Thầy giáo mở lớp dạy bơi miễn phí trên sông

Ngày ngày, thầy giáo Lê Văn Tùng vẫn đều đặn lên lớp, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của một giáo viên thể chất kiêm Tổng phụ trách đội. Trở về đời thường, thầy lại lặng lẽ cóp nhặt từng đồng tiền có thể, để mua thêm những chiếc phao, sắm sanh thêm bộ đồ, cọc tiêu để chuẩn bị cho những lớp dạy bơi miễn phí tiếp theo...

“Sống lại” sau một lần đuối nước từ lúc còn là học sinh, Lê Văn Tùng đã ấp ủ giấc mơ luyện bơi thật giỏi để không chỉ tự cứu mình mà còn để giúp nhiều bạn bè đồng trang lứa thoát khỏi lưỡi hái thủy thần. Giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực sau rất nhiều nỗ lực, ngay khi vừa tốt nghiệp Khoa Giáo dục thể chất Trường Đại học Vinh và về nhận công tác tại quê nhà ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), thầy giáo trẻ này đã mở lớp tập bơi miễn phí. Đến nay, sau hơn 6 năm hoạt động, lớp học bơi trên sông này đã thu hút gần 4.000 trẻ tham gia.

Ở Hà Tĩnh, nhiều năm trở lại đây trẻ em vùng sông nước ở Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà tỷ lệ học sinh các cấp đuối nước đã giảm hẳn, nhiều cái chết tập thể thương tâm đã không còn xảy ra. Có được điều đó là nhờ lớp học bơi miễn phí của thầy giáo Lê Văn Tùng (35 tuổi), giáo viên Trường THCS Cẩm Trung (Cẩm Xuyên). Một lớp học đặc biệt, thầy thiện nguyện, trò tự nguyện, tất cả đều miễn phí, không bạc tiền, không mặc cả mà chỉ có tình người với nhau. Cũng chính điều đó mà hơn 6 năm qua, đây đã là điểm đến lý tưởng cho hàng ngàn trẻ em muốn được trang bị thêm kỹ năng bơi lội để chống chọi lại với thủy thần khi chẳng may sa chân nơi bến vắng, hồ rộng, sông dài.

Từ những lớp học tự phát ban đầu được tổ chức trên dòng sông Rác, địa phận giáp ranh giữa hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, đến nay, với sực giúp đỡ của các cấp chính quyền, đặc biệt là ngành Giáo dục, thầy Lê Văn Tùng đã tự mở được một lớp học khá đầy đủ các phương tiện phục vụ cho việc dạy học bơi, tại chân cầu Trung Lĩnh, nối hai xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Trung (Cẩm Xuyên).

Thầy giáo mở lớp dạy bơi miễn phí trên sông - 1

Thầy giáo Lê Văn Tùng

Thoát chết trên sông, dạy bơi miễn phí

Tôi tìm đến Trường THCS xã Cẩm Trung, nơi thầy Tùng đang công tác, giảng dạy bộ môn thể dục kiêm Tổng phụ trách đội. Tiếc là dịp này, đang vào mùa lạnh nên lớp học bơi của thầy cũng thưa thớt. Thầy bảo, đông nhất là vào kỳ nghỉ hè, năm nào cũng vậy, có hàng trăm em được phụ huynh đưa đến nhờ chỉ bảo. Tính thầy xưa nay vẫn vậy, ai đến là thấy quý, giúp được thêm một em học sinh biết bơi là thêm một lần yên tâm, nên bất cứ lúc nào, mùa nào, dù nhiều hay ít thầy Tùng luôn sẵn sàng chỉ giáo. Kể cả những khi trời rét như thế này, nhưng có em ngỏ ý muốn được học bơi, Tùng sẵn sàng trút bỏ quần áo, lao ngay xuống hồ để hướng dẫn kỹ năng bơi lội. Đam mê, như thể đã ăn sâu vào máu thịt nên không dứt ra được. Mà cái cách thầy giáo Lê Văn Tùng dạy cũng rất khác biệt, chưa bao giờ Tùng lấy của các em học sinh một xu lẻ nào, dù không ít phụ huynh luôn sẵn lòng bỏ ra số tiền lớn để bồi dưỡng.

“Cơ sở vật chất đã có nhiều tổ chức xã hội lo, việc ăn ở thì các cháu tự túc, từ mấy năm nay rồi tôi đã chẳng nhận tiền, nên từ giờ về sau cũng chẳng lấy tiền của học sinh làm gì. Học trò miền biển ở Hà Tĩnh, các em nghèo lắm”, thầy Tùng thanh minh về chuyện không nhận thù lao dạy bơi của mình.

Nói về nguyên do mở lớp dạy bơi miễn phí của mình, thầy giáo Lê Văn Tùng xa xăm hướng đôi mắt về phía sông Rác, dòng sông ngăn cách địa phận hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh rồi bảo: “Chính hồi nhỏ, tôi cũng không biết bơi và suýt bỏ mạng tại đó”. Thầy kể rằng, lúc ấy, khoảng 9 hay 10 tuổi gì đấy, một lần cưỡi bò để sang sông, lúc ra giữa dòng thì chẳng may thầy bị rơi khỏi lưng bò. Không biết bơi, thầy cứ thế vùng vẫy giữa nước. Lúc ấy, cách đấy không xa có một người phụ nữ ra thăm đồng, nhưng bà này cũng không biết bơi. Thấy cảnh thương tâm này, bà ta đã la hét vang động cả một khúc sông. Chẳng biết con bò quý chủ hiểu được tình huống cấp bách này, hay hoảng sợ vì tiếng kêu cứu quá to mà đã bơi ngược trở lại. Chính bởi vậy Tùng mới nắm được đuôi để vào bờ và thoát chết trong gang tấc.

Đoạn, thầy Tùng cho biết thêm, chính người đàn bà đã cứu mạng mình đó, trước đó khoảng một năm cũng đã mất một cậu con trai trên chính khúc sông này. Mà đâu chỉ có mỗi người này, những là bà Lam, o Hậu, chị Chuyên, anh Phúc… mỗi gia đình đã phải đau lòng chứng kiến thủy thần cướp đi mạng sống của con cái họ. Mỗi khúc sông, mỗi điểm đen là một bát hương nghi ngút khói, nào là cầu Ngầm, bến cố Minh Ngôn, bến Nương Hoang, Châu Hàn… Câu chuyện về trẻ đuối nước hằng năm đã ăn sâu vào tiềm thức thầy, và để trả nợ với quê hương, những năm tuổi thơ, Tùng đã tập bơi thật giỏi. Sau này, khi tốt nghiệp đại học, ngày ngày Tùng vẫn cần mẫn rèn luyện kỹ năng bơi lội.

Đến đầu năm 2005, thầy đã có thể tự tin mở lớp dạy bơi cho các em học sinh. “Xuất phát điểm cũng lắm gian nan, cái gì cũng phải tự mình chuẩn bị, từ việc chọn địa điểm để mở lớp, làm sao vừa sạch sẽ, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em luôn là vấn đề nan giải. Đến lúc đã có thể mở lớp, kêu gọi các em thì không ít người, trong đó có cả đồng nghiệp và phụ huynh, chê mình hâm, dở chứng, làm giáo viên thể dục cũng bày đặt dạy thêm… khiến mình cũng rất buồn. Nhưng rồi, qua thời gian, hiệu quả của lớp học đã khiến cho mọi người hiểu ra, ủng hộ nhiệt tình, đã tạo động lực cho mình phấn đấu”, thầy Lê Văn Tùng tâm sự.

Nặng lòng với học sinh vùng lũ

Lớp dạy bơi của thầy giáo Lê Văn Tùng nằm cách cầu Trung Lĩnh khoảng 300m về phía đông bắc, không chỉ dễ nhận biết bởi lúc nào cũng hoạt náo mà còn nổi bật giữa khúc sông dài bởi những dãy cờ đỏ phấp phới nối đuôi nhau thành một vòng viền giữa lòng sông cạn, dài 150m và rộng 60m. Để điều khiển học sinh, sau những màn hướng dẫn kỹ năng cơ bản, thầy Tùng sử dụng còi làm hiệu lệnh. Học sinh của thầy, ít nhất là 7 tuổi còn nhiều nhất là 18 tuổi.

Thầy giáo mở lớp dạy bơi miễn phí trên sông - 2

Thầy Tùng đang hướng dẫn các em nhỏ học bơi

Hằng năm, số lượng các em đến học bơi ngày càng đông, nếu như dịp hè năm trước, có 200 em đến đăng ký dịp khai giảng lớp đầu hè thì năm 2012, lớp đầu tiên mở ngày 5/6, có gần 500 em tham dự. Nếu tính cả trong dịp hè thì gần 1.000 em, trong đó bao gồm cả học sinh các trường và cả những đứa trẻ không được đến lớp vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng đến xin được chỉ giáo. Với thầy Tùng, chưa bao giờ thầy quan trọng chuyện học trò của mình là giàu hay nghèo, thân hay sơ, mà với thầy, ai đến thầy đều rất quý, giúp được các em có thêm kỹ năng bơi lội cũng giống như đã cho các em thêm một phần bảo hiểm của cuộc đời mình.

Hơn 6 năm miệt mài với công việc chẳng giống ai này, gần 4.000 trẻ em trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đã được thầy Lê Văn Tùng trang bị cho kỹ năng bơi lội. Các em đến với lớp học bơi thiện nguyện này không những được học bơi mà còn được thầy Tùng dạy cho phương pháp cứu đuối và lánh nạn cơ bản khi gặp các tình huống dưới nước, ở các đoạn sông chảy xiết, cuộn xoáy. Cũng không chỉ là dạy bơi đơn thuần, hằng năm cứ dịp đầu hè người thầy hết lòng vì học sinh vùng lũ này lại gửi thông báo về phòng chống đuối nước đến cho trẻ em tất cả các xã vùng sông nước trên địa bàn.

Với sự cống hiến miệt mài không mệt mỏi và không mong được hàm ơn ấy, công sức của thầy giáo Lê Văn Tùng đã được đền đáp xứng đáng: ngoài những tấm bằng khen của Trung ương Đoàn, tháng 8/2012 thầy còn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ Giao thông vận tải tặng kỷ niệm chương và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tuyên dương vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào đảm bảo an toàn giao thông. Thế nhưng, điều mà thầy thấy hạnh phúc hơn cả là ngoài việc được đồng nghiệp nể trọng, bà con dân dân tin tưởng thì trong nhiều năm trở lại nay, trên địa bàn các xã Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh nói riêng và vùng sông nước Hà Tĩnh nói chung, tình trạng trẻ chết đuối đã giảm hẳn, có nhiều vùng chấm dứt hoàn toàn. Đó mới là phần thưởng cao quý mà thầy hướng tới ngay từ khi quyết định mở lớp dạy bơi miễn phí này.

Trong quá trình tìm về xã Cẩm Trung, nơi thầy Lê Văn Tùng mở lớp dạy bơi miễn phí bao năm nay, chúng tôi đã gặp những người dân quê mộc mạc, và cả các em học sinh đã được thầy truyền cho khả năng bơi lội, mỗi người có một cách bộc lộ trạng thái xúc cảm khác nhau, song chung quy lại tất thảy đều bày tỏ sự tin yêu, kính trọng và nể phục việc làm thầm lặng nhưng cao quý của người thầy mẫn cán này.

Bà Phạm Thị Đào, một người dân xã này tấm tắc: “Thầy Tùng đã làm được cái việc mà bao nhiêu năm nay chưa ai làm được. Có thầy mà những người làm cha làm mẹ như chúng tôi yên tâm hơn mỗi khi con cái mình phải qua sông trên những khúc sông sâu, đò đầy”.

Còn với em Lê Thị Khánh Chi, học sinh lớp 8B Trường THCS Cẩm Lĩnh thì cho hay, em đã một lần sa chân xuống ao khi mới 5 tuổi, suýt chết. Từ đấy em chẳng dám bước chân xuống bất cứ nơi nào có nước, nhưng sau khóa huấn luyện của thầy Tùng, giờ em có thế vững tâm ra suối mò cua, bắt ốc mà không sợ thủy thần níu chân em lần nữa. Thầy giáo Lê Văn Tùng còn chia sẻ thêm, vừa qua thầy đang khảo sát một số điểm tại thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Trung (Kỳ Anh), là những nơi có nguy cơ cao về trẻ em đuối nước để nhân rộng mô hình.

Ngày ngày, thầy giáo Lê Văn Tùng vẫn đều đặn lên lớp, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của một giáo viên thể chất kiêm Tổng phụ trách đội. Trở về đời thường, thầy lại lặng lẽ cóp nhặt từng đồng tiền có thể, để mua thêm những chiếc phao, sắm sanh thêm bộ đồ, cọc tiêu để chuẩn bị cho những lớp dạy bơi miễn phí tiếp theo. Tôi hỏi, sao thầy không thu học phí, mỗi em dăm ba ngàn thôi cũng được để đầu tư trở lại cho đồ dùng học tập.

Thầy Tùng cười xòa: “Trẻ em vùng sông nước nghèo lắm, đến trường còn mặc những bộ quần áo vá, cơm nhà ăn chưa đủ no, mình nỡ lòng nào lấy tiền của các em”. Chính con người ấy, tấm lòng ấy và cả cách nghĩ ấy mà bao nhiêu năm qua, hình tượng về một người thầy giáo cao quý hơn mọi điều cao quý đã được dựng xây nên trong mắt học trò, bà con nhân dân vùng sông nước Hà Tĩnh và cả với đồng nghiệp của thầy – Một người thầy nặng lòng với học sinh vùng lũ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Sen (Cảnh sát toàn cầu)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN