Người thầy tật nguyền dạy ngoại ngữ cho trẻ vùng cao

Tay chống nạng gỗ, tay rướn người cẩn thận nắn nót từng con chữ cho học sinh, một ngày làm việc của thầy giáo miền non cao Hà Văn Đồng (SN 1958,tại xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cứ đều đặn như vậy đã hơn chục năm qua.

Với nghị lực của người cựu chiến binh “tàn nhưng không phế”, thầy Đồng đã mở lớp học ngoại ngữ miễn phí, không phân biệt độ tuổi trong ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 15 m2 của mình.

Khi đến thăm lớp học "đặc biệt" này, chúng tôi nhận thấy trong lớp học có hơn 20 học sinh, ở các lứa tuổi khác nhau, ngồi học quanh chiếc giường, bàn ghế…đang được người thầy tật nguyền dạy học chữ. Thấy có khách lạ, thầy Đồng cho học sinh nghỉ giải lao và trò chuyện với chúng tôi.

Người thầy tật nguyền dạy ngoại ngữ cho trẻ vùng cao - 1

Thầy Hà Văn Đồng hàng ngày vẫn miệt mài dạy học cho học sinh trong căn nhà nhỏ của mình

Thầy tâm sự: “Vốn tôi sinh ra là đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh như những đứa trẻ cùng trang lứa. Khi học hết văn hóa 10/10, năm 1976, tôi lên đường nhập ngũ và được đơn vị cử đi học tiếng Trung tại Xuân Mai. Hơn 3 năm sau đó trở về công tác trong lực lượng biên phòng huyện Bảo Lạc, Cao Bằng”.

Nhưng sau trận ốm nặng, thầy Đồng bắt đầu bị đau lưng rồi đau dây thần kinh tọa kéo dài xuống đến hông. Đôi chân thoăn thoát của anh ngày nào đã bị teo đi chân trái, không cúi đầu xuống được cũng như đi lại rất khó khăn

Rời quân ngũ trở về với quê hương với thân thể không còn lành lặn, gia đình đã đưa anh chạy chữa bao nhiêu thầy lang, bệnh viện nhưng bệnh tình cũng không thuyên giảm.

Thời điểm đó, thầy Đồng phải bò lê khi di chuyển, bố mẹ đặt đâu ngồi đấy không khác gì pho tượng Nỗi đau chồng lên nỗi đau khi người em trai của anh khi đi kiếm củi đã dẫm phải mìn còn sót lại từ thời chiến tranh cũng bị tàn tật.

Người thầy tật nguyền dạy ngoại ngữ cho trẻ vùng cao - 2

Mọi nơi trong nhà đều trở thành bàn học của học sinh.

Gần 10 năm, cảnh cha mẹ già phải lo từng bữa cơm, cháo và mọi sinh hoạt cho anh khiến cho thầy Đồng tưởng như rơi vào hố sâu tuyệt vọng của số phận. Nhưng với ý chí của người cựu chiến binh "tàn nhưng không phế", anh Đồng muốn làm những việc có ích cho cuộc đời.

Thấy trẻ em tại địa phương luôn thiếu thốn các hoạt động vui chơi bổ ích trong dịp nghỉ hè mà nghịch ngợm những trò nguy hiểm, anh Đồng quyết định mở lớp dạy cho bọn trẻ.

Với chút vốn liếng ngoại ngữ ngày trước anh học trong quân ngũ, anh Đồng hướng dẫn và dạy một số em học sinh trong cảnh thiếu thốn sách vở, tài liệu giảng dạy ở ngay tại ngôi nhà nhỏ.

Với sự chỉ dạy tận tình của thầy Đồng, nhiều em học sinh chỉ trong thời gian ngắn đã biết đọc, biết tiếng Trung. Thấy vậy, nhiều bậc phụ huynh trong và ngoài xã Sóc Hà cũng dẫn con đến nhà thầy Đồng xin được “tầm sư học đạo”.

Dù thầy Đồng chưa qua một trường lớp đào tạo bài bản nào về nghiệp vụ sư phạm, nhưng cách giảng dạy và sách vở hướng dẫn các em học đều theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho các em nhỏ được bổ trợ thêm kiến thức.

Thầy Đồng chia sẻ: “Từ khi mở lớp học đến nay với bao thế hệ học sinh, nhưng chưa một lần thầy nhận thù lao từ các em. Nhiều người nghe danh thầy đã lâu, dù đường xá xa xôi vẫn muốn được làm học trò của thầy Đồng để “trau dồi thêm kiến thức”. Điều đó dường như đã là nguồn động viên quý giá nhất”.

Khi chúng tôi hỏi về số lượng học sinh học ngoại ngữ với thầy đã thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ thầy Đồng vui vẻ nói: “Từ ngày mở lớp đến nay đã có hơn 100 em thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ khoa tiếng Trung trên khắp cả nước. Với mình đó là nguồn động viên lớn lao nhất để tiếp tục hành trình nâng bước trí thức cho học sinh nghèo vùng cao này”.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hiện nay sức khỏe thầy Đồng cũng không được như trước nên không thể dạy một ngày liên tục nhiều ca như trước nhưng khi còn gắng thì thầy vẫn miệt mài dạy hết lòng vì lũ trẻ bởi nhìn vào ánh mắt những đứa trẻ khát khao được học chữ thầy Đồng lại cảm thấy mình có trách nhiệm nặng nề hơn bội phần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Ân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN