Rớt lớp 10 công lập, học sinh đi đâu?

Tại TP HCM, dự kiến sẽ có 20.000 học sinh không vào được lớp 10 công lập trong năm học 2015-2016. Sở Giáo dục và Đào tạo TP cho biết có nhiều hướng đi cho các học sinh này

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết có 3 hướng lựa chọn cho số học sinh (HS) không vào được lớp 10 công lập. Đó là các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và một loạt trường ngoài công lập. Ở mỗi loại hình, chỉ tiêu tuyển sinh lên đến hàng chục ngàn.

Trung tâm GDTX tăng chỉ tiêu tuyển sinh

So với năm học 2014-2015, trong năm học mới, hầu hết các trung tâm GDTX tại TP HCM đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10. Trung bình, các trung tâm đều tăng từ 50-100 chỉ tiêu so với năm học trước, trong khi mức học phí không thay đổi (180.000 đồng/HS/ tháng).

Cụ thể, Trung tâm GDTX quận 1 tuyển sinh 320 HS, tăng 20 HS so với năm ngoái; Trung tâm GDTX Lê Quý Đôn (quận 1) tuyển 200 chỉ tiêu; Trung tâm GDTX quận 2 cũng tăng 50 chỉ tiêu là 300 HS so với năm học trước; Trung tâm GDTX quận 3 tuyển sinh 270 chỉ tiêu...

Rớt lớp 10 công lập, học sinh đi đâu? - 1

Học sinh Trường Trung cấp Nghề Hùng Vương (TP HCM) trong giờ thực hành - Ảnh: TẤN THẠNH

Ngoài hệ GDTX, các trường TCCN tại TP HCM cũng dành hàng ngàn chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. Có thể kể đến hệ trung cấp trong Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP HCM (quận 6) tuyển sinh 600 chỉ tiêu lớp 10, Trường Trung cấp Kinh tế và Du lịch TP HCM tuyển 185 chỉ tiêu, Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn (quận 8) tuyển 560 chỉ tiêu, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật quận 12 tuyển 800 chỉ tiêu, hệ trung cấp trong Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng tuyển 800 chỉ tiêu…

Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết lợi thế khi vào học các trường TCCN là HS không phải thi tuyển. Hơn nữa, từ năm 2014-2015, tất cả HS theo học hệ này đều được giảm 50% học phí.

Trong khi đó, các trường TCCN đều tổ chức liên kết với các Trung tâm GDTX tổ chức dạy văn hóa cho HS. Do đó, sau khi hoàn thành chương trình học, HS vừa được cấp bằng tú tài, vừa được cấp bằng TCCN. Vì thế, HS hoàn toàn có thể đi làm ngay hoặc tiếp tục dự thi vào ĐH, CĐ.

Trường tư cạnh tranh chất lượng

Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP HCM, hiện toàn TP có 89 trường THPT ngoài công lập, theo quy định của sở, việc tuyển sinh vào lớp 10 tại các trường ngoài công lập không được thi tuyển dưới bất cứ hình thức nào. Nhiều trường có tổ chức bán trú, nội trú thuận lợi cho những bậc cha mẹ bận rộn, không có điều kiện đưa đón con.

Hiệu trưởng một trường ngoài công lập tại quận 9 cho rằng hiện nay, việc vào ĐH, CĐ dễ dàng hơn trước nhiều nên các bậc cha mẹ đề cao những trường có thế mạnh về giảng dạy đạo đức, kỹ năng, thể chất cho HS. Chính vì thế, những trường tư thục có cơ sở vật chất tốt; có nội trú, bán trú, chương trình giảng dạy không nặng nề, HS không phải đi học thêm… được các bậc cha mẹ quan tâm, chọn lựa. Nhiều trường tư thục chăm sóc HS tốt, lựa chọn giáo viên giảng dạy có uy tín, môi trường giáo dục mềm mỏng nên với HS cá tính, việc lựa chọn các trường tư thục là phù hợp nhất.

Ở một góc độ khác, ông Ngô Tương Đại, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ, cho biết các bậc cha mẹ khi chọn trường tư luôn có băn khoăn về học phí. Tuy nhiên, chính vì có nhiều trường tư thục nên sẽ cạnh tranh nhau về chất lượng, học phí để tuyển sinh, dẫn đến luôn có nhiều loại hình trường để phụ huynh lựa chọn.

Năm nay, đề thi THPT quốc gia không phân biệt công lập hay GDTX nên về cơ bản việc dạy học trong các trường sẽ không có sự khác biệt nào đáng kể. “Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức xét bằng học bạ HS nên các trường đều tập trung dạy cho tốt. Quan trọng là HS nên lượng sức mình học đến đâu để chọn hướng đi phù hợp” - ông Đại nói.

Phân luồng phù hợp

Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết đối với việc phân luồng HS sau THCS, TP HCM ra chủ trương phải bảo đảm phù hợp với năng khiếu, hoàn cảnh và trình độ học tập của HS để lên THPT hoặc trung cấp nghề, với luồng HS vào công lập đến 80%.

Theo một chuyên gia giáo dục, hiện nay, khoảng cách giữa trường công và trường THPT ngoài công lập không khác nhau nhiều vì các trường ngoài công lập đều phải giảng dạy thật tốt để có uy tín tuyển sinh. Vì thế, khi chọn trường vào lớp 10, các bậc cha mẹ nên ưu tiên chọn trường phù hợp với khả năng, thuận lợi cho việc đi lại, học tập của HS.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN