Trường ĐH ngoài công lập lo ngay ngáy

Ngày 8/8, Bộ GDĐT đã quyết định mức điểm sàn ĐH, CĐ năm 2012: Khối A và A1 – 13 điểm, khối B – 14 điểm, khối C – 14,5 điểm, khối D - 13,5 điểm. Như vậy, sau 3 mùa thi giữ nguyên mức điểm sàn, năm nay mức điểm ở 2 khối C và D đã tăng lên 0,5 điểm. Điều này cũng khiến nhiều trường ngoài công lập thật sự lo lắng.

Bộ bảo không thiếu

Với mức điểm sàn này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khẳng định các trường sẽ không thiếu nguồn tuyển. Theo ông Ga, mức điểm này được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả thi tuyển của các trường cũng như cơ cấu nhân lực các vùng miền. Với mức điểm này, tỉ lệ giữa số TS dôi dư (đạt trên điểm sàn và không trúng tuyển NV1) và số chỉ tiêu còn thiếu khá lớn nên các trường sẽ có nguồn tuyển dồi dào. Cụ thể, đối với khối A tỉ lệ giữa số TS dư và TS thiếu là 1,8 lần. Đối với khối B là trên 10 lần và khối C,D là trên 2,5 lần. Với hệ số dịch chuyển lớn như vậy thì các trường sẽ có nguồn tuyển rất dồi dào.

Ngay khi có điểm sàn, hàng loạt trường đã công bố điểm chuẩn chính thức. Với những trường thuộc hàng “top”, với dự kiến điểm chuẩn đều ở mức khá cao so với sàn của bộ vừa công bố, nên “dự kiến” này đã trở thành hiện thực khiến công tác tuyển sinh cũng khá nhẹ nhàng.

Với một số trường nhóm giữa, dù phải tuyển NV bổ sung nhưng cũng không quá lo lắng. Ông Mỵ Giang Sơn – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn TPHCM, nhận xét dù điểm sàn một số khối như C và D có nhỉnh hơn 0,5 điểm so với mùa tuyển trước nhưng điểm thi của TS mùa thi 2012 của những khối này cũng “đẹp” hơn nên việc này hầu như không ảnh hưởng gì đến công tác tuyển thêm NV2 của trường. Tại trường, chỉ còn 2 ngành đào tạo bậc ĐH (giáo dục tiểu học và khoa học thư viện) cần tuyển thêm NV2 với 30 CT mỗi ngành nên nhìn chung công tác tuyển cũng khá nhẹ nhàng. Riêng bậc cao đẳng - với mức sàn giảm 3 điểm so với các khối tương ứng của ĐH, ngoài 3 ngành năng khiếu đã tuyển trực tiếp và đủ, thì còn đến 2.200 CT và được thực hiện xét tuyển ngay.

Trường ĐH ngoài công lập lo ngay ngáy - 1

Sau buổi thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Ảnh: Kỳ Anh

Còn với ĐH Sư phạm TPHCM, sau công bố điểm sàn của bộ được chính thức thông báo, Hội đồng tuyển sinh trường đã họp, thống nhất và công bố điểm chuẩn đầu vào của tất cả các ngành học. Trường cũng xét tuyển bổ sung thêm 1.220 CT NV bổ sung theo nguyên tắc từ chuẩn NV1 (có ngành cao hơn sàn) trở xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu...

Trường ngoài công lập vẫn lo ngay ngáy

Tuy nhiên, việc không những không giảm, không giữ nguyên mà lại tăng điểm sàn này khiến cho không ít trường ngoài công lập lo lắng. Lãnh đạo một số trường ngoài công lập cho rằng việc xác định điểm sàn của Bộ GDĐT mới chỉ hợp lý trên lý thuyết. Còn trên thực tế, nhiều trường vẫn không đủ nguồn tuyển bởi sự phân phối không đồng đều lượng TS giữa các vùng miền. TS ở các thành phố lớn thường không chịu nhập học tại các trường ở vùng sâu, vùng xa, dẫn tới tình trạng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng nhận xét “mức điểm sàn này sẽ lại khiến các trường ngoài công lập tiếp tục gặp khó khăn, kể cả với việc bộ cho phép TS được nộp nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển hay các trường được kéo dài việc xét tuyển đến hết tháng 11 cũng không thể giải quyết được. Hơn nữa, với tình trạng nhiều trường đại học công lập cũng lấy điểm trúng tuyển và điểm xét tuyển các nguyện vọng bổ sung bằng và sát sàn như vậy thì các trường ngoài công lập chúng tôi làm gì có TS vào học”. Ông Hoàng Hữu Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây cũng lo rằng với mức điểm năm nay trường sẽ lại không tuyển đủ chỉ tiêu. “Năm trước với mức điểm sàn như vậy trường chỉ tuyển được nửa chỉ tiêu và đành chuyển mức chỉ tiêu còn thiếu sang tuyển hệ liên thông” – ông Nguyên cho biết.

Với việc bộ sửa đổi các điều khoản trong quy chế tuyển sinh, năm nay các trường khó tuyển sẽ không còn “phao cứu sinh” là Điều 33 về tăng điểm ưu tiên như những năm trước, ông Nghị đề xuất một giải pháp mong được Bộ GDĐT xem xét: “Bộ GDĐT cần yêu cầu các trường đại học công lập lấy điểm chuẩn và điểm xét tuyển trên mức điểm sàn, và chỉ để các trường đại học dân lập được xét bằng điểm sàn. Nếu Bộ GDĐT đồng ý giải pháp này, trường ngoài công lập mới có đủ sinh viên để đảm bảo giảng dạy, thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục tốt hơn”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với hệ số di chuyển lớn như năm nay cùng với cơ chế mềm dẻo của Bộ GDĐT trong khâu xét tuyển thì các trường không khó để tuyển được đủ chỉ tiêu. Vấn đề ở chỗ là làm sao các trường có thể thu hút được TS vào học bằng sự uy tín và chất lượng đào tạo của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thể Uyên – Ngân Anh (Lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN