Nhiều trường đại học giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp: Giảm cơ hội của thí sinh

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Điểm chuẩn theo phương thức thi tốt nghiệp THPT mấy năm gần đây luôn ở mức cao, tỉ lệ thuận với việc nhiều trường đại học (ĐH) giảm chỉ tiêu xét tuyển phương thức này, tăng chỉ tiêu xét tuyển chứng chỉ quốc tế…

Điểm chuẩn phương thức thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn rất cao dẫn đến hoài nghi về chất lượng đề thi, công tác tổ chức thi tại các địa phương. Thực tế, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng điểm chuẩn một số ngành tăng vọt là chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp còn rất ít; phần lớn chỉ tiêu đã được xét tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT/ACT), kết quả thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy… Nhiều ngành mỗi tổ hợp chỉ còn vài chỉ tiêu xét tuyển. Ví dụ, trừ ngành Sư phạm tiếng Anh, các ngành sư phạm ngôn ngữ khác của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ có 13 chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT với 4 tổ hợp. Như vậy, mỗi tổ hợp chỉ có 4 chỉ tiêu. Năm nay, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội được tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp ngành Báo chí là 64/160 với 4 tổ hợp xét tuyển. Phổ điểm tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) năm nay tăng cao nên với hơn chục chỉ tiêu, điểm chuẩn của ngành này ở trường giữ vị trí cao nhất, trên 29 điểm.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024, các trường ĐH sử dụng khoảng 20 phương thức tuyển sinh; có trường dùng tới 6-7 phương thức. Việc chia nhỏ chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển đã đẩy điểm chuẩn của tất cả các phương thức lên cao, nhất là với các trường tốp đầu.

Học phí lên đến hàng trăm triệu đồng

Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội nhận định, nhiều trường ĐH dành đa số chỉ tiêu xét điểm thi SAT, chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực vì các phương thức này đáp ứng 2 điều kiện cần và đủ là thí sinh đủ năng lực học ĐH và có tài chính để theo học, nhất là trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay. Các gia đình có điều kiện kinh tế mới cho con ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ, SAT/ACT hoặc thí sinh ở vùng có điều kiện mới tham gia thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Học giỏi nhưng con lo, mẹ lo

Trao đổi với phóng viên ngày 22/8, Bùi Khánh Nhi (tân học sinh lớp 10, Trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Em chỉ học ở trường, không có điều kiện học thêm. Mong ước của em là sẽ đỗ Trường ĐH Ngoại thương hoặc Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Nhưng những trường như vậy đang giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu xét tuyển chứng chỉ IELTS, SAT, nên em rất lo”.

Nỗi lo của Khánh Nhi cũng là nỗi trăn trở, thậm chí day dứt của mẹ nữ sinh này - chị Đỗ Thị Tuyết. Chị tâm sự: “Cháu Nhi rất ham học hỏi, điểm thi vừa rồi là cao nhất Trường THCS Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), nhưng nếu trường ĐH tập trung xét tuyển chứng chỉ quốc tế thì lo cháu vẫn trượt như thường. Nghe nói đi luyện, đi thi lấy mấy chứng chỉ đó vừa tốn thời gian, công sức vừa tốn tiền. Thời gian, công sức thì hai mẹ con bỏ ra được, nhưng tiền thì…”. Chị bỏ lửng nhưng cũng dễ đoán vì Khánh Nhi cho biết, cha em mất sớm, mẹ em chỉ là nhân viên khách sạn bình thường, làm chỉ đủ ăn.

Chị Nguyễn Thị Hào (thư ký tòa soạn báo điện tử VietNamNet) cho biết, con chị cũng rất muốn học lấy chứng chỉ IELTS, SAT để tăng cơ hội vào trường ĐH “hot”, nhưng vấn đề là một khóa học IELTS tại trung tâm thường có học phí từ 600.000 đồng tới 1 triệu đồng 1 buổi. Học offline cũng tốn khoảng 300.000-600.000 đồng/buổi và phải học vài khóa. Chưa kể lệ phí thi IELTS gần 4,7 triệu đồng. Học phí SAT cũng trên dưới 20 triệu đồng/90 giờ học. “Lo đóng học phí cho con học trường tư (Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội) đã chết mệt, còn lại bó tay toàn tập”, chị than.

Thái An

Ở Hà Nội, hầu như các trường THPT đều có lớp liên kết luyện IELTS cho học sinh. Năm học 2024-2025, Trường THPT Phan Đình Phùng có 5 lớp liên kết quốc tế với 4 lớp liên kết học SAT hoặc IELTS và 1 lớp học tiếng Nhật ngoại ngữ 2. Học phí với lớp học IELTS là 3,6 triệu đồng/tháng, học SAT là 4 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm học, để con có được chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên, SAT từ 1.200 trở lên, phụ huynh phải đóng học phí 108-120 triệu đồng. Mức chuẩn đầu ra mà nhà trường đưa ra mới chỉ ở ngưỡng tối thiểu để qua “sàn” nhận hồ sơ ở một số trường ĐH tốp đầu. Nếu muốn trúng tuyển, nhiều học sinh sẽ phải bỏ thêm kinh phí để học tiếp vì cơ hội trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là IELTS từ 6.5. Năm 2024, trường này có khoảng 2.000 thí sinh nộp chứng chỉ SAT và khoảng 700 thí sinh có điểm cao hơn 1.450. Điểm trúng tuyển ngành cao nhất là 1.540+ và thấp nhất là 1.310.

Như vậy, để đạt được cơ hội trúng tuyển bằng chứng chỉ, phụ huynh sẽ phải đóng học phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Nếu không có tiềm lực tài chính, chắc chắn phụ huynh sẽ không thể cùng con tham gia “đường đua” này. Học phí ĐH ngày càng tăng, nhất là các trường ĐH công lập tự chủ, học phí còn cao hơn trường ĐH ngoài công lập. Phụ huynh muốn con em được học những ngành hot, cơ hội việc làm cao, đồng nghĩa với việc học phí cao. Bởi thực tế, những ngành hot đều được các trường chuyển thành hệ chất lượng cao hoặc hệ tiên tiến.

Cơ hội nào cho thí sinh không có chứng chỉ quốc tế?

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, nếu các phương thức tuyển sinh đảm bảo công bằng, đề thi phân hóa rõ, việc điểm chuẩn cao sẽ không có gì bất thường. Nhưng nếu không đảm bảo công bằng, thí sinh vào ĐH bằng phương thức nào đó dễ dàng hơn, Bộ GD&ĐT sẽ phân tích kỹ.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT đã chỉ ra rằng, các phương thức tuyển sinh chưa đảm bảo sự công bằng nhất định; thí sinh được xét tuyển trúng tuyển sớm có lợi thế hơn so với thí sinh trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, nhóm thí sinh yếu thế (không có điều kiện để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ năng lực quốc tế, thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy) chỉ có 2 phương thức để xét tuyển là học bạ và thi tốt nghiệp THPT. Với cả hai phương thức này, điểm chuẩn luôn ở mức cao ngất ngưởng nên rất khó có cơ hội vào trường ĐH “hot” sau này có việc làm tốt.

Học sinh Bùi Khánh Nhi (bên phải) muốn trở thành sinh viên Trường ĐH Ngoại thương hoặc Trường ĐH Ngoại ngữ, nhưng gia đình không có tiền cho em đi học lấy chứng chỉ quốc tế. Ảnh: T.Tr

Học sinh Bùi Khánh Nhi (bên phải) muốn trở thành sinh viên Trường ĐH Ngoại thương hoặc Trường ĐH Ngoại ngữ, nhưng gia đình không có tiền cho em đi học lấy chứng chỉ quốc tế. Ảnh: T.Tr

Trước khi tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có đề xuất về việc yêu cầu các trường ĐH tăng tỉ lệ xét tuyển điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, đây là vấn đề tự chủ của các trường, nếu Bộ GD&ĐT không đưa ra được bằng chứng bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay thì không có cơ sở để yêu cầu điều chỉnh. Trả lời báo chí tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT, khẳng định, Bộ đã nhận thấy bất cập trong một số phương thức tuyển sinh sớm của các trường. Năm 2025, Bộ sẽ điều chỉnh Quy chế tuyển sinh cho phù hợp.

Nguồn: [Link nguồn]

Hơn 9,75 điểm/môn vẫn trượt; “lạm phát” điểm cao; mất công bằng trong xét tuyển ĐH…, là những bất cập của tuyển sinh năm nay. Giải pháp nào khắc phục những bất cập này? 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGHIÊM HUÊ ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN