Siết chỉ tiêu và áp điểm sàn riêng đầu vào sư phạm

Sự kiện: Giáo dục

Trước thực trạng nhiều trường sư phạm và trường đa ngành đào tạo giáo viên quy định mức điểm nhận hồ sơ chỉ 15,5. Thậm chí, các trường CĐ chỉ 9 điểm 3 môn khiến xã hội lo lắng về chất lượng giáo viên tương lai. Ngành giáo dục đã xây dựng các phương án khắc phục để lấy lại vị thế một thời.

Siết chỉ tiêu và áp điểm sàn riêng đầu vào sư phạm - 1

Từ năm 2018, sẽ áp dụng điểm sàn riêng cho các trường ĐH, CĐ đào tạo sư phạm. Ảnh minh họa: Q.Anh

Sẽ có điểm sàn sư phạm riêng

Mùa tuyển sinh 2017, nhiều trường đại học lấy điểm chuẩn ngành Sư phạm rất thấp khiến dư luận lo ngại, cụ thể: ĐH Hồng Đức (tỉnh Thanh Hoá) 10/10 ngành Sư phạm lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5. ĐH Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) 8/10 ngành sư phạm điểm trúng tuyển 15,5. ĐH Sư phạm Huế 10/15 ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi... Còn tại các trường CĐ Sư phạm ở địa phương, nhiều trường có mức trúng tuyển là 9 - 10 điểm, thí sinh chỉ cần 3 điểm mỗi môn là trúng tuyển. Dù đã lấy điểm thấp song vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều ngành thưa vắng thí sinh đăng ký xét tuyển.

Lo lắng với giáo viên ra trường sẽ không đạt chuẩn, TS Tưởng Phi Ngọ, Phó Trưởng khoa Lịch sử (ĐH Sư phạm TPHCM) cho biết: “Hiện nay, trừ 3 trường ĐH Sư phạm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHồ Chí Minh, điểm đầu vào mà các trường sư phạm khác đưa ra không thể đào tạo giáo viên đạt chuẩn. Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, chúng ta đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, để thực hiện cần có những giáo viên giỏi. Sinh viên sư phạm có đầu vào 9 điểm, việc tiếp thu kiến thức đã khó, làm sao có thể phát triển năng lực cho người học?".

Đồng quan điểm với điểm đầu vào sư phạm không thể “chạm đáy”, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cũng cho rằng, điểm sư phạm cần ở mức đảm bảo chất lượng đào tạo, không chỉ vì cốt lấy đủ chỉ tiêu mà lấy điểm thấp nhất. PGS Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) đề nghị điểm đầu vào sư phạm cần cao hơn một bậc so với các ngành đào tạo khác. Cụ thể, điểm trúng tuyển phải đạt tối thiểu 21 điểm 3 môn mới ở mức trung bình. Với những trường ít thí sinh đăng ký, lấy điểm trúng tuyển đến 20 là dừng. Trường nào năm nay chưa đủ chỉ tiêu, sang năm tuyển tiếp chứ không được hạ điểm.

Cấp bách phải thay đổi chất lượng đào tạo sư phạm, ngày 16/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo giáo viên trong cả nước. Tại cuộc họp này, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ ra những tồn tại cần khắc phục để tạo sức hút đối với người học. Lãnh đạo Bộ cho rằng, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ kỳ tuyển sinh năm 2018, Bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường ĐH, CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

Áp chỉ tiêu theo chất lượng

Theo đánh giá của lãnh đạo một số trường ĐH sư phạm, mặc dù điểm trúng tuyển các trường sư phạm 2017 tính trung bình cao hơn năm ngoái, song nhìn vào bức tranh chung tuyển sinh sư phạm năm nay có thể thấy nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành sư phạm, nhiều trường mặc dù đưa ra điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Nguyên nhân được các trường đưa ra là do quy mô giáo dục đào tạo đã đi vào ổn định, vì thế, số lượng trường sư phạm hiện nay đã vượt quá yêu cầu thực tế.

Nhiều thí sinh lo ngại sau khi ra trường không có việc làm từ thông tin dư thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Bên cạnh đó, chính sách đối với giáo viên hiện nay chưa tốt: Vào “biên chế” khó khăn, thu nhập thấp, áp lực lớn, nhiều nơi lớp học quá đông nên giáo viên rất vất vả mà không được đãi ngộ xứng đáng. Vì vậy, khó có thể cạnh tranh với các ngành khác và khó tạo ra động lực cho những người đang có ý định theo đuổi nghề giáo.

Theo Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm đều giảm hàng năm, mỗi năm từ 15 - 20% theo lộ trình vì đã dư thừa. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện chỉ tiêu tuyển sinh khối sư phạm siết chặt hơn các trường khác, không chỉ căn cứ vào nhân lực mà còn vào nhu cầu. Bộ GD&ĐT xây dựng riêng chuẩn của các trường sư phạm, trên cơ sở đó sẽ rà soát lại hệ thống, trường nào đạt chuẩn thì tiếp tục đầu tư. Trường nào chưa đạt chuẩn, điểm đầu vào thấp, không có người đến học sẽ phải đóng cửa.

Giải pháp để “cứu” các trường sư phạm, nhiều chuyên gia cho biết, bên cạnh việc giao chỉ tiêu sát thực tế, áp tiêu chuẩn đầu vào… cần tổ chức sáp nhập các trường sư phạm, thay vì tỉnh nào cũng mở tràn lan như hiện nay. Thay vì đào tạo mới, các trường sư phạm tập trung nâng cao trình độ, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại để thực hiện đổi mới giáo dục. Bộ GD&ĐT nên thay đổi cơ chế cấp ngân sách dựa trên đầu sinh viên sư phạm, ngoài ra vấn đề việc làm, chế độ, chính sách, thu nhập...

Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn hạn chế trong đào tạo sư phạm thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Cần phải có các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó có chất lượng đầu vào. Bộ trưởng yêu cầu đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, ngành nào dư thừa dứt khoát phải dừng đào tạo, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, những ngành không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định cũng sẽ kiên quyết cho dừng.

Để nâng cao chất lượng đầu vào, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường ĐH, CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đẩy mạnh kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo sư phạm đã mở; đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm.
Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp phản ánh vị thế của nghề giáo

Ngành giáo dục chỉ nên tuyển sinh, đào tạo chỉ tiêu vừa đúng, vừa đủ, không nên chạy theo số lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN