PGS.TS Lê Hữu Lập: ĐH không đủ thời gian dạy... kỹ năng
PGS.TS Lê Hữu Lập, HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có những chia sẻ trước thực trạng nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường thiếu nhiều kỹ năng mềm, thất nghiệp, thậm chí không viết nổi cái đơn xin việc.
PGS.TS Lê Hữu Lập
Một cuộc Hội thảo mới đây đã chỉ ra, những kỹ năng tưởng như đơn giản nhưng sinh viên của chúng ta rất yếu như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết văn bản, kỹ năng quản lý thời gian,… Thậm chí nhiều sinh viên ra trường không viết nổi cái đơn xin việc. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS- TS Lê Hữu Lập, HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
PGS Lập cho rằng, không phải bây giờ cử nhân, kỹ sư Việt Nam ra trường đều bị kêu thiếu và yếu các kĩ năng nhất là những kĩ năng mềm, mà hàng chục năm trước cũng đã bị kêu ca như vậy.
Theo ông Lập, các kĩ năng này các trường đại học khó mà dạy được đầy đủ trong chương trình đào tạo vì thời gian không cho phép, mà phải do sinh viên tự tìm hiểu, quan sát và thực hành mới có được. Nói cách khác muốn có kỹ năng thì mỗi sinh viên phải rèn luyện thông qua quá trình học tập của từng môn học và trải nghiệm cuộc sống.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lập, những kỹ năng này chưa được dạy đúng mức tại các cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông, nên khi vào đại học đa số các em rất tự ti, thiếu kỹ năng sống. Còn các trường đại học cũng chưa quan tâm tới chuẩn đầu ra trong lĩnh vực kỹ năng mềm của sinh viên. Các cử nhân, kỹ sư của Việt Nam ra trường không chỉ yếu về các kĩ năng mềm mà những kĩ năng về chuyên môn, nghề nghiệp cũng hạn chế. Việc dạy lý thuyết phải gắn với thực hành, thực tế, trong khi đó cơ sở vật chất, các điều kiện thực hành thí nghiệm của nhiều trường đại học còn khá nghèo nàn.
Ông Lập cho rằng, ở bậc đại học các sinh viên trước khi tốt nghiệp cần được làm đồ án/khóa luận. Có như vậy, một phần sẽ giúp sinh viên hoàn thiện được các kỹ năng nghiên cứu, giải quyết một vấn đề của chuyên môn, kỹ năng viết, kỹ năng trình bày, báo cáo, kỹ năng trao đổi phản biện.. qua đó tích lũy được thêm kinh nghiệm cho công việc sau này.
Tuy nhiên, PGS. Lập cũng chỉ ra, trung bình ở Việt Nam mỗi giảng viên chuyên môn có trên 25 sinh viên thì không thể có lượng giảng viên chuyên môn đông như vậy, đủ để giúp sinh viên nào cũng được làm đồ án/ khóa luận được. Cho nên các trường chỉ ưu tiên các em có lực học khá giỏi làm đồ án tốt nghiệp. Đây là khó khăn của các trường, dù biết việc tăng cường thực hành, thực tập, rồi làm đồ án/khóa luận sẽ năng cao chất lượng đào tạo.
Cần cải tổ lại chương trình đào tạo và phương pháp dạy
PGS.TS Lê Hữu Lập cho rằng, chương trình dạy ở đại học Việt Nam vẫn dàn trải, nhiều môn học không cần thiết thì lại chiếm thời lượng nhiều trong khi những môn cần thiết thì lại chưa có điều kiện đầu tư đúng mức. Ông Lập cũng cho rằng, nền giáo dục đại học Việt Nam cũng cần một cuộc cải cách về chương trình đào tạo.
“Trước đây các chương trình đào tạo của các trường đều phải bám sát chương trình khung của Bộ Giáo duc và Đào tạo ban hành. Từ năm 2011, Bộ chỉ hướng dẫn nguyên tắc và để các trường chủ động xây dựng các chương trình đào tạo của mình. Trong xu hướng, giảm thời gian đào tạo đại học xuống còn từ 3 đến 4 năm, thì việc cải tổ lại các chương trình đào tạo là đương nhiên. Tuy nhiên, việc thiết kế lại chương trình phải được cân nhắc kĩ nên ưu tiên môn học nào, giảm tải môn nào. Việc thiết kế lại chương trình cũng phải song hành với việc cải tiến phương pháp dạy cho phù hợp. Ví dụ các môn triết học có thể xem là phần rất hay trong chương trình để dạy cho sinh viên phương pháp tư duy, phân tích các mối quan hệ biện chứng. Tuy nhiên, nếu cứ những nội dung, thời lượng và cách dạy như hiện nay thì sinh viên chẳng có gì là thích thú cả, hiệu quả môn học rất thấp”- PGS. Lập cho hay.
Có ý kiến cho rằng nên tăng thời gian kiến tập, thực tập cho sinh viên. Ngoài ra, cũng như cho sinh viên đi thực tập ngay năm thứ 2 để sinh viên tích lũy được nhiều kỹ năng, PGS Lập cho rằng, phần lớn các ngành nghề thì năm thứ hai chưa có chuyên môn gì và nếu có đi thực tập chỉ làm được công việc “pha trà rót nước”.
“Đa số các ngành phải đến năm cuối sinh viên mới tích lũy đủ được kiến thức chuyên môn lúc đó mới đủ sức để giải quyết được công việc mà doanh nghiệp, đơn vị nơi thực tập yêu cầu. Sinh viện đi thực tập năm cuối mới thực sự hiệu quả. Tùy theo ngành nghề, tùy theo tính chất công việc chuyên môn của mỗi chương trình sẽ bố trí thời gian thực tập ở cơ sở cho phù hợp, nhưng nói chung không thể quá sớm”- Ông Lập nói.
Ông Lập cũng chỉ ra rằng, chính việc trường ĐH những năm qua “mọc lên như nấm”, chất lượng không đảm bảo, trong khi học sinh điểm đầu vào khá thấp cũng đỗ đại học vào những trường này là một phần làm cho một bộ phận cử nhân, kỹ sư sau này ra trường yếu chuyên môn, thiếu kĩ năng là đương nhiên.