Tổ chức một kỳ thi quốc gia 2015: “Lẽ ra phải áp dụng sớm hơn”

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng không nên chần chừ việc tổ chức một kỳ thi quốc gia thay cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT và ĐH – CĐ vào năm 2015. Theo ông, lẽ ra việc này phải được áp dụng sớm hơn.

Vừa qua,  Bộ GD – ĐT đã đề xuất 3 phương án cho  kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ thực hiện ngay vào năm 2015. Kỳ thi này sẽ nhằm hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời là căn cứ quan trọng cho việc xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, trung cấp chuyên nghiệp.

Không hề vội vàng

Nhiều người lo ngại việc tổ chức một kỳ thi quốc gia bắt đầu từ năm 2015 sẽ là quá hấp tấp, vội vàng. Việc dạy và học của giáo viên, học sinh sẽ bị xáo trộn. Đặc biệt đối với lứa học sinh đang tập trung vào những môn học phân ban phục vụ thi ĐH –CĐ.

PGS Trần Xuân Nhĩ nói: “Tôi thấy rằng không có gì là vội vàng nếu tổ chức một kỳ thi quốc gia vào năm sau. Chúng ta không nên chần chừ thêm nữa, lẽ ra kỳ thi này phải được áp dụng sớm hơn”.

Theo PGS Nhĩ, để học sinh học lệch là lỗi của nền giáo dục trong nhiều năm. Mục đích của đổi mới giáo dục để khắc phục tình trạng này. Trình độ phổ thông đòi hỏi học sinh phải học đầy đủ các môn. Nếu em nào học lệch thì có thể học bù lại ngay trong năm nay. Đưa ra phương án thi mới cũng chính là yêu cầu học sinh ra sức hoàn thiện mình.

“Xã hội cần những con người hoàn thiện chứ không cần người lệch lạc về kiến thức. Chúng ta không thể chiều theo học sinh học lệch mà phải theo yêu cầu chung của cả nền giáo dục”, PGS Nhĩ nói.

Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định, ngay từ bây giờ Bộ Giáo dục có thể mời những chuyên gia đầu ngành để lên kế hoạch cụ thể cho kỳ thi, chuẩn bị cho chương trình học, sách giáo khoa đổi mới. Những kiến thức quá khó, không cần thiết nên bỏ. Làm được như vậy học sinh sẽ bớt áp lực, hào hứng hơn. 

Tổ chức một kỳ thi quốc gia 2015: “Lẽ ra phải áp dụng sớm hơn” - 1

Thí sinh dự thi Đại học năm 2014

Bên cạnh đó, việc xét tốt nghiệp dựa trên kết quả thi, quá trình học tập của học sinh phải cân đối phù hợp. “Tôi cho rằng việc chấm điểm ở bậc phổ thông chưa đáng tin cậy. Chính vì thế, chỉ nên lấy điểm học tập trong 3 năm THPT chiếm 20 -30% căn cứ tốt nghiệp”, PGS Nhĩ bày tỏ.

Theo vị PGS thì ở bậc phổ thông hiện nay, khoảng 60-70%  đỗ tốt nghiệp là phản ánh đúng thực chất. Số còn lại không đủ khả năng đỗ tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông. Với giấy chứng nhận đó  họ có thể đi học trung cấp, học nghề hoặc thi lại vào năm sau.

Đối với những thí sinh tự do đã đỗ tốt nghiệp THPT vẫn có thể tiếp tục thi vào trường ĐH-CĐ mình chọn. Nếu trường không tổ chức thi, theo PGS Trần Xuân Nhĩ trường đó nên xét tuyển linh động với thí sinh này, sau đó sàng lọc dần. 

Phương án thi chưa hoàn chỉnh

PGS Trần Xuân Nhĩ nhận xét rằng cả 3 phương án thi đưa ra đều chưa hoàn chỉnh. Phương án 1 và phương án 3 không bám sát chương trình học. Phương án 2 khả thi nhất nhưng cần bổ sung thêm.

Phương án 2: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức theo bài thi. Cụ thể, 8 môn học ở lớp 12 THPT (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) sẽ được chọn tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa, Sinh học); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lý).

Kỳ thi sẽ diễn ra trong 5 buổi- 2,5 ngày; mỗi buổi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải làm 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

“Nếu đưa ra sự chọn lựa 1 bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội thì chắc chắn học sinh sẽ học lệch. Mục đích chính của cải cách giáo dục lần này là đào tạo toàn diện cho học sinh. Thí sinh dự thi buộc phải làm 5 bài thi, thay vì 4 bài. Như vậy, học sinh mới có ý thức học tập, rèn luyện đầy đủ các môn”, PGS Nhĩ nói.

Theo GS-TS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng cho rằng phương án 2 khoa học, tiến bộ hơn cả.

Ông Thiệp nhận định : “Phương án 1 là phương án bảo thủ và không khoa học, vì nó vẫn dựa vào quá nhiều vào tính ngẫu nhiên ngay từ việc lựa chọn môn thi, không bao quát được chương trình học. Thật ra ở phương án 2 gọi đề thi là “bài thi” không chính xác, nên gọi là đề thi tổng hợp thì đúng hơn, khác với đề thi đơn môn ở phương án 1, vì từ bài thi dành để chỉ bài làm của thí sinh”.

Có thể sử dụng một kỳ thi cho 2 mục tiêu tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học vì bản chất 2 kỳ thi đều là đánh giá thành quả học tập theo chương trình phổ thông. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc tuyển sinh đại học, nên mở rộng đối tượng được phép dự thi, chẳng hạn những người đã thi nhưng muốn nâng điểm để dự tuyển đại học, hoặc những người tự học, không học phổ thông nhưng muốn có điểm để được xác định trình độ và dự tuyển đại học.

Một kỳ thi quốc gia có tính chất như vậy có thể tổ chức nhiều lần trong năm, xem như tạo cơ hội để thí sinh nâng dần trình độ để được vào đại học. Có các kỳ thi quốc gia như vậy thì các trường đại học không bị sức ép lấy thí sinh quá kém.

Các trường đại học có quyền “tự chủ tuyển sinh” không có nghĩa là họ có quyền tổ chức kỳ thi tuyển sinh, vì tổ chức một kỳ thi tuyển sinh thật sự có chất lượng là rất khó và rất tốn kém, phần lớn các trường đại học không làm được. Ở các nước tiên tiến đều có tổ dịch vụ thi chung để các trường đại học dựa vào kết quả đó mà tự chủ tuyển sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên thả nổi hoàn toàn cho mọi trường đại học quyết định việc tuyển sinh. Ở Nhật Bản, mọi trường đại học công đều phải dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh, một số trường lớp trên có thể đưa thêm các giải pháp bổ sung, chỉ các trường tư được tự chọn sử dụng hay không sử dụng kỳ thi chung.

Dự thảo 3 phương án cho kỳ thi quốc gia năm 2015 của Bộ GD-ĐT

Phương án 1: Tổ chức thi theo môn, theo cách truyền thống. Thí sinh sẽ thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; thi 8 buổi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.

Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa.

Phương án 2: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức theo bài thi. Cụ thể, 8 môn học ở lớp 12 THPT (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) sẽ được chọn tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa, Sinh học); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lý). Kỳ thi sẽ diễn ra trong 5 buổi- 2,5 ngày; mỗi buổi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải làm 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Phương án 3: Tổng hợp 11 môn học ở lớp 12 thành 4 bài thi: Toán-Tin; Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ); Khoa học Xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); và bài thi Ngoại ngữ. Thí sinh phải thi cả 4 bài thi trong 4 buổi với tổng thời gian 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định – Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN