Tiền trường đầu năm: Nhiều khoản lạ lùng

Không chỉ riêng phụ huynh học sinh ở thành phố lớn mới là “nạn nhân” của lạm thu, vào đầu năm học, nhiều trường học vùng nông thôn, miền núi cũng xuất hiện những khoản thu lạ khiến phụ huynh “è cổ” đóng góp.

Đóng cả tiền tăm

Cầm tờ thông báo đóng tiền học của trường, một phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học Tiên Hưng (huyện miền núi Lục Nam, Bắc Giang) như “chết đứng” trước những khoản “oái oăm”, mặc dù biết rằng vài năm nay trường vẫn thu như thế. Phụ huynh này chia sẻ: “Dù khoản tiền học không phải là lớn lắm nhưng đối với gia đình tôi đang lúc khó khăn mà chưa biết “xoay sở” thế nào để nộp cho con. Hôm rồi, cô giáo chủ nhiệm có phát cho mỗi học sinh một tờ giấy ghi các khoản tiền học. Ngoài các khoản thu theo quy định như: tiền bảo hiểm, sách giáo khoa, áo đồng phục, quỹ lớp ra còn nhiều khoản thu khác hết sức phi lý”.

Theo phụ huynh này, các khoản thu đều mang danh nghĩa “thu hộ”, bao gồm vở ô ly (15 quyển): 75.000 đồng; bài tập các loại: 268.000 đồng; tăm + sổ liên lạc: 13.000 đồng; xử lý rác thải: 15.000 đồng; sách giáo khoa: 172.000 đồng; áo đồng phục: 70.000 đồng; tiền gửi xe: 40.000 đồng (nếu đi xe); giấy kiểm tra: 40.000 đồng; bảo hiểm thân thể: 50.000 đồng; quỹ lớp: 50.000 đồng. Quả thực, đúng như vị phụ huynh này chia sẻ, các khoản tiền trường như “xử lý rác thải”, “tăm + sổ liên lạc”… rất khác lạ. Còn các khoản khác mà phụ huynh có thể mua ngoài thị trường như sách giáo khoa, vở viết… thì nhà trường cũng nhiệt tình “thu hộ”.

Tiền trường đầu năm: Nhiều khoản lạ lùng - 1

Giấy thông báo các khoản thu của Trường tiểu học Tiên Hưng được
giáo viên phát cho học sinh.  Ảnh: Q.Anh

“Bộ GD&ĐT đã xây dựng các văn bản để quản lý việc thu trong trường học. Các trường cần đảm bảo việc thu chi được công khai, minh bạch để phụ huynh học sinh, xã hội kiểm soát được tình hình thu trong trường học. Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiên quyết xử lý hiện tượng thu không đúng quy định. Đồng thời phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội liên quan cũng cần tham gia phát hiện, thông báo kịp thời đến cơ quan quản lý để kiểm soát, xử lý”.

Ông Lê Khánh Tuấn
Vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính
(Bộ GD&ĐT)

Theo một số phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Tiên Hưng, cũng biết là nhà trường có những khoản thu vô lý, song vì khoản tiền không quá lớn và vì ngại ngần nên họ cũng không có ý kiến phản đối. Hơn nữa, những khoản thu này hầu như năm nào cũng thế.

Trường vô tư “sáng tạo”

Khi nhà trường “sáng tạo” ra các khoản thu thì phụ huynh “méo mặt”, thậm chí giận dữ, phản đối. Đơn cử, đầu năm học này, để có tiền trả cho việc nâng cấp cơ sở vật chất, Trường mầm non Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) đã ấn định mức thu “đầu vào” từ 800.000 - 1 triệu đồng/học sinh khiến các phụ huynh vô cùng  bức xúc. Tương tự, một sự việc hiếm thấy của ngành giáo dục vừa diễn ra tại Trường mầm non Tương Giang 2 (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) khi phụ huynh để con ở nhà để phản đối trường này thu tiền “hỗ trợ dạy và học” 120.000 đồng/năm cùng vô số khoản thu khác. Cuối cùng, sự việc này đã khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc, kỷ luật Hiệu trưởng và bãi bỏ những khoản thu vô lý.

Sau khi Báo GĐ&XH đăng tải nhiều bài viết về tiền trường đầu năm ở Hà Nội, TPHCM, nhiều độc giả đã gửi thư tới tòa soạn chia sẻ về những trường hợp lạm thu trong trường học tại các địa phương. Ví dụ như thư của ông Phạm Bằng (Hải Dương) phản ánh về tình trạng lạm thu tại một trường tiểu học nơi ông sinh sống. Theo ông Bằng, bước vào đầu năm học 2013-2014, mỗi học sinh lớp 1 đã phải đóng trên 3,5 triệu đồng, khoản tiền lớn này được nhà trường liệt kê thành rất nhiều loại quỹ khác nhau như: tiền ủng hộ làm sân trường 300.000 đồng, tiền sách vở 1.400.000 đồng, tiền học tiếng Anh 700.000 đồng…

Bước vào năm học mới, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định về thu - chi trong trường học. Bộ cũng sẽ tổ chức các đoàn thanh tra kiểm tra bất kỳ các trường, hoặc thanh tra chính các đoàn thanh tra của địa phương về lạm thu; đồng thời kêu gọi phụ huynh có thể phản ánh các trường lạm thu để Bộ GD&ĐT thanh tra, xử lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN