Sinh viên tình nguyện cũng cần học kỹ năng

Tai nạn thương tâm đối với ba nữ sinh viên tình nguyện đang tham gia công tác Mùa hè xanh tại Quảng Ninh tối 2-7 vừa qua đã đặt ra nhiều vấn đề xung quanh hoạt động tình nguyện.

“Những cái chết thương tâm của tuổi trẻ thời bình bao giờ cũng để lại vô vàn sự tiếc nuối cho người ở lại. Nên cần hạn chế tối đa những tai nạn như thế” - HaThu, một bạn trẻ viết trên Facebook của mình sau cái chết thương tâm của các nữ sinh ĐH Ngoại thương mới đây.

Các chiến dịch tình nguyện hè hằng năm thu hút hàng ngàn sinh viên từ các trường ĐH tỏa về các vùng sâu, vùng xa cùng làm việc, sinh hoạt với người dân. Hoạt động này giúp sinh viên hòa đồng, trưởng thành qua thực tiễn công việc và thử sức chịu đựng của các bạn trẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra các sự việc đáng tiếc, phần nào tác động đến ý nghĩa của hoạt động thiện nguyện.

Lớn lên sau những chuyến đi

“Đó là chuyến tình nguyện Mùa hè xanh về Thanh Hóa kéo dài  gần 15 ngày. Thú thực chuyến đó tôi không muốn đi nhưng phải đi vì muốn có điểm cộng lấy học bổng. Ở trường tôi và rất nhiều trường khác, nếu muốn được học bổng ngoài điểm tích lũy học tập còn phải có điểm rèn luyện” - N.Trâm, cựu sinh viên của một trường ĐH phía Bắc, kể.

Trâm cho biết trước khi về đó làm tình nguyện, đoàn gặp khá nhiều rắc rối với chính quyền địa phương. Bởi những mùa trước đã có đoàn của trường khác về, họ làm ít phá nhiều, địa phương cũng không mặn mà nữa.

Sinh viên tình nguyện cũng cần học kỹ năng - 1

Trong nhiều năm qua, phong trào tình nguyện tiếp sức mùa thi là một hoạt động hiệu quả, thiết thực thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia. Ảnh: HTD

“Công việc của chúng tôi khá nhẹ nhàng: Dọn dẹp cỏ, dọn sạch rác biển, trừ khoản vớt bèo. Nước ở con kênh đó rất bẩn, còn thối nữa, bèo dày đặc. Đáng lẽ chỉ nên dùng cào vẹt, bao bì kéo bèo lên nhưng không ít bạn quyết định nhảy luôn xuống con kênh để vớt. Tối đi xin nhà dân tắm nhờ, vừa bước vào nghe tiếng xuýt xoa: “Thanh niên địa phương còn không dám nhảy xuống vớt, mấy đứa tình nguyện liều thật”. Đêm đó thì khỏi nói, cả đám vừa nằm vừa gãi sột soạt. Mùa hè năm đó chúng tôi suýt bị ghẻ” - Trâm chia sẻ.

H. - cựu sinh viên của ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết từng tham gia Mùa hè xanh ở Bến Tre. H. kể bình thường thì không sao nhưng mỗi lần người dân địa phương hỏi về chuyên môn, H. như bị “líu lưỡi” và lúng túng trước những sự cố phát sinh. “Lúc đó mới biết mình thiếu quá nhiều thứ. Có những công việc rất đơn giản, cứ nghĩ mình thừa khả năng để hoàn thành nhưng hóa ra lại không…” - H. bộc bạch.

Nhiều sinh viên thừa nhận sau mỗi mùa hè xanh, họ mới biết bản thân còn khiếm khuyết rất nhiều thứ: Từ khả năng giao tiếp, văn hóa địa phương tới những kỹ năng rất đời thường như bơi lội, bắt cá, nhổ lông gà hay… chơi với trẻ em.

Phải vượt qua hai vòng thử thách

ThS Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: Thông thường mỗi “chiến dịch Mùa hè xanh” thu hút hàng ngàn sinh viên đăng ký tham gia. Tuy nhiên, trường chỉ lựa chọn vài trăm sinh viên vượt qua hai vòng phỏng vấn khá gắt do những người có kinh nghiệm nhiều năm chỉ huy “chiến dịch” thực hiện.

Cụ thể vòng sơ tuyển đầu tiên, yêu cầu tình nguyện viên phải tham gia các hoạt động thực tiễn ngay tại trường để thử sức chịu đựng. Vòng thứ hai, tình nguyện viên được tham gia các buổi huấn luyện các kỹ năng sử dụng các công cụ làm việc như cuốc, xẻng và bảo hộ lao động. Cùng đó là các kỹ năng ứng xử, giao tiếp và viết bài thể hiện trách nhiệm đối với hoạt động tình nguyện sẽ tham gia.

Ông Cường khẳng định trước khi đưa tình nguyện viên đến các “mặt trận”, trường cử các đoàn tiền trạm đi thực địa để nắm bắt ở đó có thuận lợi, khó khăn gì. Tiếp đó, đoàn tiền trạm sẽ làm việc với tỉnh, huyện đoàn để nắm các địa bàn cần hỗ trợ, hoạt động đưa ra có phù hợp, có gì cần lưu ý để đưa vào cẩm nang hướng dẫn, nhắc nhở tình nguyện viên có thái độ ứng xử chuẩn mực. “Sau khi về đoàn tiền trạm báo cáo tình hình, qua đó trường sẽ bố trí các đội nhóm tình nguyện viên phù hợp với tình hình ở các địa phương” - ông Cường bày tỏ.

Ông Phạm Kiều Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên TP.HCM, khẳng định: Các chiến dịch tình nguyện hè do Thành đoàn TP.HCM tổ chức luôn đặt điều kiện an ninh, an toàn lên hàng đầu.

Theo ông Hưng, tất cả hoạt động tình nguyện đều xuất phát từ nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, hoạt động thiện nguyện này cần đi vào những công việc có hàm lượng chuyên môn cao của ngành mà sinh viên theo học.

Trước khi về các địa bàn, tình nguyện viên được huấn luyện các kỹ năng sơ cấp cứu, băng bó, ứng xử khi bị tai nạn giao thông, trong khi làm việc và bị đuối nước. Ngoài ra, còn phải hỗ trợ đội khi gặp tai nạn. Tất cả nội dung này đều được huấn luyện kỹ cho tình nguyện viên, cùng đó là các quy trình xử lý, địa chỉ liên hệ với các cơ sở y tế địa phương, cơ quan công an khi có tình huống khẩn cấp. Trong các báo cáo hằng ngày ban chỉ huy đều yêu cầu các đội nhóm báo cáo sự an toàn, quân số rồi mới đến công việc.

Ông PHẠM KIỀU HƯNG, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên TP.HCM

__________________________________

Chúng tôi chấm điểm cộng những cá nhân thể hiện tinh thần dấn thân, ý chí rèn luyện bản thân để trường thành, thay vì một số ít bày tỏ đi vì sự tò mò, đi để biết, để bằng bạn bằng bè...

ThS ĐẶNG KIÊN CƯỜNG, 
Trưởng phòng Công tác sinh viênTrường ĐH Nông Lâm TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN TRÀ - PHONG ĐIỀN (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN