Thí sinh có 6 tuần để hoàn thành đăng ký nguyện vọng đại học 2022
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, nhưng dự kiến sẽ có một số điều chỉnh mang tính kỹ thuật.
Theo Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh năm 2022 chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Qua đó, nhằm bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh và cơ sở đào tạo cũng như tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh một số nội dung so với năm 2021. Trong đó, đáng lưu ý là việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ hai, thí sinh đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 tất cả nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, phương thức, cơ sở đào tạo) đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất của thí sinh).
Nói thêm về nội dung điều chỉnh này, Bộ GD&ĐT thông tin dự kiến thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT ở thời điểm bình thường như mọi năm. Nghĩa là, thí sinh đăng ký trước khi thi trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của Bộ. Tuy nhiên, khi các em đăng ký thi tốt nghiệp THPT thì chưa cần đăng ký xét tuyển đại học ngay, khi nào thi tốt nghiệp THPT xong mới thực hiện bước này.
Những năm trước, thí sinh đăng ký chủ yếu trên phiếu trực tiếp, sau đó mới nhập dữ liệu vào hệ thống. Vì vậy, thí sinh phải đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký thi THPT để thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển và hoàn thiện, thí sinh có thể thuận tiện đăng ký trực tuyến. Hơn nữa, như năm trước, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ vẫn phải mở cổng hệ thống để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Vì vậy, năm nay, Bộ dự định mở cổng tuyển sinh một lần trong một khoảng thời gian nhất định khoảng 3 - 6 tuần sau khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Phương án này sẽ giảm bớt được một bước, thuận tiện cho thí sinh, cho hệ thống và tiết kiệm chi phí chung cho toàn xã hội.
Một nội dung điều chỉnh nữa là tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của lựa chọn này, bảo đảm công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).
Bộ GD&ĐT cho rằng những điều chỉnh này xuất phát từ nguyên nhân là thời gian qua vẫn tồn tại tỷ lệ không nhỏ về thí sinh ảo. Ngoài ra, có tình trạng một thí sinh đỗ vào nhiều trường đại học khác nhau trong cùng đợt xét tuyển, ảnh hưởng tới cơ hội trúng tuyển của thí sinh khác, gây khó khăn cho công tác dự báo trong tuyển sinh của cơ sở đào tạo...
Nguyên nhân là do các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, hoặc tuyển sinh không đúng với số lượng chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh và gây một số hệ quả không tốt trong dư luận xã hội.
Các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng chưa có đủ biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh. Có trường tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm nhưng không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo gia tăng. Cũng có trường chưa thực sự tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên và có năng lực nhất.
Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo khai báo chỉ tiêu tuyển sinh chưa thống nhất giữa các hệ thống, hoặc chưa thực hiện đúng kế hoạch, đủ hết quy trình đối với việc xác định chỉ tiêu. Cũng có trường chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển, do vậy thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển và phải xử lý các vấn đề nảy sinh sau khi thí sinh tiến hành nhập học. Một số trường nhập thông tin về điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố…
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục THPT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời dữ liệu này được kiểm tra, rà soát sau khi đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.
Còn các cơ sở giáo dục đại học phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Công an vừa ban hành Hướng dẫn Tuyển sinh trong khối công an nhân dân năm 2022.