Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Phổ điểm có thể cao hơn năm ngoái

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đến thời điểm này, Bộ có thể dự đoán được mức điểm trung bình của thí sinh có thể cao hơn năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Phổ điểm có thể cao hơn năm ngoái - 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện, Bộ chưa tổng hợp được kết quả của tất cả các cụm thi nên chưa so sánh được phổ điểm so với năm 2015. Tuy nhiên với 2/3 kết quả các cụm thi đã gửi về Bộ có thể dự đoán được mức điểm trung bình có thể cao hơn năm ngoái đôi chút và phổ điểm có thể cao hơn.

Sau khi công bố kết quả thi, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp về ngưỡng điểm tối thiểu có thể xét tuyển vào ĐH. Khi đó, Hội đồng sẽ phân tích chi tiết phổ điểm của từng khối thi khác nhau để lựa chọn mức điểm ngưỡng phù hợp nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, sau khi biết kết quả thi, thí sinh có khoảng 10 ngày để nghiên cứu, lựa chọn trường đăng ký xét tuyển phù hợp. Các em thi nhiều môn sẽ có nhiều khả năng lựa chọn tổ hợp môn thi có kết quả cao nhất để đăng ký xét tuyển.

Ngoài ra, thí sinh nên tham khảo thông tin về điểm chuẩn vào các ngành/trường năm 2015. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà Bộ sẽ công bố trước thí sinh khi bắt đầu nộp đăng ký xét tuyển.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT lý giải, khi ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tăng thì điểm chuẩn thường cũng tăng theo. Quy định xét tuyển năm nay sẽ tạo điều kiện tối đa cho thí sinh chọn được ngành nghề mình yêu thích.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, năm nay, trước khi tiếp nhận đăng ký của thí sinh, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải công bố ngưỡng nhận hồ sơ sau khi Bộ công bố ngưỡng chất lượng tối thiểu.

“Điểm này khác với năm trước để tránh tình trạng thí sinh điểm thấp vẫn nộp hồ sơ vào các trường tốp cao” - ông Ga thông tin.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khuyên thí sinh nên đăng ký xét tuyển vào ngành mình yêu thích ở các trường có điểm chuẩn khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển mỗi đợt xét tuyển.

“Thí sinh khi chọn ngành nên tìm hiểu kỹ cho phù hợp với khả năng, nguyện vọng, sở trường. Đây là điều kiện quan trọng nhất, nếu chọn ngành không phù hợp thì không chắc thành công, và khi đi làm cũng khó tìm được niềm vui trong công việc”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, theo Ban tư vấn tuyển sinh ĐH Bách Khoa Hà Nội, điểm trúng tuyển năm nay có xu hướng giảm và trường dự kiến không hạ điểm chuẩn để lấy hết chỉ tiêu ở một số ngành.

Tại Đại học Thủy Lợi, PGS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho biết, các môn Lý, Hóa, Địa đã có điểm 10. Tuy nhiên, số lượng điểm 10 ở những môn này không nhiều.

Trong khi đó, môn Sinh điểm cao nhất là 9,8. Môn Tiếng Anh đã có thí sinh đạt 8/8 ở bài thi trắc nghiệm và có thí sinh đạt 2/2 ở bài thi tự luận.

Ngoài ra, môn Toán điểm cao nhất là 9,5. Môn Văn điểm cao nhất là 8,75. Môn Sử điểm cao nhất là 9,5.

Trường Đại học Thủy lợi, phổ điểm đẹp nhất thuộc về môn Hóa với đa số điểm tập trung từ 5-7 điểm. Số lượng điểm 6 chiếm nhiều nhất. Môn Lý có phổ điểm tập trung từ 6-8 điểm, trong đó, số lượng điểm 7 chiếm nhiều nhất.

Tại Đại học Lâm nghiệp, theo lãnh đạo nhà trường, nhìn chung phổ điểm thi năm nay không cao, đa số tập trung ngưỡng 4-6 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN