Sách Công nghệ giáo dục vì sao ồn ào?
Theo một chuyên gia ngôn ngữ, cách dạy đánh vần trong sách "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" dựa trên hệ thống âm vị, không khác lắm so với cách đánh vần hiện nay.
Nhiều ngày qua, dư luận về tài liệu "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục (CNGD)" đã gặp phải phản ứng khá gay gắt của cộng đồng về cách đánh vần (Báo Người Lao Động đã phản ảnh). Tuy nhiên, các ý kiến từ các nhà chuyên môn, chuyên gia ngôn ngữ lại cho rằng phương pháp này không khác lắm so với cách đánh vần hiện nay, phù hợp với học sinh lớp 1 khi nhận thức của các em rất non nớt.
Trực quan là phù hợp với lớp 1
Cô Lê Hoàng Phi Yến - giáo viên ngữ văn Trường THCS Kiến Thiết quận 3, TP HCM - cho rằng bài học trong sách "Tiếng Việt lớp 1 - CNGD" có sử dụng những hình khối để minh họa là bài "Tiếng và Từ" - một trong những bài học đầu tiên của cuốn sách, cụ thể là bắt đầu từ trang số 5. Theo cô Yến, đối với những học sinh lớp 1 hầu hết chưa nhận biết được mặt chữ, chỉ có thể học được những câu thơ, câu hát bằng cách học thuộc lòng, việc dùng các hình khối để minh họa cho số lượng tiếng trong câu như vậy là dễ dàng để các em có thể tiếp thu, hình thành trong đầu khái niệm đơn giản nhất về các thành phần của câu.
Cũng theo cô Yến, sách CNGD đã sử dụng những ô vuông là để các em có thể dễ dàng hình dung ra. Ví dụ, các em được học "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ", mỗi ô vuông sẽ tượng trưng cho một tiếng trong câu thơ. Các em tiểu học chưa biết chữ nhưng việc đếm từ 1-20, thậm chí đến 100 là rất dễ dàng. Như vậy, qua phương pháp trực quan như thế này, các em sẽ biết được là câu thơ gồm có bao nhiêu tiếng. Trong phần chú thích đóng khung cũng đã nêu rõ, những ô vuông này là vật thay thế để các em biết được có bao nhiêu tiếng, đây là phương pháp phù hợp với học sinh lớp 1 khi nhận thức của các em rất non nớt.
Từ góc độ sư phạm, cô Yến cho rằng phương pháp giáo dục này có tính hợp lý, không nên bài xích nếu chưa tìm hiểu kỹ. Giáo viên này cũng chia sẻ cần nhìn nhận khách quan cả mặt được và chưa được của cuốn sách.
Tại buổi đối thoại sáng 8-9, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ nguyên tắc sư phạm của ông là học sinh tự làm mọi việc, thầy giáo chỉ việc và trò làm việc Ảnh: ĐẶNG HÀ
Hiểu nhầm về cách đánh vần
TS Đàm Quang Minh (Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ) cũng cho rằng nhiều người đã hiểu nhầm về phương pháp đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại. Theo ông Minh, việc lấy một góc, một trang sách hay một clip để đưa lên chế giễu không phản ánh đầy đủ phương pháp luận giáo dục.
GS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, cho rằng cách dạy đánh vần trong sách "Tiếng Việt lớp 1 - CNGD" chủ yếu dựa trên hệ thống âm vị mà con chữ biểu thị, không khác lắm so với cách đánh vần hiện nay. Sự khác biệt quan trọng mà mạng xã hội bàn rất nhiều trong những ngày qua liên quan đến việc dạy đánh vần những từ có C, K, Q và sự khác biệt này cho thấy điểm mạnh và điểm chưa được của sách "Tiếng Việt lớp 1 - CNGD". Cách của GS Hồ Ngọc Đại là cách triệt để tuân theo phương pháp âm vị học. Cả 3 chữ cái này đều dùng để ghi âm vị /k/ trong tiếng Việt. Trong khi đó, cách dạy phổ biến hiện nay của "Tiếng Việt lớp 1" đại trà hướng dẫn học sinh, đối với từ "cá" phải đánh vần là "cờ-a-ca-sắc-cá", đối với từ "kể" phải là "ca-ê-kê-hỏi-kể", đối với từ "quê" phải là "quờ-ê-quê".
GS Hiệp cũng nhấn mạnh theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, sẽ có một chương trình nhiều sách giáo khoa. Như vậy, cách dạy học đánh vần của một cuốn sách giáo khoa cụ thể chỉ là một trong nhiều cách khác nhau để đạt đến mục tiêu được xác định trong chương trình giáo dục. Nói cách khác, chương trình chỉ nêu ra đích đến, còn đi đến đó bằng cách nào thì do các tác giả sách giáo khoa lựa chọn và thể hiện trong sách của mình. Như vậy, cách dạy đánh vần của sách "Tiếng Việt lớp 1 - CNGD" chỉ là một lựa chọn; nếu được chấp nhận, sẽ tồn tại song song với những cách dạy đánh vần khác ở trong các bộ sách khác.
Học không cần phải ôn tập Sáng 8-9, tại Hà Nội, GS-TSKH Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ" của bộ sách gây tranh cãi, đã có buổi đối thoại liên quan đến CNGD và chia sẻ một số vấn đề về cách đánh vần "lạ" với ô vuông và hình tròn trong sách giáo khoa CNGD lớp 1. Ông quan niệm rằng mỗi thời có một kỹ thuật riêng. Tuy nhiên, có 2 điều cần hiểu thật đúng là tận dụng những cái đã có và tạo ra được cái mới. Sứ mệnh của giáo dục là tạo ra cái mới để trẻ em tận dụng những cái đã có. Thực tiễn giáo dục hiện đại được định hướng bởi triết học hiện đại và thực thi bằng công nghệ hiện đại. GS Hồ Ngọc Đại xác nhận tư tưởng giáo dục này của mình dễ bị phản ứng. Ông cho rằng giáo dục cần làm thế nào để học sinh không có cảm giác học mới là học, chương trình không phải ôn tập. "Cùng 1 việc mà phải làm 2 lần là lãng phí thời gian" - GS Hồ Ngọc Đại nhận xét. Nói về sách giáo khoa CNGD lớp 1 hiện đang gây tranh cãi, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng nguyên tắc sư phạm của ông là học sinh tự làm mọi việc, thầy giáo chỉ việc và trò làm việc; khi trò làm việc thì thầy theo dõi. Nhấn mạnh thêm về hiệu quả của cách dạy này, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ câu chuyện về GS Ngô Bảo Châu, đó là chương trình lớp 1 mà GS Ngô Bảo Châu đã từng theo học hoàn toàn không học chữ mà toàn hình vuông, hình tròn như vậy. "Chúng tôi muốn các em hiểu thế nào là vật thật và vật thay thế, tiếng nói là vật thật, âm nghe thấy là vật thật, còn chữ là vật thay thế. Vật thật thì không thể thay thế, còn vật thay thế có thể thay thế thoải mái" - GS Hồ Ngọc Đại cho biết. Đ.HÀ |
Bộ GD-ĐT lên tiếng về sách CNGD Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ ngày 8-9 đã chính thức có ý kiến về tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục (CNGD)". Theo ông Độ, tài liệu này là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS-TSKH Hồ Ngọc Đại, thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ (TP Hà Nội). Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 tại Trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và bảo đảm các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó khăn từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương. Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao Viện Khoa học Giáo dục (KHGD) Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-CNGD" và đề xuất các giải pháp chỉ đạo (GS-TS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam, chủ trì). Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện KHGD Việt Nam đã đánh giá việc triển khai tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-CNGD" ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh (HS), năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-CNGD". Trong báo cáo, Viện KHGD Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức hội đồng thẩm định tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-CNGD" theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với HS trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội đồng Thẩm định quốc gia tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-CNGD". Sau 2 vòng thẩm định, hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-CNGD" về cơ bản bảo đảm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006 của Bộ GD-ĐT). Tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-CNGD" đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của hội đồng thẩm định (HĐTĐ). Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của HĐTĐ tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-CNGD", Bộ GD-ĐT hướng dẫn các sở GD-ĐT triển khai tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-CNGD" phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tài liệu "Tiếng Việt lớp 1-CNGD" là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với HS vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương "một chương trình nhiều SGK", tất cả tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là SGK đều phải được hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của HĐTĐ quốc gia, bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt danh mục SGK (theo chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn SGK phù hợp. |
“Chặng đường phía trước dù khó khăn nhưng tôi sẽ làm được. Tôi sẽ phá vỡ nên giáo dục cũ, xây dựng một nền giáo...