TPHCM: Học phí tăng theo chỉ số giá tiêu dùng

Quy định miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vừa được UBND TP.HCM ban hành ngày 5/8. Theo đó, từ năm học 2013 – 2014, mức học phí sẽ tăng từ 2 – 6 lần so với năm học vừa qua, tuỳ cấp học và địa bàn hành chính...

Thêm gánh nặng chi tiêu

Đại diện ban giám hiệu một số trường khi được liên hệ phỏng vấn đều cho biết, đến nay vẫn chưa họp phụ huynh, chưa thông báo về việc tăng học phí cùng các khoản thu nên chưa nắm được tâm tư nguyện vọng hay phản ánh của họ. Tuy nhiên việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập… vẫn sẽ thực hiện theo đúng quy định vừa ban hành.

Trong khi đó, về phía phụ huynh đa số đều tỏ ra lo lắng bởi việc tăng học phí sẽ tăng thêm những áp lực chi tiêu. Chị Phạm Thị Tú Hiên có con học lớp 6, THCS Nguyễn Du (quận 1) chia sẻ: “Tôi đồng tình việc tăng học phí để cải thiện đời sống cho giáo viên, tăng chi phí đầu tư cho giáo dục để có chất lượng giáo dục tốt hơn. Tuy nhiên, cần xem xét hoàn cảnh của những học sinh khó khăn, vì điều này làm cho gia đình các cháu rất hoang mang, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của phụ huynh cũng như các cháu. Cần xem xét và miễn giảm cho các em đó”.

TPHCM: Học phí tăng theo chỉ số giá tiêu dùng - 1

Mức học phí sẽ áp dụng từ năm học mới 2013 - 2014

Theo chị Hiên, trong thời buổi giá cả đồng loạt tăng giá, vợ chồng chị đã bắt đầu thực hiện các biện pháp điều chỉnh chi tiêu để lo cho con, trong đó phương án thay vì ăn tô phở 30.000 đồng thì nay ăn xôi 10.000 đồng cũng bắt đầu áp dụng. Cùng tình cảnh, chị Trần Thu Hà, nhân viên văn phòng, cho biết ngoài học phí, tiền trường thì phụ huynh còn phải đóng tiền cho con học thêm ở ngoài. Điều chị Hà quan tâm hơn nữa đó là việc tăng học phí liệu có tăng chất lượng học, cơ sở vật chất hay không?

Có con đang học cấp 2, đối tượng sẽ phải đóng mức học phí tăng gấp năm lần, chị Phan Thị Bình Thanh (quận 3), cho biết: “Việc học của con cái thì phải đầu tư thôi nhưng nói thật là rất kẹt. Con gái tôi học tiểu học thì chưa thấy thông báo tiền nong gì, nhưng con trai học lớp 6 trường Bàn Cờ tháng vừa rồi chỉ tiền học đã phải đóng gần 10 triệu đồng”. Theo chị Thanh, đó là các khoản đóng cho trường, đồng phục, mua đồ dùng học tập, học tiếng Anh, học thêm ở ngoài: “Nhà tôi làm nghề buôn bán, có đồng ra đồng vào mà cũng phải xoay xở cho các khoản chi tiêu, có mấy người bạn hàng xóm, lao động tự do thỉnh thoảng vẫn mượn tiền đóng tiền học cho con, không biết đợt này sẽ ra sao”.

Năm học mới đã bắt đầu, để con trẻ được cắp sách đến trường, lại thêm nhiều áp lực và gánh nặng lo toan dồn lên vai những người làm cha, làm mẹ...

Tăng từ 2 – 6 lần!

Mức học phí mới đã bao gồm tiền cơ sở vật chất, vệ sinh... áp dụng cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trực thuộc UBND TP.HCM. Theo đó, mức học phí được chia thành hai nhóm: nhóm một áp dụng cho học sinh các trường ở các quận nội thành, nhóm hai áp dụng cho học sinh các trường trên địa bàn các huyện ngoại thành.

Cấp nhà trẻ, mẫu giáo, bổ túc THCS, THPT khu vực nội thành sẽ có mức học phí mới tăng gấp ba lần so với năm học trước, từ 50.000 đồng/tháng lên 150.000 đồng/tháng. Cấp THCS tăng năm lần, từ 15.000 đồng lên 75.000 đồng/tháng. Trong khi đó, học phí các cấp học nhà trẻ, mẫu giáo, THPT thuộc ngoại thành tăng gấp ba lần, cấp THCS tăng sáu lần và khối khác tăng hai lần so với mức học phí năm trước. Chẳng hạn, cấp THCS sẽ tăng từ 10.000 đồng lên 60.000 đồng/học kỳ. Mức học phí này sẽ còn tiếp tục tăng từ 25.000 – 50.000 đồng/học kỳ trong năm học 2014 – 2015.

Mức thu này sẽ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm 5%, do bộ Kế hoạch và đầu tư thông báo, và đạt gần bằng mức trần theo khung của nghị định 49 (năm 2010) của Chính phủ vào năm học 2014 – 2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trọng Văn- Ý Nhi (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN