Phố núi những ngày “dậy sóng”

Ngay sau khi có thông tin về sự bất thường điểm số của thí sinh tại Hà Giang, nhóm PV Tiền Phong đã lập tức lên đường. Ðiểm số, chuyện thi cử và cả những giọt nước mắt đã khiến phố núi có những ngày thật sự dậy sóng.

Những điểm thi gây ngỡ ngàng

Vượt gần 400km, đến Hà Giang trời xẩm tối. Ngày làm việc cuối cùng của một tuần, những tưởng cổng Sở GD&ÐT Hà Giang đã kít mít. Nhưng không, các phòng làm việc vẫn sáng đèn. Sự căng thẳng, mỏi mệt hiện rõ trên mặt những người lãnh đạo ngành giáo dục nơi đây. Người đứng đầu Sở này cho chúng tôi một cái hẹn vào thời điểm 6 giờ 30 ngày bắt đầu rà soát. Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ÐT chia sẻ sự tin tưởng: “Sẽ có kết quả và chắc chắn sẽ có sự chứng minh”.

Nói là vậy nhưng công cuộc rà soát mới chỉ bắt đầu, trong khi đó, tại nhà một tổ trưởng dân phố trong TP, vị công chức đã về hưu chia sẻ: “Chúng tôi buồn thật sự vì điểm số không thật sẽ mất niềm tin của học sinh. Làm gì có chuyện một cháu học ngày học đêm chỉ đạt  mức điểm khá còn những trường hợp khác lại đạt điểm xưa nay hiếm”. 

Phố núi những ngày “dậy sóng” - 1

Trụ sở Sở GD&ÐT Hà Giang ngày 15/7/2018. Ảnh: X.Tùng.

Tìm đến một ngôi nhà vốn kinh doanh hàng hóa tấp nập, bỗng thấy đóng cửa im ắng. Mẹ của một thí sinh học lớp chuyên Anh, Trường THPT Hà Giang rầu rĩ nói: “Gia đình động viên cháu về quê với ông bà ít ngày cho khuây khỏa. Ðiểm thi của con gần 22 điểm, vì điểm Toán chỉ đạt 5,8 trong khi hai môn khác cao hơn cũng không kéo được”. Cũng theo phụ huynh này, ban đầu khi xem điểm, con rất vui mừng vì nghĩ đề năm nay khó, đạt được số điểm này đã là sự cố gắng. Không ngờ, sau đó biết điểm của bạn bè cùng lứa, nhiều bạn trên 27 điểm...con buồn vì cảm thấy bất công, thiệt thòi. Người mẹ này chia sẻ, cả đời người buôn bán ngược xuôi kiếm tiền nuôi con ăn học, giờ chứng kiến dường như có điều gì đó bất công xảy ra ngay trước mắt, chị cảm thấy nghẹn ngào, thương con. 

Cầm trên tay bảng điểm thi thử kỳ thi THPT quốc gia lần I và lần II của Trường THPT Chuyên Hà Giang, một học sinh trường này cho biết, tuy điểm thi thử không quá cao vì đề thi thử khó nhưng những bạn học nổi bật trong lớp sẽ đạt điểm cao. Ví dụ: Ð.D.D có điểm thi thử lần 2 là Toán: 9,2; Tiếng Anh: 8,6 và Vật lý:8,75 thì thi thật đạt điểm số 24,55 điểm; Thí sinh N.T thi thử có điểm Toán: 8,2; Vật lý: 8,0 và Hóa học: 6,0 thì điểm thi thật là 23,3 điểm. 

Ngược lại, nhiều thí sinh khác có điểm số vênh cao giữa thi thật và thi thử. Ðặc biệt, nhiều học sinh nơi đây cho rằng, các bạn điểm thi thật cao có học lực “khá bình thường” nên khi biết điểm họ bị sốc và rất buồn. Cụ thể: thí sinh H.T.H điểm thi thử môn Văn 2,75; Toán bỏ thi; Tiếng Anh 7,6 điểm trong khi thi thật điểm Toán 9,2; Tiếng Anh 9,8 và Văn 6,75; Hay như thí sinh N.V.A có điểm số thi thật lọt vào top 10 thí sinh cao nhất cả nước nhưng điểm thi thử Toán 4,6; điểm Vật lý 2,5...

Thí sinh bị gọi điện dọa dẫm?

Ðang trong quá trình gặp gỡ thí sinh, người nhà, PV Tiền Phong được tiếp nhận thông tin choáng váng của phụ huynh là một trong những thí sinh viết thông tin lên mạng xã hội bày tỏ sự bất bình, không tâm phục khẩu phục điểm số kỳ thi đã bị người khác gọi điện dọa dẫm. Khi PV liên hệ, ban đầu những phụ huynh nơi đây còn e dè, không gặp vì sợ. 

Phố núi những ngày “dậy sóng” - 2

Khu vực cuộc rà soát được tăng cường an ninh. Nhiều suất ăn tối được mang lên khu vực diễn ra cuộc họp. Ảnh: X.Tùng.

Theo phụ huynh của một học sinh tại Hà Giang, sau khi con xem điểm và có một vài ý kiến bất bình, có số điện thoại 0125848...gọi đến dọa dẫm với nội dung là sẽ báo cáo lên sở, lên trường THPT chuyên về việc thí sinh hay chia sẻ trên mạng xã hội. Cũng theo phụ huynh này, con chị còn bị hỏi: “Có muốn nhận bằng tốt nghiệp nữa không?”. Sau sự việc đó, chị gọi lại nhiều lần vào số máy đó nhưng người đầu dây kia không nghe máy.

Tương tự, tại căn nhà không có gì đáng giá của một thí sinh khác, người mẹ cũng chia sẻ sự lo lắng sau khi con nhận được cuộc gọi lạ. Chị chia sẻ, con sợ mẹ lo nên không dám nói nhiều nhưng từ sau khi có cuộc gọi đó, con không dám viết gì trên mạng xã hội nữa. “Tôi mong cháu xuống Hà Nội nhập học để được bình yên”, chị nói.  

Chia sẻ với Tiền Phong ngày 15/7, Giám đốc Sở GD&ÐT Hà Giang cho biết: “Tôi đã cao tuổi, lại phải giải quyết những việc rất nghiêm trọng nhưng với trách nhiệm của mình sẽ hết sức cố gắng để đi đến kết quả. Dư luận nhiều chiều nhưng phải tin cơ quan chỉ đạo là những người hết sức nghiêm túc, đứng đắn, cương trực quyết tâm. Rồi đây sẽ có kết quả trả lời cho thấy nghiêm túc, công bằng, quyết liệt hay chưa. Khi có dư luận, có thể người ta nghĩ đến chuyện niềm tin, lúc này có thể mất nhưng rồi họ sẽ có lại là bình thường”.

Nghi vấn về điểm thi bất thường ở Hà Giang

Kỳ thi THPT quốc gia 2018, tỉnh Hà Giang có 5.500 thí sinh dự thi, chiếm tỉ lệ 1/170 lượng thí sinh trên toàn quốc. Tuy nhiên,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NHÓM PV ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN