Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện kịch bản chống COVID-19, tổ chức tốt kỳ thi THPT

Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 6-5 nhấn mạnh ngành giáo dục cần hoàn thiện kịch bản chống Covid-19 để tổ chức tốt kỳ thi THPT.

Ngày 6-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở GD-ĐT trên cả nước; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục các cấp, tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các cơ sở giáo dục đại học; nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất cho các hoạt động GD-ĐT; công tác khảo thí, đánh giá trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD-ĐT; đẩy mạnh phân cấp quản lý và tự chủ đại học; hội nhập quốc tế trong GD-ĐT; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học công nghệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngành giáo dục phải vươn lên mạnh mẽ, đổi mới tư duy quản lý. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngành giáo dục phải vươn lên mạnh mẽ, đổi mới tư duy quản lý. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu một số khó khăn, thách thức với ngành. Nguồn lực đầu tư hiện chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước, những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi thiếu giáo viên; các khu công nghiệp tập trung đông dân cư nhưng thiếu quỹ đất xây trường lớp. Cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, xuống cấp, thiếu đồng bộ. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết, cả nước vẫn thiếu 95.000 giáo viên; việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập.

Chủ trương xã hội hóa và khả năng triển khai thực tế còn vướng mắc. Việc triển khai Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học còn khó khăn, vướng mắc do thiếu đồng bộ về chính sách, có những quy định chưa đồng bộ với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đia phương quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đặt yêu cầu phát triển GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển đất nước bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực. Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bộ trưởng cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan tới đầu tư tài chính cho giáo dục; về công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải đánh giá đầy đủ, có cái nhìn toàn diện đối với ngành giáo dục Việt Nam. Với trình độ phát triển hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đứng khoảng thứ 120 trên thế giới, nhiều chỉ số ở khoảng thứ 70-80, nhưng giáo dục phổ thông của chúng ta hiện đứng thứ 40. Nhiều trường đại học đã có mặt trong những bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Tỷ lệ công bố quốc tế các nghiên cứu khoa học của các trường đại học tăng từ 15% lên 70% đến 80%. Tuy nhiên, xã hội vẫn còn có một số bức xúc với ngành, như tình trạng thiếu trường lớp ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích trong giáo dục…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần phải đánh giá đầy đủ, có cái nhìn toàn diện đối với ngành giáo dục Việt Nam. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần phải đánh giá đầy đủ, có cái nhìn toàn diện đối với ngành giáo dục Việt Nam. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng nêu quan điểm cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn về mặt chuyên môn, chính quyền các địa phương bảo đảm về cơ sở vật chất, giáo viên… Đồng thời, đề nghị thực hiện đầy đủ các nguyên tắc của giáo dục phổ thông như phải bảo đảm đủ trường lớp, giáo viên cho học sinh học 2 buổi; không có lựa chọn đầu vào; đổi mới công tác quản trị nhà trường phổ thông theo hướng tự chủ, có sự tham gia của đại diện cộng đồng; siết lại việc thành lập các hội đồng trường đại học…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngành giáo dục phải vươn lên mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới tư duy quản lý, tư duy giáo dục, chủ động, tích cực, sáng tạo. Phải tự lực, tự cường vươn lên từ nội lực, không trông chờ ai làm thay. Làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn. Đồng thời phát huy những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm hay, bài học quý, những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng, đi đôi với khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nhất là những hạn chế đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành GD-ĐT tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh, nhất là cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp, giáo viên. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng cho rằng, chủ trương, chính sách dù được nghiên cứu kỹ cũng không thể phủ kín các góc cạnh của cuộc sống, cho nên khi triển khai phải xuất phát từ thực tiễn, có lộ trình, có bước đi phù hợp. Ngành phải nghiên cứu, báo cáo, đề xuất, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương chung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình thực tế ở mỗi vùng miền. "Đây là việc phải làm và không ai làm thay được Bộ"- Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách hiện nay trong phòng chống COVID-19. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, không hoang mang lo sợ. Với hơn 1,2 triệu giáo viên, gần 24 triệu học sinh, sinh viên, bằng 1/4 dân số cả nước, ngành cần phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên. Ngành cần hoàn thiện kịch bản chống COVID-19 để tổ chức tốt kỳ thi THPT, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm học, đồng thời là cơ sở kinh nghiệm để ứng phó những dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Lưu ý 'vàng' cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Liên quan thi tốt nghiệp THPT 2021, Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh về thời gian làm hồ sơ đăng ký dự thi, bảo mật tài khoản cá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN