Sẽ chi 12.000 tỷ đồng đào tạo tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục

Sự kiện: Giáo dục

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo đề án nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018 – 2025 và tầm nhìn 2030.

Cụ thể, đề án nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2018-2025.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn kinh phí bao gồm: ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%; từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%; các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các CSGDĐH chiếm 1%.

Sẽ chi 12.000 tỷ đồng đào tạo tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục - 1

Sẽ chi 12.000 tỷ đồng đào tạo tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục

Đề án gồm các nhiệm vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo triển khai và các nhiệm vụ do các cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm triển khai. Nhà nước, cơ sở giáo dục đại học và đối tượng thụ hưởng đề án cùng nhau chia sẻ chi phí thực hiện đề án.

Hiện nay, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực.

Năm học 2016-2017, tổng số cơ sở giáo dục đại học ở nước ta là 235, số lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là 72.792 người (công lập: 57.634 người; ngoài công lập: 15.158 người), tăng 3.201 người so với năm học 2015-2016. Trong đó số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%); trình độ thạc sĩ là 43.127 người (chiếm 59,2%); trình độ đại học và cao đẳng là 12.519 người (chiếm 17,2%); chuyên khoa I, II là 523 người; trình độ khác là 109 người. 

Tổng số trường cao đẳng sư phạm là 33, số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng là 3.493 người (số lượng giảm do các trường cao đẳng thuộc quản lý nhà nước của Bộ LĐTB&XH). Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 120 người (chiếm 3,4%); trình độ thạc sĩ là 2.187 người (chiếm 64,5%); trình độ đại học và cao đẳng là 1.049 người (chiếm 30.9%); trình độ khác là 5 người.

Toàn ngành giáo dục hiện có 4.687 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 6,4% tổng số giảng viên), trong đó 574 giáo sư (chiếm 0,8%) và 4113 phó giáo sư (chiếm 5,6%). Năm 2016, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã công nhận 65 giáo sư, trong đó 48 giáo sư công tác tại các cơ sở đào tạo (chiếm 73.85%) và 638 phó giáo sư, trong đó 508 phó giáo sư công tác tại các cơ sở đào tạo (chiếm 79.62%).

Năm học 2016-2017, tại 235 cơ sở giáo dục đại học có 909 cán bộ quản lý giữ chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trong đó có 811 cán bộ giữ chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các trường đại học và 98 cán bộ giữ chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các trường cao đẳng sư phạm. Bên cạnh đó là hàng vạn cán bộ giữ chức danh viên chức quản lý cấp phòng/ban chức năng, khoa/viện/trung tâm và đơn vị dịch vụ. Trừ thủ trưởng các đơn vị là cán bộ và công chức, còn lại các cán bộ quản lý khác là viên chức.

Đó là chưa kể, nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên. Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục đại học, hàng năm giảng viên đều thực hiện nhiệm vụ này. Số lượng công trình nghiên cứu tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Số lượng công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn còn hạn chế.

Nhiều giảng viên còn hạn chế về năng lực tổ chức và hợp tác nghiên cứu khoa học. Việc tạo điều kiện cho giảng viên phát huy năng lực nghiên cứu khoa học (về kinh phí, cơ sở vật chất và thiết bị) còn hạn chế. Số lượng nhóm nghiên cứu mạnh tại các cơ sở giáo dục đại học chưa nhiều và cũng chưa được đầu tư tương xứng.

Trên phương diện hội nhập quốc tế về nghiên cứu khoa học, số lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus của Việt Nam còn hạn chế. Tại một số cơ sở giáo dục đại học, trong nhiều năm học, không có công trình, bài báo công bố quốc tế. Trong đợt xét công nhận GS, PGS năm 2015, chỉ có 3/28 hội đồng ngành mà 100% tân GS, PGS có công bố quốc tế (vật lý, toán học và CNTT), có 10/28 hội đồng ngành không có công bố quốc tế.

Vì thế, đề án này sẽ tập trung vào hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học đạt được mục tiêu nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQL theo chiến lược phát triển và yêu cầu đào tạo chất lượng cao của cơ sở, trong đó phấn đấu đến năm 2025:

Nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các CSGDĐH, trong đó:

Đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2018 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài;

 Đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Từ năm 2018 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người;

Đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam;

Thu hút khoảng 1500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các CSGDĐH đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam.

100% cán bộ quản lý là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng/viện trưởng, hiệu phó/phó viện trưởng được bồi dưỡng về quản trị trường đại học;

100% giảng viên được bồi dưỡng về năng lực phát triển chương trình đào tạo, năng lực giảng dạy theo phương pháp hiện đại, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực ngoại ngữ và CNTT.

GS. Phạm Tất Dong: Nhiều lỗ hổng trong đào tạo tiến sỹ

Bộ GD&ĐT cho biết việc quản lý đào tạo tiến sĩ hiện nay dựa vào Thông tư 57 và Thông tư 32 mới được ban hành. Tuy nhiên,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN