Phản ứng gay gắt về thi trắc nghiệm toán

Theo Hội Toán học Việt Nam, thi trắc nghiệm sẽ phá hủy những thành tích đạt được của nền toán học nước nhà, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng thi trắc nghiệm toán có nhiều ưu điểm.

Chiều 12-9, Hội Toán học Việt Nam đã có cuộc gặp báo chí để bày tỏ quan điểm của mình trước quy định sẽ thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 theo dự thảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố và đang trong quá trình lấy ý kiến.

Việc học toán sẽ trở nên lệch lạc

Về mặt chuyên môn, Hội Toán học Việt Nam cho rằng phương án thi trắc nghiệm môn toán không phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Việc tổ chức thi trắc nghiệm môn toán sẽ khiến cho việc học tập môn toán tại các trường THPT trở nên lệch lạc, tập trung vào việc đối phó với dạng bài tập trắc nghiệm, coi đáp số là trên hết, bỏ qua các giai đoạn tư duy, dẫn đến việc học mẹo.

Phản ứng gay gắt về thi trắc nghiệm toán - 1

Thí sinh sau khi thi môn toán tại kỳ thi THPT quốc gia 2016 Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Hội Toán học Việt Nam, đặc trưng môn toán tại cấp THPT là coi chuyển tải phương pháp tư duy quan trọng nhất. Vì thế, phương thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT, tiến tới thực hiện trắc nghiệm trong kỳ thi kiểm tra năng lực đầu vào ĐH sẽ phá hủy hoàn toàn những thành tích đã đạt được của giáo dục toán học Việt Nam trong mấy chục năm qua.

“Hội không đồng tình với quan điểm sử dụng phương pháp thi trắc nghiệm để đánh giá năng lực học sinh về môn toán bởi nó không phù hợp với yêu cầu đào tạo môn toán ở trình độ THPT ở nước ta theo đề án đổi mới giáo dục” - GS Phùng Hồ Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam, cho biết.

Không thể gây xáo trộn đột ngột

Đại diện Hội Toán học Việt Nam nhấn mạnh phương thức và nội dung thi cử có ảnh hưởng sâu sắc tới cách học, cách dạy của giáo viên và học sinh. Việc thay đổi phương thức thi một cách đột xuất sẽ gây ra nhiều xáo trộn về tâm lý trong học sinh khiến giáo viên không thể nào thực hiện được tốt mục tiêu, nhiệm vụ giảng dạy. Mặt khác, do toán là một môn thi bắt buộc nên thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ là tác nhân kích thích nhu cầu học thêm của học sinh tăng rất cao. Điều này đi ngược lại với chủ trương chống dạy thêm, học thêm của chính ngành giáo dục.

GS Phùng Hồ Hải cho hay phương án thi được Bộ GD-ĐT thông báo là dựa trên phương án đã thực hiện từ 3 năm qua tại ĐHQG Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, Ban Chấp hành Hội Toán học chưa hề được biết tới một đánh giá chính thức nào về tính hiệu quả của các kỳ thi này. Vì thế, Ban Chấp hành Hội Toán học đề nghị trước hết cần tiến hành khảo cứu, tổng kết sâu sắc những ưu - khuyết điểm về mặt chuyên môn của các kỳ thi trắc nghiệm đối với các môn, kể cả kỳ thi trắc nghiệm đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội đã tiến hành trong thời gian vừa qua.

Việc chuyển sang hình thức trắc nghiệm đối với môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như các kỳ thi dạng kiểm tra năng lực đầu vào ĐH cần phải được thảo luận kỹ với các nhà khoa học và giáo viên thông qua một hội thảo toàn quốc về vấn đề này, lấy ý kiến rộng rãi và xây dựng lộ trình cụ thể để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị. “Ban Chấp hành Hội Toán học kiến nghị Bộ GD-ĐT giữ nguyên hình thức thi tự luận đối với môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm 2017” - ông Hải cho biết.

Khách quan và công bằng?

Trước kiến nghị của Hội Toán học Việt Nam cũng như sự lo lắng của nhiều chuyên gia về việc thi trắc nghiệm môn toán, ngày 12-9, Bộ GD-ĐT đã chính thức giải đáp về việc thi trắc nghiệm môn toán có kiểm tra được tư duy logic cũng như sự sáng tạo của thí sinh hay không.

Theo Bộ GD-ĐT, thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi toán bằng hình thức trắc nghiệm khách quan có thể là mới với Việt Nam nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu.

Theo lý giải của bộ, trắc nghiệm môn toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Mỹ là một ví dụ. Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi toán hoàn toàn bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Hằng năm, mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham dự để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường ĐH của Mỹ.

Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi trắc nghiệm khách quan được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học.

Thực tế, trong các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi trắc nghiệm khách quan hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.

Sẽ gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ

Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam đã có nhiều cuộc họp và thống nhất sẽ kiến nghị bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc giữ nguyên hình thức thi tự luận đối với môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm 2017.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yến Anh (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN