để dự thi vào đại học, IELTS tại các trung tâm Ngoại ngữ, cô Thanh Hương (ở Hà Nội) cho biết: "Xét đặc cách cho những học sinh đạt điểm cao được là học sinh giỏi cũng là cách làm mới, góp phần khuyến khích phong trào học và tự học tiếng Anh một cách toàn diện. Tuy nhiên, để tạo công bằng (vì học sinh giỏi được thưởng, ưu tiên vào đại học…) nên đưa ra những tỷ lệ nhất định, ví dụ 50 - 50 giữa hai hình thức. Nếu thi cũng phải nghiêm túc, mà nếu đặc cách cũng phải xét chọn một cách kỹ lưỡng, xứng đáng".

Đã đến lúc thay đổi về cách dạy và thi học sinh giỏi?

Từ thực tiễn quản lý nhà trường cũng như đánh giá về công tác dạy và học môn tiếng Anh hiện nay, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) cho rằng, chúng ta cần bình tâm suy xét cho tường tận. Việc tỉnh Hà Tĩnh công nhận học sinh đạt 6.5 IELTS là học sinh giỏi, trước tiên phải công nhận những em này "giỏi thật" vì sự danh giá của kì thi, còn nếu theo khung tham chiếu của Bộ GD&ĐT thì các em đạt chuẩn C1?. Nhân việc này chúng ta cũng cần nhìn lại cách thức thi học sinh giỏi của chúng ta, mấy chục năm chưa thấy Format, đề thi của chúng ta rất hàn lâm, đánh đố... trong khi IELTS lại tập trung tuyệt đối 4 kĩ năng, nếu đem lên cân thì rõ ràng IELTS mang giá trị toàn cầu.

"Nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT cũng đã công nhận và tặng điểm 10 môn tiếng Anh cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT có IELTS từ 4.0 trở lên, nhiều trường đại học cũng xét tuyển những thí sinh có điểm IELTS cao… vậy nên, cũng không nên khắt khe với cách làm của tỉnh Hà Tĩnh. Tôi cho rằng, với một tỉnh mà chỉ có chưa tới 80 học sinh đạt 6.5 IELTS như thế cần khuyến khích nhiều hơn, nhất là chúng ta đang thực hiện đẩy mạnh ngoại ngữ tiếng Anh trong xã hội và số hóa trong giáo dục, nên nhớ ngoại ngữ "giỏi đúng chất" và công nghệ hay chính là "vũ khí" làm cho cuộc cách mạng 4.0 thành công", thầy Phú chia sẻ.

Trước bối cảnh dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết, phải nhìn nhận sách giáo khoa tiếng Anh của chúng ta mang đậm chất "Việt Nam" không theo chuẩn quốc tế, nội dung cũng đủ 4 kĩ năng nhưng nặng kiến thức hàn lâm, trong khi ngôn ngữ cần kiến thức thực hành. Mỗi kĩ năng chỉ có 1 tiết. Nếu một học sinh chuyên tâm học chỉ sách giáo khoa thì không thể đạt điểm cao IELTS và chắc chắn một điều yếu hẳn 2 kĩ năng nghe và nói vì học ở trường chỉ có mục tiêu để thi.

Thầy Phú đề xuất, để học sinh thích ứng được với cộng đồng thì phải thay đổi giáo trình và phải có một đội ngũ giáo viên đủ chuẩn và đủ chất dạy hoặc đẩy mạnh giáo viên người nước ngoài nhưng tất cả phải có IELTS từ 8.0 trở lên. Mặt khác ngay trong đề thi tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh đại học chúng ta đã bỏ 2 kỹ năng nghe, nói. Nên giáo viên ôn tập như thế để phục vụ cho kì thi. Muốn đẩy mạnh cuộc cách mạng 4.0 hay số hóa trong giáo dục để mang tính thời sự, hơi thở của thời đại và sánh ngang tầm các nước trong khu vực chúng ta phải mạnh dạn thay đổi: Giáo trình, cách kiểm tra đánh giá, đầu tư mạnh cho đội ngũ giảng dạy.

IELTS (viết tắt của The International English Language Testing System - tạm dịch là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế) là một kỳ thi quốc tế nhằm đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của đối tượng có nhu cầu đi du học, định cư hay làm việc tại các quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn nhữ chính. Bài thi IELTS đánh giá cả 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Bài thi IELTS được đồng thực hiện và điều hành bởi 3 tổ chức: của ESOL của Đại học Cambridge (Anh Quốc), Hội đồng Anh (British Council) và tổ chức giáo dục IDP của Úc. Tại Việt Nam, ngoài cơ hội du học, những học sinh, sinh viên có điểm IELTS cao có lợi thế khi được ưu tiên, cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10, miễn thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT (điểm 4.0 trở lên) nhiều trường đại học tốp đầu cũng xét tuyển thẳng những thí sinh IELTS từ 6.5 trở lên.

Nguồn: [Link nguồn]

Đã có bảng xếp hạng toàn cầu 2020 về mức độ thành thạo tiếng Anh, Việt Nam ở vị trí nào?

Bảng xếp hạng toàn cầu năm 2020 về mức độ thành thạo tiếng Anh đã được công bố, trong đó chỉ có một nước châu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN