Thi vào lớp 10 để phân luồng học sinh

Học theo hình thức nào thì học sinh đều có thể thi tốt nghiệp THPT và có bằng nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp.

Thời gian qua, ngoài thi tuyển lớp 10, TP.HCM còn áp dụng hình thức xét tuyển. Thế nhưng mới đây, UBND TP.HCM vừa cho phép Sở GD&ĐT TP.HCM thi tuyển vào lớp 10 tại tất cả trường THPT trên địa bàn từ năm học 2014-2015. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, hình thức xét tuyển trong những năm qua đã bộc lộ một số nhược điểm: Chất lượng giáo dục ở bậc THCS có xu hướng giảm, nhiều học sinh lên lớp 10 bỏ học vì không theo kịp chương trình...

Thi tuyển để nâng chất lượng

Phóng viên: Thưa ông, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất phương án tất cả học sinh đều phải thi lớp 10 từ năm 2014 chứ không còn xét tuyển như trước đây ở một số quận, huyện. Điều này đã gây phản ứng dư luận, cho là TP lội ngược dòng?

Thi vào lớp 10 để phân luồng học sinh - 1Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM (ảnh): Ngày 30/1/2013, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 02 về việc ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, có ba phương thức tuyển sinh THPT là xét tuyển, thi tuyển và kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Quy chế quy định: “Chỉ xét tuyển đối với các trường không có điều kiện tổ chức thi tuyển hoặc có số học sinh đăng ký tuyển sinh không vượt quá chỉ tiêu vào trường”. Sau khi lấy ý kiến cơ sở trường học cùng quận, huyện và khi có sự đồng thuận, chúng tôi đã chuẩn bị phương án trình UBND TP. Nguyên nhân chính hiện nay là các trường trong TP.HCM đều có số học sinh đăng ký tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Do đó, căn cứ vào quy định của Bộ và năng lực tuyển sinh của các trường, TP.HCM không áp dụng tuyển sinh theo phương thức xét tuyển mà bắt đầu áp dụng chung cho toàn TP từ năm học 2014-2015 là phương thức thi tuyển.

Thi vào lớp 10 để phân luồng học sinh - 2

Học sinh tại TP.HCM trong ngày thi tuyển sinh lớp 10 năm 2013. Ảnh: HTD

Với phương án này những quận, huyện đang áp dụng hình thức xét tuyển thời gian qua sẽ gặp khó khăn hay thuận lợi gì?

Với phương án này thì những quận, huyện áp dụng phương thức xét tuyển thời gian qua sẽ không gặp khó khăn, bởi những quận, huyện này trước đây đã từng áp dụng phương thức thi tuyển. Bên cạnh đó, việc phân luồng học sinh thông qua kỳ thi sẽ tạo điều kiện cho học sinh có quyền lựa chọn trường, công bằng và có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Phân luồng ngay khi kết thúc THCS

Theo phản ánh của một số trường thực hiện xét tuyển trong những năm qua thì chất lượng đầu vào rất yếu, học sinh không theo kịp chương trình. Thêm vào đó, học sinh lớp 9 không chịu học vì nghĩ đường nào cũng vào được lớp 10. Ông thấy thế nào?

Các quận, huyện tuyển sinh theo phương thức xét tuyển cũng chỉ tuyển vào lớp 10 công lập tối đa 80% học sinh tốt nghiệp THCS. Riêng các trường THPT Trung Phú, Củ Chi, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Hữu Huân và Mạc Đĩnh Chi đều có chỉ tiêu thi tuyển vào các lớp chuyên. Do đó, chất lượng giáo dục của TP luôn ổn định ở mức cao và ngày càng thu ngắn khoảng cách giữa giáo dục nội và ngoại thành. Tỉ lệ tốt nghiệp vẫn luôn giữ vững ở mức cao, tỉ lệ đỗ vào các trường CĐ, ĐH năm sau cao hơn năm trước và luôn ở tốp đầu của cả nước. Trước đây TP.HCM từng chọn và tổ chức phương án thi tuyển cho 24 quận, huyện và năm học này chúng tôi thực hiện đúng quy định theo quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD&ĐT.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng thi tuyển là vì cơ sở vật chất đã đảm bảo cũng như học sinh tăng nhưng chỉ tiêu của trường ít. Nhưng nếu chỉ dựa vào một số nguyên nhân này để chuyển từ xét tuyển sang thi tuyển liệu có hợp lý chưa?

Về phân luồng học sinh sau THCS, tùy theo năng lực học sinh và định hướng nghề nghiệp cho tương lai, các em cần được phân luồng sang học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên. Học nghề và học trung cấp chuyên nghiệp các em đều có thể thi tốt nghiệp THPT và có bằng nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Con đường nào cũng có nghề nghiệp tốt và cũng có thể học tiếp CĐ, ĐH và sau ĐH.

Năm học vừa qua toàn TP có 5% học sinh vào trường THPT ngoài công lập và 15% học sinh vào học các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp.

Thi tuyển ngày 21 và 22/6 hằng năm

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa ban hành văn bản hướng dẫn về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2014-2015. Theo đó, tất cả trường THPT công lập tại 24 quận, huyện sẽ tổ chức thi tuyển vào hai ngày 21 và 22/6 hằng năm. Trong đó, môn thi sẽ thực hiện theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT với thi viết ba môn là toán, ngữ văn và môn thứ ba sẽ công bố vào ngày 10-5. Được biết, từ khi bắt đầu tổ chức tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển vào năm 2006 thì TP.HCM luôn chọn môn thứ ba là ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật).

Từ năm học 2006-2007, TP.HCM thực hiện hình thức kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển đối với tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT công lập. Các quận xét tuyển là 2, 6, 9, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện xét tuyển là Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ. Với hình thức xét tuyển này, học sinh chỉ cần đạt hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá (tương đương 6 điểm) là đã trúng tuyển vào lớp 10 công lập.

Chính vì vậy, một số trường THPT có bề dày thành tích đào tạo học sinh giỏi đã “rơi rụng” vì xét tuyển. Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn), trước đây trường luôn nằm trong tốp 100 trường THPT của cả nước về tỉ lệ học sinh có điểm bình quân thi ĐH cao nhất. Nhưng từ khi xét tuyển, trường nằm đến tốp 200 hay Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) hằng năm tỉ lệ học sinh thi lại, lưu ban càng ngày càng chiếm tỉ lệ cao. Trường lo ngại không còn nằm trong tốp 200 trường có điểm bình quân thi ĐH cao nhất cả nước…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN