Thầy cô lập tủ sách phục vụ trò nghèo

Không phải mua sách giáo khoa cho năm học mới, có thể mượn sách tham khảo về nhà ngay cả trong dịp hè... đó là những niềm vui nho nhỏ mà nhiều học sinh nghèo ở vùng nông thôn đã có được qua các mô hình tủ sách xã hội đầy ý nghĩa.

Tủ sách “thầy cô”

Cậu bé người dân tộc Dao Lê Văn Hưng (xóm Sinh Tàn, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) - học sinh lớp 9B Trường THCS Thượng Cửu năm học này sẽ khó có cơ hội đi học nếu phải mua sắm sách vở, đồ dùng học tập... quá nhiều. Hưng cho biết: Nhà em cách trường hơn 10km, để đến được lớp học, em đi bộ khoảng 3 giờ. Ngày nắng thì gia đình cho đi học, chứ mưa thì em phải nghỉ ở nhà vì đường sá đi lại khó khăn. Năm học này, bố mẹ bảo đi học tốn nhiều tiền nên bắt em nghỉ ở nhà để làm. “Nhờ thầy cô vào thuyết phục và thông báo cho em được mượn sách giáo khoa, vở và cặp sách đến trường, hỗ trợ em ăn ở nội trú nên em mới được đi học lại. Học ở đây em được nhà trường tạo điều kiện cho ở nội trú, mỗi tuần đóng 3kg gạo và 50.000 đồng tiền mua thức ăn, thông thường em về nhà 1 tuần/lần” - Hưng cho biết.

Thầy cô lập tủ sách phục vụ trò nghèo - 1

Các em học sinh ở Thượng Cửu tìm sách trong tủ sách do thầy cô xây dựng

Em Hà Thị Tuyến (xóm Mu, xã Thượng Cửu) vừa khoe bộ sách được mượn, vừa kể: “Nhà em nghèo, để có sách học những năm trước, em phải tìm mua sách cũ giá 45.000 đồng/bộ. Năm nay được mượn sách đi học nên em rất vui, không còn lo kiếm tiền mua sách đầu năm nữa”.

Thầy Nguyễn Văn Tuyến - Hiệu trưởng Trường THCS Thượng Cửu cho biết: “Đối với học sinh nghèo vùng cao, số tiền gần 100.000 đồng/bộ sách cũng có thể trở thành rào cản khiến các em không thể đến trường. Xuất phát từ điều đó, tôi đã trăn trở, suy nghĩ và bàn bạc với các thầy cô giáo trong trường tiến hành xây dựng tủ sách miễn phí. Chỉ sau thời gian ngắn kêu gọi, chúng tôi nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ phía ngành giáo dục, phụ huynh và chính các em học sinh. Lượng sách thu thập được chủ yếu là sách giáo khoa và bài tập của học sinh vùng đồng bằng gửi tặng, cùng các đoàn từ thiện”.

Cũng theo thầy Tuyến, sau hơn 2 năm, số sách giáo khoa toàn trường đã có 4.770 cuốn, gồm 256 bộ từ lớp 6 đến lớp 9. Năm học 2013 – 2014, nhà trường đã tổ chức cho mượn 140 – 150 bộ sách giáo khoa trên tổng số 160 học sinh toàn trường. Nếu tính trung bình 100.000 đồng/bộ sách thì tủ sách này đã giúp cho các gia đình có con em đi học tại trường tiết kiệm khoảng 14-15 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trường cũng phối hợp với các tổ chức từ thiện trao quà, tặng học bổng, sách, vở ghi chép và dụng cụ học tập cho các em học sinh. Nhờ đó mà tỷ lệ chuyên cần tăng cao, kết quả học tập cũng cải tiến rõ rệt. …

Và những tủ sách “phụ huynh”

Ở nhiều vùng quê nghèo thuộc huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), những tủ sách thân thiện mang tên “Tủ sách phụ huynh” đã không còn xa lạ. Xuất phát từ nhu cầu đọc sách tham khảo, ngoài giờ học của học sinh trong khi thư viện các trường đều quá tải số người mượn, Trường THCS An Dục đã có sáng kiến xây dựng tủ sách cho từng lớp học mà người đóng góp cho tủ sách các lớp chính là các phụ huynh.

Đánh giá về hiệu quả của những tủ sách đặc biệt này, ông Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Ngoài việc phát triển các tủ sách trong trường học, hiện nay nhiều địa phương đã xây dựng được các tủ sách lưu động, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình… Đây chính là những nhân tố phát triển giáo dục toàn diện ở các miền quê nghèo, cũng là động lực cho việc học tập suốt đời được coi trọng và nhân rộng hơn”.

Ngoài nguồn sách cũ phụ huynh huy động được, phụ huynh các lớp sẽ tự góp tiền, lên các đầu sách cần mua để phục vụ con em mình, tham khảo ý kiến của giáo viên để xây dựng tủ sách. Mỗi “Tủ sách phụ huynh” như thế có thể huy động từ 50 – 100 đầu sách các loại: Sách tham khảo, lịch sử, văn học, truyện tranh, báo thiếu nhi… và chính học sinh trong lớp sẽ lần lượt làm “thủ thư” để quản lý tủ sách này. Một điều đặc biệt nữa là học sinh của các lớp có thể chia sách mang về đọc mỗi dịp hè để bổ sung thêm kiến thức. Cô giáo Nguyễn Hải Vân cho biết: “Nhờ có Tủ sách phụ huynh mà tất cả học sinh trong trường đều có cơ hội tiếp cận được với sách tham khảo. Mỗi năm, các tủ sách lại dày thêm do học sinh khoá trên ra trường tặng lại cho học sinh khoá dưới”.

Được biết hiện nay, hầu như tất cả các lớp học trên địa bàn huyện này đều đã có tủ sách, hàng năm giúp gần 30.000 học sinh có sách đọc bất kỳ lúc nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Xuân - Nguyễn Dũng - Tùng Anh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN