Thi vào 10 như thi... đại học, thầy trò cùng “vắt chân lên cổ”

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10

Không ít giáo viên, học sinh đều cảm thấy “sốc” trước dự kiến sang năm 2019, Hà Nội sẽ áp dụng tổ hợp môn trong kỳ thi vào lớp 10 THPT. Việc phải thi quá nhiều môn (trong khi hiện nay chỉ thi 2 môn Toán, Ngữ văn) khiến nhiều giáo viên, phụ huynh lo lắng cho học sinh học ôn tập căng thẳng, vất vả.

Thi vào 10 “theo” kỳ thi quốc gia

Mới đây, trong cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về công tác tuyển sinh năm học 2018-2019 và dự kiến cho năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, dự kiến tháng 9/2018, thời điểm bắt đầu năm học mới sẽ công bố các đề minh họa cho bài thi tổ hợp vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Dự kiến, tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân, hoặc Tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học. Như vậy, từ năm 2019 sẽ không còn áp dụng thi 2 môn Văn, Toán vào lớp 10 THPT mà học sinh tham dự kỳ thi phải ôn tập thêm 4 môn, nâng tổng số môn lên tới 6 môn thi.

Theo giải thích của Sở GD&ĐT Hà Nội, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2019-2020 nhằm khắc phục các hạn chế của phương thức cũ, triển khai mạnh công cuộc đổi mới giáo dục, chủ động đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng các yêu cầu về đổi mới dạy học. Việc thi thêm bài thi tổ hợp nhằm mục đích tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện.

Thi vào 10 như thi... đại học, thầy trò cùng “vắt chân lên cổ” - 1

Thầy Nguyễn Phi Hùng, Giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội). Ảnh: Q.A

Mối lo của phụ huynh trong mấy ngày qua ắt hẳn có cơ sở vì trong nhiều năm qua, Hà Nội là nơi áp dụng kỳ thi kết hợp xét tuyển vào lớp 10 chỉ với hai môn Toán - Ngữ văn, cùng với điểm cộng và dựa trên học bạ THCS. Dù chỉ thi ít môn, song kỳ thi này còn căng thẳng hơn kỳ thi vào đại học trước đây, bởi số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đều tăng mạnh, trong khi chỉ tiêu thì luôn được giữ ổn định giữa các năm học. Trước mỗi kỳ thi, chưa cần biết kết quả cũng có thể biết chắc rằng có hàng vạn học sinh sẽ phải học trường dân lập, hệ bổ túc, trường nghề...

Đánh giá về sắp tới sẽ thi thêm môn tổ hợp, lãnh đạo nhiều trường THPT cho biết, đã học là phải tổ chức thi để chọn lựa học sinh học thực chất. Thi môn tổ hợp là để học sinh làm quen, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia (cũng thi tổ hợp môn), tránh tình trạng học sinh chỉ học hai môn Toán - Ngữ văn để đi thi như hiện nay. Trong khi đó, với các trường THCS, để thích nghi sẽ phải tăng cường dạy, ôn tập các môn tổ hợp cho học sinh.

Cả thầy lẫn trò đều vất vả

Thầy Nguyễn Phi Hùng, Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho rằng, bài thi tổ hợp gồm nhiều môn đã là hình thức (xu hướng) trong các kì thi tuyển sinh đầu mỗi cấp học. Thi THPT Quốc gia đã thực hiện bài thi tổ hợp từ năm ngoái. Một số tỉnh/thành đã áp dụng bài thi tổ hợp trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10. Việc kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm tới, Hà Nội dùng bài thi tổ hợp cũng nằm trong xu hướng chung đó. Tuy nhiên, điều này lại khiến cho kì thi vốn đã căng thẳng nay phải chịu thêm nhiều áp lực. Có người còn so sánh kì thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ có thể căng thẳng hơn cả kì thi THPT Quốc gia.

Là người dạy, ôn tập cho các học sinh THCS, thầy Nguyễn Phi Hùng chỉ ra thực tế: Chương trình học lớp 9 hiện nay đã khá nặng với học sinh: Số lượng môn học nhiều, khối lượng kiến thức lớn và nhất là áp lực ôn luyện ở hai môn thi Toán, Ngữ văn chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10. Nếu áp dụng bài thi tổ hợp, học sinh muốn đạt kết quả cao phải dàn sức học tập, ôn luyện cả 9 môn học từ đầu năm. Áp lực học tập, thi cử sẽ tăng lên rất cao.

Cũng theo thầy Hùng, áp lực thi cử sẽ gia tăng với học sinh, phụ huynh và cả giáo viên nữa. Do đó, các em cần tìm hiểu các thông tin liên quan đến phương thức tuyển sinh mới, nắm chắc cấu trúc, hình thức đề thi (nhất là ở bài thi tổ hợp) để có định hướng cho việc học tập, ôn luyện. Trong quá trình học tập, cần tập trung, học đều các môn, nhất là phải nắm được những đơn vị kiến thức cơ bản, những kĩ năng căn bản ở mỗi môn học.

“Sở GD&ĐT nên sớm công bố đề thi minh họa để học sinh và giáo viên nắm được thông tin về hình thức, cấu trúc đề thi; đồng thời có hướng dẫn cụ thể tới các trường về nội dung, phương pháp dạy học, ôn tập cho học sinh chuẩn bị cho kì tuyển sinh vào lớp 10”, thầy Phi Hùng chia sẻ thêm.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, số học sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 dự kiến tăng khoảng 22.000 em so với năm trước. Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tăng lên 19.500 em so với năm 2017. Như vậy, 62% số học sinh vào THPT công lập, đảm bảo đủ theo tỷ lệ của Hội đồng Nhân dân thành phố đề ra. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT là 85.800 em. Cụ thể, năm nay, Sở GD&ĐT tăng thêm 327 lớp. Tất cả các trường nếu chỉ dạy một buổi, có điều kiện thì dạy 2 buổi, còn phòng học thì bổ sung thêm lớp. Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 sẽ diễn ra ngày 7/6, buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán. Cả hai môn đều thi theo hình thức tự luận.

Thi tổ hợp môn vào lớp 10: Giáo viên hiến kế “chống sốc”

Theo đánh giá của giáo viên, học sinh cần có định hướng ôn tập sớm ngay từ năm lớp 8 và Sở GD&ĐT Hà Nội cần sớm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN