Trước khi đạp đổ cổng trường tội nghiệp…

Những phụ huynh nộp đơn cho con vào học Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội đã chen lấn, đạp đổ cả cổng ngôi trường con mình có thể theo học có lẽ là hình ảnh ấn tượng và điển hình thực trạng chạy trường hôm nay.

Những lớp học trường THCS Sín Thầu (tỉnh Điện Biên): 4 phòng học liền nhau, không vách ngăn. Thầy giáo lớp 8 dạy bài Địa lý ở phòng đầu cùng, học sinh lớp 6 học toán ở phòng cuối cùng vẫn nghe rõ! May là mùa hè, còn mùa đông, với những tấm bạt nhựa là “vũ khí” để chống lại mưa rét bằng cách quây kín lấy phòng học...

Trước khi đạp đổ cổng trường tội nghiệp… - 1

Những lớp học trường THCS Sín Thầu (tỉnh Điện Biên): 4 phòng học liền nhau, không vách ngăn

Kỳ vọng con em mình được học tập trong môi trường tốt nhất là tâm nguyện chính đáng của những bậc cha mẹ. “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em” là một khẩu hiệu được treo nhiều nơi, nhất là ở các trường học.

Nhưng nếu trước khi đạp đổ cánh cổng trường tội nghiệp kia, những bậc phụ huynh được chứng kiến giữa heo hút rừng già miền Tây Bắc, có những đứa trẻ đang học trong những ngôi trường như thế nào.

Chùm ảnh dưới đây của phóng viên ghi lại trong những ngày đến với vùng đất này, chứng kiến và thấu cảm, như một sẻ chia yêu thương với những bạn nhỏ rẻo cao trong dịp 1-6 năm nay;

Trước khi đạp đổ cổng trường tội nghiệp… - 2

Một phòng học “sang trọng” nơi đây nếu so với nhiều lớp học khác

Trước khi đạp đổ cổng trường tội nghiệp… - 3

Ít nhất so với phòng học của lớp 1A và 2A của xã Leng Su Sìn cạnh xã Sen Thượng (Điện Biên): những túp lều rách nát, trống trước hở sau

Trước khi đạp đổ cổng trường tội nghiệp… - 4

Và cho dù phòng học thông thống giữa trời như vậy nhưng các bạn nhỏ Sín Thầu còn may mắn vì có tấm bảng đúng nghĩa. Ở điểm trường Cà Là Pá (Điện Biên), chúng tôi đã gặp những tấm bảng tội nghiệp như thế này. Cay khóe mắt khi đọc khẩu hiệu "Dạy tốt - học tốt" treo ngay trong phòng học.

Trước khi đạp đổ cổng trường tội nghiệp… - 5

Chút tin yêu còn đọng lại là nụ cười của những thầy cô cắm bản. Như cô giáo Lê Thị Dinh cùng chồng là Lê Văn Tuyển đang dạy ở Trường Sín Thầu này.

Trước căn hộ tường đất mái bạt, tổ ấm của hai vợ chồng cô và đứa con nhỏ, có rất nhiều thầy cô đã “xây tổ” và dâng hiến - theo đúng nghĩa của từ này - tuổi trẻ của mình cho những em thơ rẻo cao, trong những lớp học như thế này và không bao giờ bị “đạp đổ cổng trường”…

... Chia tay rẻo cao, chúng tôi ám ảnh mãi với giọng hát trong veo bay trong sương sớm theo giai điệu bài Happy birthday (Chúc mừng sinh nhật): “Cuộc đời em là đóa hoa, cuộc đời em là khúc ca, cuộc đời sẽ thêm tươi đẹp vì những khúc ca và đóa hoa…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Đức Dục ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN