Những đứa trẻ "bỏ trốn" sau khai giảng

Câu chuyện được người dân than trên Facebook của chủ tịch UBND TP Tây Ninh và sau đó đã có cái kết có hậu.

Câu chuyện được biết đến vào cuối tháng 8-2015, một người dân ngụ phường 1, TP Tây Ninh vào Facebook của ông Trần Hữu Hậu, Chủ tịch UBND TP Tây Ninh, than thở rằng gần nhà chị có những đứa trẻ quanh quẩn ở lò gạch cũ không được đi học. Nhận phản ánh, ông chỉ đạo địa phương và phòng giáo dục đi kiểm tra. Sau đó ông lên Facebook phản hồi với người dân: Các em này theo cha mẹ từ địa phương khác chuyển tới, không có hộ khẩu, không có giấy tờ, không đăng ký tạm trú nên đã bị “bỏ lọt” trước thềm năm học mới. Địa phương sẽ khắc phục ngay sự cố này.

Thầy giáo Lê Hồng Ân (Trường THCS Phan Bội Châu kiêm nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng phường 1) nhận nhiệm vụ chở các em đến tham dự lễ khai giảng đầu tiên trong đời tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu. Nhưng đến buổi học sau hôm khai giảng, cô hiệu phó của trường như muốn khóc báo tin: “Nhà trường chưa kịp nắm tên, địa chỉ làm hồ sơ nhập học trễ cho các em thì các em lại trốn mất rồi”. Hôm khai giảng, sợ các em tủi thân, cô đã chuẩn bị sẵn tập vở, hai bộ quần áo tặng các em và dẫn các em vào xếp hàng dự lễ.

Thầy Ân cùng vài người đến lò gạch cũ ở phường tìm các em. Ba đứa trẻ lấm lem, nhút nhát nép mình trong cánh cửa nhìn khách rồi mắc cỡ chạy vào nhà (là hai gian nhà tạm của lò gạch) chơi với bầy mèo.

Những đứa trẻ "bỏ trốn" sau khai giảng - 1

Được cô giáo gần nhà tặng sách và dạy chữ, các em đã bập bẹ đánh vần được. Ảnh: HỒNG MINH

Cha mẹ của hai trong ba đứa trẻ cho biết đứa lớn nhất sinh năm 2006, đứa nhỏ sinh năm 2008, đều trễ tuổi đi học. Bé gái kia cũng trễ tuổi đi học, là con của anh chồng. Người mẹ nói: “Nói con của anh chồng tôi chứ nó lòng vòng lắm. Vợ ổng có con với người khác rồi bỏ cho ổng nuôi, rồi nó qua đây. Nó không có giấy khai sinh gì hết…”.

Năm ngoái, chị đã tìm đến một trường học nhưng vì không có đứa nào có đủ giấy tờ hồ sơ nên nhà trường bắt về làm giấy. Chị biết chữ bập bõm, chồng thì không biết chữ, cả hai đi làm lò gạch buổi đêm, ban ngày ở nhà ngủ hoặc đi lưới cá. Những đứa trẻ theo cha mẹ phiêu bạt nhiều nơi rồi “cắm” lại ở lò gạch hơn năm nay. Chị nói: “Thấy giấy tờ rắc rối quá mà chữ nghĩa mình không viết nên câu nên tôi… bỏ phế luôn”.

Hỏi chị bỏ phế như vậy, tương lai những đứa trẻ ra sao? Chị nói giận Nhà nước không quan tâm. Giận sao? “Tại hôm khai giảng nghe nhà trường thông báo đóng đâu mấy triệu đồng, trong khi thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng chỉ 6-7 triệu đồng nên nhiêu đó không đủ sống, nói chi đi học”. Một người trong đoàn nói: “Riêng trường hợp gia đình chị vì khó khăn khỏi phải đóng tiền học phí và các khoản khác. Thứ nữa, nhiều người làm được có 3-4 triệu đồng họ vẫn cho con đi học kia mà, chị phải ráng cho con đi học chứ”. Cả hai im lặng.

Giữa căn phòng tạm có nồi cơm cắm mấy cái muỗng, đũa cho bọn trẻ xúc ăn chung. Bầy mèo giỡn chơi với các em rồi đi đến nồi cơm ăn ké. Góc nhà, tủ lạnh và dàn karaoke sáng bóng. Phía sau lưng nhà là mấy lồng gà đá.

Cậu bé sinh năm 2008 đánh vần những chữ trên đĩa DVD để tìm đĩa karaoke mình thích. Cậu bé nói nhỏ vào tai thầy giáo: “Con thích đi học lắm, hôm đi khai giảng vui lắm. Con đánh vần được nhiều rồi đó. Có cô giáo nhà ở gần đây hay chỉ nên con biết chữ”.

Cô bé nằm dưới đất chơi với mèo con cũng thì thầm: “Con cũng muốn đến trường để có nhiều bạn chơi chung”.

Mấy bữa nay, thầy Ân phải chạy tới chạy lui kè lũ trẻ lò gạch ra lớp, hướng dẫn mẹ của các em đi làm hồ sơ và vận động các quỹ khuyến học giúp đỡ. Các em không theo học ở trường thầy Ân và thầy cũng không có nhiệm vụ “canh” các em này nhưng thầy lo lắng: “Mới đầu cũng buồn cha mẹ tụi nhỏ nhưng giờ không có thời gian đâu mà buồn nữa. Học trò của mình thì mình ráng lo chứ tụi nó bỏ học thì tội lắm”.

Facebook nóng của chủ tịch UBND TP Tây Ninh

- Ngày 10-8, anh Thanh Tâm (phường 3, TP Tây Ninh) báo cho Chủ tịch Hậu trên Facebook buổi sáng về trường hợp một bệnh nhân suy thận nghèo khổ, vợ vừa bỏ đi không ai chăm sóc hai đứa con nheo nhóc. Buổi chiều nhận được, ông Hậu phản hồi liền: “Tôi đã trao đổi và chủ tịch phường 3 đã kiểm tra. Gia đình anh A. đã được xét hộ nghèo và đang hưởng chế độ dành cho hộ nghèo. Phường đã biết về hoàn cảnh và đang tìm nguồn hỗ trợ”.

- Lễ Quốc khánh 2-9, anh Đại Kiết (TP Tây Ninh) viết: Trong khi cả nước hân hoan đón Quốc khánh thì đài phun nước trung tâm TP không hoạt động, quá im lìm, còn ngày thường không phun nước. Ông Trần Hữu Hậu phản hồi ngay: “Cám ơn Đại Kiết, Phó Chủ tịch UBND TP Tây Ninh đã trao đổi với Sở Văn hóa. Theo họ cho biết: Đài phun nước này được lập trình để hoạt động ba lần/ngày; mỗi lần hai giờ. Hôm nay cũng thế, bạn ạ”.

- Một người dân tên Huệ Lương: “Anh Hậu ơi. Hôm nay em đi với các cháu trên tuyến đường khu vực Trường Trần Hưng Đạo đèn tối lắm anh ơi”. Lời phản hồi sau đó: “Tôi sẽ trao đổi ngay với anh em chuyện này Huệ Lương nhé”. Một người dân khác comment vào: “Suốt ngày nhận được status: “Anh ơi” chắc anh mệt luôn á”. Ông Hậu hồi đáp: “Cơ bản là vui. Tất nhiên có khi cũng mệt vì... mình chưa trả lời thỏa đáng được cho bà con cô bác”.

Ngày 3-9, trả lời chị Hoài Vũ (phường 1, TP Tây Ninh, người đã đăng lên Facebook của mình về những đứa trẻ lò gạch), ông Trần Hũu Hậu, Chủ tịch UBND TP Tây Ninh, viết: “Hoài Vũ ơi, Chủ tịch phường 1 mới báo: Lãnh đạo Phòng GD&ĐT sau khi xin ý kiến và được lãnh đạo Sở GD&ĐT chấp thuận đã sắp xếp ba cháu vào học tại Trường Hoàng Diệu. Phường sẽ cử người đưa các cháu và gia đình đến trường làm thủ tục nhập học để các cháu có thể dự lễ khai giảng đầu đời vào sáng 5-9-2015. Có một cháu chưa có hộ khẩu, phường sẽ cùng gia đình làm các thủ tục để nhập hộ khẩu cho cháu. Cám ơn bạn đã cho chúng tôi biết về hoàn cảnh của những cháu này”.

Ngày 5-9, người dân có tên Hoài Vũ phản hồi: “Các bạn nhỏ ấy đã đi dự lễ khai giảng. Tôi thấy vui lắm. Cảm ơn rất nhiều”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN