Thi ĐH –CĐ: Chọn ngành sao cho đúng

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trước khi đặt bút đăng ký hồ sơ thi ĐH - CĐ, thí sinh cần có sự hiểu biết kỹ lưỡng về ngành học của mình cũng như nhu cầu nhân lực của thị trường lao động

Tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm 60%

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, hiện nay “hầu hết các em học sinh, khi chọn ngành học cho mình đều hết sức cảm tính, có em thì chọn theo sở thích chứ không chú ý đến năng lực bản thân, một số nghe theo cha mẹ, một số chọn bừa, thậm chí có em còn đăng ký thi theo bạn để nếu thi đậu thì học cùng cho vui”.

Theo nhiều khảo sát của trung tâm, hiện tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60% tổng số sinh viên, học viên trong các trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề. Chỉ có 5% sinh viên, học viên có hiểu biết, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề mà bản thân mình chọn học.

Tại Tp.HCM có khoảng 80% sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm. 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc. Trong tổng số tìm được việc làm chỉ có  50% là có việc làm phù hợp với năng lực và phát triển. Đây có thể xem là một hệ quả tất yếu của việc chọn ngành nghề để học không phù hợp với năng lực bản thân cũng như bắt kịp xu hướng lao động của thị trường.

Thi ĐH –CĐ:  Chọn ngành sao cho đúng - 1

Thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 (Ảnh: Hồng Phú)

Theo kết quả dự báo nguồn nhân lực có trình độ tại TP.HCM trong giai đoạn 2014 – 2015, xu hướng đến 2020 -2025, mỗi năm, TP.HCM có thêm khoảng 270.000 chỗ làm mới. Trong đó, lao động có trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 31%, tương đương với 89.000 lao động.

Cụ thể: Nhóm 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP như: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất… cần khoảng 45.900 lao động mỗi năm.

Nhóm 9 ngành dịch vụ như: tài chính – ngân hàng, giáo dục, du lịch, bưu chính viễn thông … có thêm 97.200 việc làm mới mỗi năm.

Các ngành nghề khác như: Marketing, dịch vụ - phục vụ, quản lý hành chính, khoa học xã hội & nhân văn cần thêm 126.900 lao động mỗi năm.

Về nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo phân theo nhóm ngành, đứng đầu vẫn là các ngành về kỹ thuật công nghệ với 70.875 chỗ làm mới/ năm. Tiếp theo là nhóm ngành về kinh tế - tài chính – ngân hàng – pháp luật – hành chính với 66.825 chỗ làm mới/ năm. Đứng thứ 3 với 16.200 chỗ làm mới/ năm là nhóm ngành về khoa học xã hội – nhân văn – du lịch.

Cần lựa chọn đúng

Ông Tuấn cho rằng, trên thực tế, lựa chọn nghề nghiệp là một quá trình mà học sinh THPT cần sớm chuẩn bị. Chọn nghề để học là một quá trình gồm nhiều bước, liên quan đến khả năng học tập, sở trường, sở thích của bản thân…

Để tránh sự định hướng sai trong việc chọn nghề, theo các chuyên gia hướng nghiệp, học sinh phải xác định được sở thích và thế mạnh của mình, hãy tự đặt và trả lời hai câu hỏi sau:

+ Trong cuộc sống, những công việc nào mà bạn thích làm nhất?

+ Và bạn thường làm những công việc nào tốt hơn người khác?

Hãy liệt kê càng nhiều việc càng tốt, dù đó có thể là những công việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Sau khi chọn ra đáp án chung cho cả hai câu hỏi trên, học sinh đã xác định được mình thích và làm tốt được việc gì.

Để không phải lúng túng và có sự đầu tư tốt cho nghề nghiệp trong tương lai, học sinh cũng cần tìm hiểu để có những hiểu biết nhất định về thị trường lao động, về nhu cầu, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo, tuyển dụng....

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ thêm: “Nếu các bạn vẫn còn cảm thấy mơ hồ về ngành học mình lựa chọn, thì nên tìm đến các chuyên gia tư vấn, tổ chức hỗ trợ học sinh sinh viên, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm... để có thêm thông tin. Tuy nhiên, những tư vấn từ các nguồn trên chỉ là kênh tham khảo, chính học sinh phải xác định sở thích, năng lực, sở trường và tâm huyết của bản thân mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiện An ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN