Sức khỏe tâm thần học sinh: Mối lo thời đại dịch

Sự kiện: Giáo dục

Trong đại dịch COVID-19, nhiều trẻ em bị tổn thương sức khỏe tâm thần; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi 15-18 có triệu chứng lo âu, trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác.

Các chuyên gia nói rằng, tham gia các hoạt động giao lưu là một cách giảm căng thẳng cho học sinh. Ảnh: Quỳnh Anh

Các chuyên gia nói rằng, tham gia các hoạt động giao lưu là một cách giảm căng thẳng cho học sinh. Ảnh: Quỳnh Anh

Bộ GD&ĐT phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức tập huấn trực tuyến trong 2 ngày 21-22/10 tại 400 điểm cầu cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19. Hơn 1.000 cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở GD&ĐT, giáo viên các trường tham gia. Giáo viên được chuyên gia tập huấn chuyên đề giúp hỗ trợ tâm lý học sinh, gồm nhận diện những vấn đề tâm lý trong đại dịch, hướng dẫn kỹ năng tư vấn sau khi học sinh quay lại trường học...

Học sinh bị stress

Sau nhiều tháng con học trực tuyến lớp 8, bao gồm học chính và học thêm tiếng Anh, chị Đặng Thị Hương Giang (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết cả mẹ và con rơi vào trạng thái trầm cảm vì con nghiện game. Từ những đợt học trực tuyến trước, chị mua máy tính cho con thuận lợi học tập, nhưng khi con ở phòng riêng đã lén chơi game lúc nào không hay. Mới đây chị mới ngã ngửa khi phát hiện con thức đêm cày game, thậm chí chơi game cả trong giờ học trực tuyến. Khi bị mẹ phạt, con khai đã sa đà vào game nhiều tháng nay, nhất là thời gian mẹ về quê chăm ông bị ốm không có ai quản lý. “Tôi mắng có, đánh có, phạt lau dọn nhà cửa, thậm chí khóc lóc xin con hãy bỏ game, thế nhưng chỉ cần giao máy tính, con lại chứng nào tật nấy. Giờ đây tôi bất lực, còn con luôn nhốt mình trong phòng, có biểu hiện như tự kỷ, không muốn tiếp xúc với ai”, chị Giang nói.

PGS.TS Trần Thành Nam,Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, dẫn báo cáo chưa đầy đủ từ Bộ LĐ-TB-XH, đến ngày 10/9 có hơn 40.000 trẻ là F0, F1; hàng nghìn trẻ rơi vào cảnh mồ côi cha, mẹ sau đại dịch. Tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch là phổ biến, gây ra những hậu quả cụ thể về mặt cảm xúc, trong đó độ tuổi từ 15-18 có triệu chứng lo âu, trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác. Thời điểm lo lắng nhất của trẻ là khoảng sau 6 tuần giãn cách, một số trẻ có hành vi tự hại bản thân. Ở nhà quá nhiều vì dịch, trẻ từ 3-6 tuổi tiếp cận thiết bị điện tử nhiều dễ dẫn đến các hành vi thái quá; trẻ 6-12 tuổi sử dụng thiết bị điện tử nhiều cũng dễ có cảm xúc tiêu cực…

Theo TS Nam, học sinh có nguy cơ bị tổn thương sức khỏe tâm thần sau khi quay lại trường do phải đối diện quãng thời gian dài sợ hãi, cô lập, mắc kẹt trong không gian chật chội, tiếp xúc nhiều thông tin xấu độc trên mạng, bạo lực gia đình. Khi đến trường, có thể trẻ sẽ có xu hướng nghịch ngợm, hung hăng, phá vỡ mọi nội quy. Trẻ căng thẳng thường có dấu hiệu như dễ khóc, dễ thay đổi tâm trạng, hay lo lắng, buồn bã, mệt mỏi, không muốn tham gia các hoạt động trước đó từng yêu thích, hay nói “Hãy để con yên”… Đặc biệt, những trẻ phải đối diện cái chết của bố mẹ, người thân trong đại dịch có thể bị tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, sợ hãi đến mất kiểm soát, thường xuyên gặp ác mộng, khó tập trung, chán nản, thờ ơ với mọi việc…

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, nói rằng, học sinh chịu tác động dịch COVID-19 có thể có biểu hiện suy giảm trí nhớ, khó tiếp thu bài học, căng thẳng, lo âu. Những gia đình nghèo, bố mẹ mất việc, đối mặt nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng khiến học sinh tự ti, sợ hãi. Học trực tuyến trong thời gian dài, thiếu vắng sự tương tác trực tiếp với giáo viên, học sinh cũng dễ chán nản, không có hứng thú học tập. Ông lưu ý phụ huynh, giáo viên để ý những dấu hiệu căng thẳng ở học sinh, như thích ở một mình, buồn bực không lí do, mất hứng thú với đam mê, luôn cảm thấy mình thất bại… “70% học sinh khi bị stress có những trường hợp tiêu cực nghĩ đến cái chết và thực tế đã có những cái chết thương tâm xảy ra. Ở độ tuổi vị thành niên, học sinh chịu nhiều áp lực từ gia đình, ganh đua điểm số với bạn bè và những buổi học dày đặc khiến các em kiệt quệ về tinh thần”, ông nói.

Bắt bệnh từ dấu hiệu nhỏ

Theo ông Nam, trước khi học sinh trở lại trường, cần phải giảm tải học trực tuyến. Khi học sinh đi học, các trường không vội vàng ép các em học cho kịp chương trình; thay vào đó, cần giảm tải, nới lỏng, ưu tiên các hoạt động giao lưu để trẻ dần thích ứng. “Tuần đầu học sinh quay lại trường, giáo viên chú ý mọi xích mích nhỏ cần được giải quyết nếu không để tâm sẽ có nguy cơ xảy ra các vụ việc bắt nạt, bạo lực học đường để giải tỏa bức bí lâu ngày”, ông nói.

PGS Hà nói rằng, những triệu chứng trầm cảm ở học sinh không tự nhiên mất đi và chúng có thể tồi tệ hơn nếu không được chữa trị. Do vậy, khi học sinh tới trường, nếu giáo viên phát hiện dấu hiệu bất thường thì không nên giận dữ, quát mắng hay ép học sinh học tập bằng những lời lẽ gay gắt, mỉa mai. Cần lắng nghe vấn đề học sinh đang gặp phải để chia sẻ, động viên, kéo các em vào những hoạt động tập thể, trao đổi với phụ huynh để cùng hỗ trợ…

Các chuyên gia tâm lí khẳng định, giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách và tiếp thu kiến thức của học sinh, do đó, nếu tạo lập được mối quan hệ tốt giữa thầy và trò thì có tác động rất tích cực. Do đó, giáo viên cần ứng xử đúng mực, tôn trọng học sinh, tạo môi trường vui vẻ, thoải mái, đánh giá các em một cách công bằng.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường bù đắp kiến thức cho học sinh khi trở lại trường

Các trường phải tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN