Thay đổi lớn trong xét tuyển vào ĐH-CĐ năm 2016

Theo dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, mỗi thí sinh sẽ được cấp một giấy chứng nhận kết quả duy nhất để nộp vào các trường khi làm thủ tục nhập học.

Năm 2016 là năm thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong tuyển sinh. PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT, cho biết quy chế năm nay sẽ phát huy những điểm tích cực của mùa thi năm 2015 và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đặc biệt là khâu xét tuyển.

Xét tuyển theo nhóm trường

Ông Mai Văn Trinh cho biết trong giấy chứng nhận kết quả đó thí sinh (TS) sẽ được cấp một mã số, TS sử dụng mã số này để đăng ký xét tuyển.

Năm 2015, ở đợt 1 mỗi TS được đăng ký vào một trường và tối đa là bốn nguyện vọng (NV). Với cách làm đó, nhiều ý kiến băn khoăn rằng TS có thể đỗ ĐH nhưng không vào được những ngành mong muốn. Cho nên ở đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi TS được đăng ký tối đa vào hai trường, mỗi trường hai NV và không được thay đổi NV đã đăng ký.

“So với năm ngoái, TS vẫn có bốn NV. Như vậy, các em sẽ không có gì thiệt thòi hơn những năm trước mà lại có thêm cơ hội vào hai trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc TS có nhiều cơ hội hơn để chọn lựa được ngành đã định hướng trong tương lai” - ông Trinh lý giải.

Theo ông Trinh, năm nay có điểm mới là TS được lựa chọn xét tuyển theo nhóm trường. Các trường ĐH-CĐ có thể liên kết với nhau để tạo thành nhóm khi thực hiện công tác tuyển sinh. Đây cũng là thực hiện theo chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Việc hình thành các nhóm là hoàn toàn tự nguyện.

Ngoài ra, nhóm trường có thể đưa ra những phương thức, giải pháp cụ thể khi thực hiện xét tuyển để đảm bảo sự vận hành một cách linh hoạt cũng như khắc phục tình trạng TS ảo.

Thay đổi lớn trong xét tuyển vào ĐH-CĐ năm 2016 - 1

Các thí sinh đang làm thủ tục trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: HUY HÀ

Không khó khắc phục thí sinh ảo

Nhiều ý kiến lo ngại TS có thể nộp đăng ký xét tuyển vào nhiều hơn hai trường, dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong xét tuyển. Ông Trinh khẳng định Bộ đã lường trước và đã có giải pháp kỹ thuật.

“Khác với năm ngoái, năm nay các em không phải nộp hồ sơ mà nộp phiếu đăng ký xét tuyển có mã số đó. Thông qua mã số này, phần mềm hệ thống của chúng tôi sẽ kiểm soát được TS đăng ký hết số NV tối đa của mình hay chưa. Việc các bạn lo lắng là TS có thể đăng ký vượt chỉ tiêu theo quy chế thì điều đó không xảy ra” - ông Trinh nói.

Đối với đợt xét tuyển bổ sung, ông Trinh cho biết số lượng hồ sơ ảo sẽ có. Tuy nhiên, số lượng TS xét tuyển không nhiều và đặc biệt chỉ tập trung ở một số trường có sức hút TS không cao bằng các trường tốp trên. Do đó, TS được đăng ký tối đa ba trường, vừa mang tính kế thừa, vừa đảm bảo quyền lợi của các em chọn lựa trường nhiều hơn.

Liên quan đến giải pháp khắc phục tình trạng nghẽn mạng, sập mạng khi đăng ký trực tuyến cùng lúc, ông Trinh cho biết việc đăng ký xét tuyển trực tuyến các trường đã vận hành trong những năm gần đây, càng về sau thì số trường đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến tăng lên.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin không đồng đều giữa các vùng miền, giữa các trường ĐH-CĐ. Do đó, trong quy chế dự thảo năm nay vẫn có hai cách, một là trực tuyến, hai là qua đường bưu điện. Để đảm bảo đăng ký trực tuyến, các trường cũng phải đảm bảo nguồn lực của mình để đáp ứng.

“Bộ GD&ĐT cũng sẽ hỗ trợ các trường, thứ nhất là phần mềm đăng ký xét tuyển trực tuyến, nếu cần tư vấn kỹ thuật thì Bộ sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng về nguồn lực công nghệ thông tin, các trường phải tự tính toán chứ Bộ không có nguồn lực để hỗ trợ các trường trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin” - ông Trinh giải đáp.

Đề thi tăng cường tính phân hóa

Về mặt căn bản, đề thi năm 2016 được giữ ổn định như năm 2015, có nội dung trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Đề thi gồm 40% câu hỏi căn bản để phục vụ cho mục đích xét tốt nghiệp và 60% câu hỏi ở mức độ khó dần để phục vụ cho mục tiêu xét tuyển ĐH-CĐ. Trên cơ sở rút kinh nghiệm đề thi của năm 2015, năm nay đề thi vẫn tiếp tục giữ ổn định, vẫn tiếp tục được ra theo hướng tăng cường mức độ vận dụng, giảm dần những yêu cầu về ghi nhớ máy móc và học thuộc. Nhưng năm nay Bộ sẽ lưu tâm thêm những câu hỏi ở mức độ phân hóa để giúp cho việc lựa chọn vào các trường ĐH-CĐ thuận lợi hơn năm 2015. TS có thể yên tâm, tham khảo đề thi minh họa và đề thi của năm 2015 để trên cơ sở đó có định hướng ôn tập.

PGS-Tiến sĩ MAI VĂN TRINH

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Hà (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN