Sốc với ảnh kỷ yếu dung tục và phản cảm

Sự kiện: Giáo dục

Hầu hết các em đều muốn có một bộ ảnh kỷ yếu đẹp, độc đáo, vui nhộn để lưu giữ kỷ niệm. Nhưng đôi khi nhận thức về cái đẹp chưa tới mà sự “độc, lạ” thiếu định hướng đã khiến nhiều bộ ảnh trở thành phản cảm.

Mới đây nhất, dân mạng lại được dịp xôn xao khi bộ ảnh kỷ yếu rất dung tục, phản cảm của một nhóm học sinh THPT ở Long An được tung ra.

Cởi đồ, làm cái bang, bắn giết nhau…

Bộ ảnh của nhóm học sinh THPT ở Long An khoe cơ thể một cách dung tục, có những tư thế nam sinh nữ sinh đè lên nhau và... cởi đồ. Một cư dân mạng bình luận: “Khi nhìn bộ ảnh này, các em có gì để nhớ về tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng của mình? Tôi là người lớn mà còn thấy mắc cỡ”. Phần lớn người xem phản đối những hình ảnh phản cảm kiểu này.

Trước đó không lâu, cư dân mạng đã xốn mắt với bộ ảnh kỷ yếu của học sinh lớp 12 một trường THPT ở tỉnh Phú Thọ, ghi lại hình ảnh một bạn nam kéo rộng quần lưng thun để các nữ sinh khác nhìn vào trong, thậm chí có bức ảnh chụp cảnh bạn nữ bạo dạn cho hẳn tay vào quần nam sinh này.

Trước đó nữa, một lớp học ở Lạng Sơn lại có bộ ảnh kỷ yếu với nội dung... đi ăn xin. Cả lớp hóa thân thành cái bang với quần áo te tua xộc xệch, gương mặt bẩn thỉu tội nghiệp, đứng ngồi rũ rượi trên đường phố. Trong khi các em rất tự hào vì có bộ ảnh đảm bảo không đụng hàng thì nhiều người cảm thán “cạn lời với ý tưởng này”. Cư dân mạng cho rằng bộ ảnh không mang một thông điệp tích cực nào liên quan đến lứa tuổi học trò.

Nổi không kém là bộ ảnh kỷ yếu mang phong cách bạo lực kiểu xã hội đen của một nhóm học sinh tỉnh Ninh Bình. Bộ ảnh miêu tả một cuộc thanh trừng lẫn nhau giữa các nhóm mafia, trong đó có cả những hình ảnh bắt cóc, hành hình. Các thành viên diễn rất sâu.

Gần đây là bộ ảnh kỷ yếu mang phong cách kinh dị zombie của một nhóm học sinh ở Khánh Hòa. Các bức ảnh đều rất ma quái, đáng sợ. Hình ảnh máu me nhuộm loang lổ các tà áo trắng. Dĩ nhiên là bộ ảnh sau đó nhận được nhiều lượt share và nhận lại không ít gạch đá. Bất chấp sự phản đối, các thành viên của bộ kỷ yếu vẫn bày tỏ sự tự hào, cảm thấy vui vì bộ ảnh “quá độc đáo”.

Điều dễ nhận thấy là những bộ ảnh này được đầu tư khá kỹ về ý tưởng, trang phục, thời gian chụp và cả về tiền bạc.

Sốc với ảnh kỷ yếu dung tục và phản cảm - 1

Ảnh kỷ yếu nhuốm màu xã hội đen của học sinh ở Ninh Bình. Ảnh: INTERNET

Cần có người định hướng cho tuổi “thích làm nổi”

Cô Nguyễn Thị Hằng, chủ nhiệm lớp 12A6 Trường THPT Đoàn Kết, Đồng Nai, cho biết cô vừa mới trải qua một ngày vất vả đi chụp ảnh kỷ yếu cùng các học trò của mình. Bối cảnh chụp là trường lớp, tái hiện những kỷ niệm thân thương của tuổi học trò. Bộ ảnh chỉ tốn tất cả 1,2 triệu đồng, chia ra cho gần 40 học sinh thì chi phí mỗi em chỉ vài chục ngàn đồng. 

Cô bày tỏ suy nghĩ về “hiện tượng kỷ yếu không đụng hàng” mang tính chất thô tục, kinh dị... xuất hiện ngày càng nhiều là do sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội. Tâm lý học sinh ở lứa tuổi này là thích nổi tiếng, thích được chú ý. Cô Hằng nói: “Các em học sinh lứa sau thích bắt chước và làm nổi hơn những anh chị khóa trước nên càng chạy đua để có ảnh độc hơn, lạ hơn. Những lời phản đối của người lớn có khi được các em xem là... thành tích. Điều này làm các em nhận thức sai lệch về những giá trị của cái đẹp, của tình yêu. Người lớn chúng ta có trách nhiệm gần gũi, định hướng các giá trị sống cho các em”.

Cô Nguyễn Hằng cho rằng định hướng giá trị sống là một quá trình dài. Nhưng trước mắt, các thầy cô chủ nhiệm có thể định hướng tinh thần chụp kỷ yếu cho các em cũng như tham gia lên ý tưởng, duyệt ý tưởng của các em trước khi chụp. Bên cạnh đó, ban giám hiệu cũng cần nhắc nhở toàn thể học sinh chụp kỷ yếu cần phù hợp với sự trong sáng của lứa tuổi học trò.

Còn cô Ngô Thị Thu Ngọc, giáo viên (GV) Trường THPT Cần Giuộc, Long An thì cho rằng những bộ ảnh kỷ yếu phản cảm là để các em học sinh rút kinh nghiệm chứ không nên vì đó mà nặng lời với các em. Cô nói: “Phong trào nào cũng có mặt tốt và mặt xấu. GV chủ nhiệm định hướng kịp thời, các em sẽ hiểu được thôi”. Lớp của cô Thu Ngọc từng có ý tưởng chụp ảnh kiểu nam nữ đều giả có bầu, vì trong lớp có một bạn nữ từng mang bầu. Cô Thu Ngọc đã ra tối hậu thư ngay: Không duyệt! Sau đó, lớp đã có bộ ảnh xinh xắn, dễ thương.

Cô Trương Mỹ Nga (cựu GV Trường THPT Xuân Thọ, Đồng Nai, mới chuyển công tác về TP.HCM) chia sẻ cô đã được học trò cũ mời về chụp kỷ yếu. Cô Mỹ Nga nói: “Nhìn ảnh kỷ yếu học sinh đăng lên Facebook: “Trong những năm tháng thanh xuân ấy, mình có nhau”, thật sự là tôi xúc động rơi nước mắt. Nó gợi nhắc về tuổi thanh xuân trong trẻo, đẹp đẽ của mỗi chúng ta. Bộ ảnh đó chụp lại những khoảnh khắc lúc chia tay, lúc chơi đùa, ném bột, ai đó lén bỏ thư tỏ tình vô học bàn, những rung động rất đáng yêu”. Theo cô Mỹ Nga, GV là người định hướng giá trị sống cho các em và sẽ nhận lại từ các em những rung động rất đẹp đẽ, nên thơ.

Nên khuyến khích chụp ảnh kỷ yếu

Các trường THPT nên có những buổi sinh hoạt định hướng cái đẹp cho học sinh trước thời gian các em thực hiện kỷ yếu như là một hình thức khuyến khích sáng tạo nhưng không dị biệt. GV chủ nhiệm nên tích cực tham gia định hướng cho các em. Tôi là GV chủ nhiệm lớp ở bậc ĐH, cũng tham gia nhiều hoạt động của các em, tham gia ý tưởng cùng các em, phải nói là sức sáng tạo của các bạn trẻ là rất mạnh mẽ nếu đi đúng hướng.

ThS ĐỖ THỊ XUÂN HƯƠNG, GV môn kỹ năng sống, ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM

Lưu bút ngày xanh, buồn vui tuổi hồn nhiên tinh nghịch

Khi nắng hạ vàng dệt màu đỏ nao lòng của hoa phượng, ve lại râm ran để báo hiệu sắp hết năm học, để nhắc học trò...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Minh (Pháp luật TP.HCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN