Trường ĐH không trụ sở, không hiệu trưởng

Sự việc Trường ĐH tư thục Công nghệ và quản lý Hữu Nghị Hà Nội “phù phép” biến gần 200 sinh viên giả thành thật, trường không có trụ sở, không hiệu trưởng nhưng vẫn tồn tại và hoạt động đã khiến nhiều sinh viên đang học hoặc đã tốt nghiệp tại đây vô cùng lo lắng.

Đi đâu, về đâu?

Hiện tại, nhiều sinh viên Trường ĐH tư thục Công nghệ và quản lý Hữu Nghị Hà Nội (UTM) đang rất lo lắng không biết số phận của mình sẽ đi đâu, về đâu. Trong thư gửi đến báo chí, có em cho biết, em vừa ra trường nhưng kết quả đó có thể sẽ bằng không vì hiện tại vẫn chưa được nhận bằng tốt nghiệp. Một sinh viên có địa chỉ email viet.international8@... chia sẻ: “Em là sinh viên khóa 1 của trường UTM. Em vừa ra trường năm vừa rồi. Dù đã đi làm nhưng em và các bạn vẫn đang rất mong chờ tấm bằng tốt nghiệp vì công ty nào cũng yêu cầu bổ sung bằng. Vẫn biết là trong quá trình học tập tại trường có rất nhiều bất cập, nhưng công sức 4 năm học tập thì chúng em phải cố gắng. Hi vọng, chúng em sẽ lấy được bằng tốt nghiệp và chính thức bước ra khỏi ngôi trường này. Kỷ niệm trong 4 năm học của em chắc chỉ là số bạn bè ít ỏi, những thầy cô thực sự tâm huyết, một vài lần chuyển địa điểm trường và những bất cập mình vướng phải!!! Em cũng hi vọng rằng, những bạn học sinh khi có ý định chọn trường thì cần tìm hiểu thật kỹ. Không nhất thiết là phải đại học, dù là cao đẳng hay trung cấp cũng được, nhưng trường phải chất lượng và đảm bảo thì hãy theo học. Như em và các bạn cùng lớp bây giờ, học xong 4 năm nhưng giờ lại không được lấy bằng tốt nghiệp thì lỡ dở cả cuộc đời”.

Một sinh viên khác của trường có địa chỉ email hsutm@... cũng tỏ ra lo lắng: “Bây giờ, người thiệt thòi nhất là sinh viên chúng em. Nếu trường không thể tiếp tục tồn tại, bằng tốt nghiệp và công sức 4 năm trời của chúng em sẽ tiêu tan. Em mong các ban ngành và cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết triệt để vấn đề cho chúng em một kết quả phù hợp”.

Trường ĐH không trụ sở, không hiệu trưởng - 1

Trường ĐH không trụ sở, không hiệu trưởng - 2

Cơ sở vật chất nhà trường thực chất chỉ là bãi đất trống (ảnh trái) nhưng được quảng cáo “long lanh” trên website của trường. Ảnh: HN

Được biết, Trường UTM thành lập năm 2007, bắt đầu tuyển sinh năm 2009. Đến nay, trường có khoảng 300 sinh viên. Tuy nhiên, trong số này chưa đến một nửa số sinh viên có đầu vào đúng quy định. Năm học 2013 - 2014, trường chỉ tuyển được 11 sinh viên. Sự việc được phát hiện từ cuối năm 2011 khi thực hiện thanh tra tuyển sinh nhà trường. Rà soát 254 hồ sơ của sinh viên 3 khóa (từ 2009-2011) đã có tới 171 hồ sơ không hợp lệ như: Sinh viên không đủ điểm sàn vẫn vào học, không đúng khối thi... Đặc biệt, có rất nhiều sinh viên trúng tuyển với giấy báo điểm giả (giấy báo điểm của các trường thuộc khối an ninh, quân sự nhưng thực chất không hề dự thi tại đây).

Trường ĐH không trụ sở, không hiệu trưởng - 3

Một trong những địa điểm được Trường UTM thuê và quảng cáo là trụ sở nhưng đã được trả từ lâu

Sẽ giải quyết cho sinh viên đủ điều kiện

Trao đổi qua điện thoại, một cán bộ Vụ Giáo dục đại học và sau đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Hiện tất cả các lãnh đạo Vụ đều đi công tác nên chưa thể trả lời ngay. Tuy nhiên, trước mắt phải xác minh tính đúng sai của sự việc, sau đó trình lãnh đạo Bộ GD&ĐT để có phương án xử lý thích hợp”.

Theo thông báo chuyển địa điểm cuối cùng nhà trường công bố trên mạng, sáng 26/11, PV Báo GĐ&XH đã đến trụ sở có địa chỉ tại khu đô thị Mỹ Đình I (Từ Liêm, Hà Nội). Khi hỏi về trường, nhiều người đều hỏi chúng tôi: “Chị ở bên ngân hàng à? Hay chị đến để đòi nợ?”. Một nhân viên bảo vệ tòa nhà C- trong khuôn viên Trường phổ thông Việt Úc cho biết, trường UTM có thuê địa điểm tại đây vào khoảng tháng 7 - 8/2012. Sau đó, họ đã trả nhà. “Không hiểu họ làm gì mà thỉnh thoảng lại có người đến đây đòi nợ”, người bảo vệ tòa nhà cho biết.

Theo thông tin chúng tôi được biết, trường đã qua nhiều lần chuyển địa điểm. Hiện nay trường đang thuê địa điểm khác thuộc huyện Từ Liêm nhưng địa chỉ này không được công khai trên trang web của nhà trường. Thông tin chính thức trên trang web là cơ sở của trường đang được xây tại Dương Nội (Hà Đông), sẽ bàn giao và sử dụng vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, địa điểm này hiện chỉ là cánh đồng với một khung sắt quảng cáo đã bị gió đánh tơi tả. Trường hiện không có Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng cũng quá tuổi so với quy định. Trường quảng cáo có 42 giáo viên cơ hữu nhưng thực tế chỉ có 7 người…

Hiện, trường đang có cả sinh viên đang theo học và sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa nhận được bằng. Được biết, ngày 25/10, Trường UTM đã cấp 44 phôi bằng Cử nhân tốt nghiệp cho sinh viên khóa I (năm 2009). Tuy nhiên, hiện tại các em vẫn chưa có bằng tốt nghiệp. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chánh văn phòng Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết: “Sáng 26/11, Hiệp hội đã có trao đổi với ông Đỗ Doãn Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH UTM nhưng chưa có tài liệu của nhà trường gửi Hiệp hội. Quan điểm về phía Hiệp hội phải đảm bảo lợi ích hàng đầu cho người học. Tuy nhiên, khi có số lượng cụ thể sinh viên cần giải quyết những gì, như thế nào, Hiệp hội sẽ nghiên cứu tham vấn và đệ trình cách xử lý thích hợp”.

Dưới góc độ cá nhân và kinh nghiệm quản lý, PGS. TS Ngô Kim Khôi, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học và sau đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trước mắt phải kiểm tra và bóc tách những sinh viên có đủ điều kiện đầu vào đúng quy chế. Với những sinh viên có giấy tờ giả, đương nhiên học ở trường là không hợp pháp vì các em đã chọn cách mua chứng nhận giả. Còn những sinh viên đủ điều kiện, có thể có cách giải quyết. Chẳng hạn như trường hợp Trường ĐH Hùng Vương (TPHCM) vừa qua, sinh viên của trường được chuyển sang trường khác nhưng phải xét nhiều điều kiện. Có thể là cùng ngành đào tạo, cùng khối thi và điểm đầu vào phải tương đương…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạnh Nguyên (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN