“Sốc” với cuốn “Danh nhân và thời đại”

Cuốn “Danh nhân và thời đại” gần 300 trang của 2 tác giả Lê Văn Tiễn - Lê Nam, được NXB Đồng Nai ấn hành và phát hành tại nhà sách Thành Nghĩa TPHCM, hệ thống siêu thị Thành Nghĩa - nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Điều đáng nói là cuốn sách có những nhầm lẫn ngây ngô, sai sót nghiêm trọng về lịch sử.

Một cuốn sách nhiều sai phạm

Ngay chương 1, sách nêu, khi tiếp đoàn sứ thần Đại Việt, vua nhà Thanh (Trung Quốc) đã hỏi Lê Quang Định (Chánh sứ) có muốn làm vua? “Vừa nghe vua Thanh nói, Lê Quang Định nhớ ngay đến một bài học thuộc lòng: Đáng khen Trần Bình Trọng / Dòng dõi Lê Đại Hành / Đánh giặc dư tài mạnh / Thờ vua một tiết trinh / Bắc vương sống mà nhục / Nam quỷ thác cũng vinh”.

Đọc đến đây, chúng tôi và chắc hẳn nhiều người đều kinh ngạc, bởi tác giả cuốn sách đã gán cho Lê Quang Định “nhớ” bài thơ của nhà báo, nhà văn nổi tiếng Phan Kế Bính - một người mà tới 73 năm sau mới sinh ra (Lê Quang Định đi sứ năm 1802, còn Phan Kế Bính sinh năm 1875). Rồi lại một sai sót nữa: Tác giả cuốn sách khẳng định: “Năm Ất Hợi - 1815, Gia Long cho ra mắt bộ “Quốc triều hình luật” gồm 22 quyển với 398 điều để thi hành trong cả nước...”. Thực tế thời Gia Long, chỉ có “Hoàng Việt luật lệ” là bộ luật chính thức của VN do Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành soạn thảo. “Hoàng Việt luật lệ” trên cơ sở khảo xét, tham chiếu bộ luật Hồng Đức, nhưng chủ yếu là mượn bộ luật của nhà Thanh.

Cũng trong chương 1, ở phần “Cái đèn treo ngược”, cuốn sách đề cập đến Phan Thanh Giản với những ngôn từ mỉa mai: “Trong chuyến đi này, Pháp đã cho Giản tha hồ tự do ăn chơi vô tội vạ, để về nước dù chẳng ai hỏi chắc chắn Giản cũng xưng, cũng cứ thèm chảy dãi...”.

Nêu lại chuyện “đèn lồng treo ngược” (bóng đèn điện), tác giả đã hư cấu rất lố bịch rằng, khi nhà vua không tin rằng có đèn treo ngược và bắt cụ Phan làm thử chiếc đèn như thế, Phan hoảng hốt chạy khắp nơi, nhưng không tìm được đèn, lo sợ bị vua xử tội.... “Nhưng may thay, chính lúc ấy là lúc Lược sư quân vụ gặp ngay chú bé đi bắt ếch đêm... Tay cậu bé lôi ngay ra một cái đèn pin tự tạo mà chính tay cậu đã làm vẫn thường để đi bắt ếch, bật qua, bật lại, tắt lại, bật qua luôn mấy cái làm cho vị tiến sĩ Lược sư quân vụ thấy thế nhảy bổ lại định giật lấy xem và không quên reo lên: Đúng rồi! Đúng rồi! Nó là cái đèn treo ngược, cái đèn treo ngược, cái đèn giữ mạng sống cho ta. Ta mua, cho ta mua một quan chứ năm quan ta cũng mua, mua ngay”.

Trong “Danh nhân và thời đại”, chuyện cụ Phan Thanh Giản đã bị bóp méo một cách lố bịch. Trong khi đó, từ tháng 1.2008 , Cục Di sản văn hóa có văn bản khẳng định lịch sử đánh giá cao công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức. Cũng năm 2008, tượng đồng Phan Thanh Giản - do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến - đã được tỉnh Vĩnh Long đặt trang trọng tại nơi thờ ông trong Văn Thánh miếu. Hiện nay, nhiều trường học ở ĐBSCL được mang tên cụ Phan Thanh Giản.

“Sốc” với cuốn “Danh nhân và thời đại” - 1

Bìa cuốn sách "Danh nhân và thời đại"

Cần thu hồi ngay

Chưa dừng lại, sang phần thứ hai nói về “Khí phách An Nam, chế độ thực dân và đêm dài nô lệ”, ở chương 1, đề cập đến giai đoạn Pháp sang xâm lược nước ta năm 1858, cuốn sách nêu: “...Nên Regault de Genouilly (viên trung tướng Pháp chỉ huy cuộc chiến) liền tránh chỗ mạnh ở Huế, vì Huế đã có tới hàng vạn quân vừa mới được tăng cường từ Đồng Nai - Gia Định ra, cộng thêm với quân chủ lực của Nguyễn Triều so với 3.000 lính viễn chinh liên quân Pháp và Ý làm sao có thể thắng nổi được, mặc dù súng đạn Pháp và Ý có tối tân...”. Thế nhưng, trong thực tế lịch sử, không có người Ý trong đội quân xâm lược VN, mà chỉ có liên quân Pháp - Tây Ban Nha.

Nghiêm trọng hơn nữa, tại phần thứ tư, chương 1 “Hồ Chí Minh - một người con vĩ đại”, tác giả sách đã ca ngợi: “...Nên chẳng mấy năm sau, nhất là từ sau ngày 7.5.1953 - ngày chiến thắng Điện Biên Phủ anh hùng - thì khắp năm châu bốn biển, cả ở Pháp, ở Mỹ, ở Paris, ở New York đâu đâu cũng tung hô Việt Nam - Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp”. Như vậy, rõ ràng tác giả đã... kéo chiến thắng Điện Biên Phủ từ ngày 7.5.1954 về ngày 7.5.1953.

Đặc biệt, khi viết về gia tộc Bác Hồ, sách nêu: “Năm 1909 - năm Nguyễn Sinh Cung mười chín tuổi - cũng là năm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dâng sớ từ quan”. Trang 239 lại ghi: “Rời chốn quan trường năm 1906, cụ Phó bảng cùng hai con trai đi chu du khắp mọi nơi...”. Đến trang 252 thì lại thay đổi: “Đến năm 1908, cũng lại với lý do vì tuổi tuy chưa già nhưng sức đã yếu, cụ đã cương quyết xin treo ấn từ quan về làm nghề dạy học...”.

Đáng lưu ý, sách còn gán ghép cho rằng Võ Duy Dương là cha đẻ của Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ). Trong khi đó, tại hàng loạt các tư liệu lịch sử chính thống, sách giáo khoa đều khẳng định cụ Nguyễn Sinh Sắc có cha là Nguyễn Sinh Nhậm.

Những sai phạm của tác giả sách đã quá rõ, vấn đề là vì sao nội dung cuốn sách có những sai phạm nghiêm trọng về lịch sử như vậy mà vẫn được Cục Xuất bản xác nhận ngày 15.1.2010 và có quyết định xuất bản số 327B do NXB Đồng Nai cấp ngày 1.6.2010? Đề nghị các cơ quan chức năng cần thu hồi ngay cuốn sách phản cảm “Danh nhân và thời đại” nói trên.

DỰ KIẾN NGÀY 14-15/6/2012 CẬP NHẬT ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT 2012

 SỚM NHẤT CHÍNH XÁC NHẤT TẠI DIEMTHI.24H.COM.VN

NHẬN KẾT QUẢ THI SỚM NHẤT – CHÍNH XÁC TUYỆT ĐỐI

Chỉ cần soạn tin: DIEM MÃTỈNH SỐBÁODANH gửi 8502

Để biết thêm chi tiết Bấm đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN