Tăng tiết vì quá tải?
Sở GD&ĐT chưa cho tăng tiết đại trà. Nhà trường lách bằng cách chia lớp theo phân loại học sinh để khi có thanh tra thì báo cáo là phụ đạo, bồi dưỡng.
Bộ GD&ĐT nghiêm cấm dạy thêm, học thêm trái quy định dưới hình thức tăng tiết có thu tiền. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các trường THPT tại TP.HCM đều thực hiện tăng tiết ngay từ đầu năm học với các môn Văn, Toán, ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh. Nhiều trường nói thẳng: Tăng tiết ngay từ đầu năm học để giáo viên có thời gian hướng dẫn học sinh làm bài tập. Mỗi môn học chính như Văn, Toán, ngoại ngữ… tăng 1-3 tiết ngay từ đầu năm học. Và các trường bắt đầu tăng tiết mạnh khi Bộ công bố môn thi tốt nghiệp THPT.
Không giải quyết hết bài tập!
Lý do các trường giải thích cho việc tổ chức tăng tiết là chương trình học hiện nay quá nặng, thời gian bố trí tiết giảng chưa phù hợp, giáo viên dạy lý thuyết đã hết giờ còn thời gian đâu làm thực hành, thí nghiệm, giải bài tập… Các giờ tăng tiết trên lớp chủ yếu là giải các dạng bài tập đã học lý thuyết trên lớp. Chương trình phân phối của Bộ cũng ít tiết bài tập nên nhà trường phải tăng tiết phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Hiệu trưởng một trường THPT cho hay: Nhu cầu của phụ huynh muốn cho con học thêm rất nhiều, bản thân học sinh cũng cần thấy việc học tăng tiết là có lợi cho mình khi trên lớp giáo viên không đủ thời gian hướng dẫn giải bài tập các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Các trường tổ chức tăng tiết sẽ chia lớp phân loại học sinh yếu, trung bình, khá, giỏi để khi có thanh tra thì trường sẽ báo cáo là… phụ đạo, bồi dưỡng!
Một giờ học tăng tiết môn Lý của học sinh Trường THPT Marie Curie
Thầy Nguyễn Hào Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho hay: Qua thăm dò, phụ huynh cũng thống nhất cho con học tăng tiết dưới dạng giải bài tập nhiều ngay sau khi học bài học trên lớp. Chưa kể một số trường học sinh đông, phòng học ít nên việc tăng tiết ở buổi thứ hai để giáo viên có điều kiện hướng dẫn học trò của mình làm tốt bài tập hơn.
Không chỉ trường THPT có tăng tiết, ngay cả các trường THCS, đặc biệt là học sinh cuối cấp (lớp 9), nhà trường cũng thực hiện tăng tiết, có thu phí, cho học sinh để chuẩn bị kiến thức thi vào lớp 10.
Tăng tiết = Tăng chất lượng?
Việc tăng tiết được các trường thực hiện chủ yếu ở buổi học thứ hai mặc dù tiêu chí của buổi học thứ hai chủ yếu dành cho hoạt động vui chơi, ngoại khóa.
3 lần là số tiền thu “ngoài luồng” như tăng tiết, phụ đạo, dạy thêm, học thêm tại trung tâm văn hóa ngoài giờ của các trường… so với học phí. (Năm 2009: 317/751 tỉ đồng; năm 2010: 343/862 tỉ đồng; năm 2011: 367/923 tỉ đồng). |
Khảo sát một nhóm học sinh tại Trường THPT Marie Curie, quận 3, hầu hết đều cho biết ngoài việc học thêm tại trung tâm văn hóa ngoài giờ, các em đều học tăng tiết các môn Toán, Văn, Anh văn, Hóa, Lý tại trường vào buổi chiều (buổi học thứ hai). Em Tuấn Anh, học sinh lớp 12, cho biết: Năm nay là năm thi nên nhà trường có tổ chức tăng tiết các môn như Văn, Toán, Anh văn, mỗi tuần tăng ba ngày, mỗi môn học tăng 2-3 tiết (tùy môn), học phí khoảng 100.000 đồng/tháng/môn.
Thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, nhìn nhận khi thực hiện tăng tiết, chất lượng học tập có tăng lên rõ rệt. “Tôi thấy việc học tăng tiết mang lại hiệu quả nhất định, chất lượng học sinh được nâng lên” - thầy Việt chia sẻ.
Phụ huynh cũng đồng thuận. “Đi họp phụ huynh có hỏi vụ học tăng tiết thì giáo viên chủ nhiệm giải thích là chương trình quá dài, giáo viên bộ môn không có thời gian giải bài tập trong giờ học chính khóa nên nhà trường tổ chức tăng tiết, mỗi môn học chính tăng 1-2 tiết/tuần. Vậy cũng chấp nhận được” - anh Bùi Anh Khánh, phụ huynh học sinh ở Tân Phú, nói.
Chưa cho tăng tiết đại trà Ông NGUYỄN HOÀI CHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |