Ngổn ngang bậc học mầm non

Nhu cầu thì nhiều nhưng các trường mầm non, cả công lập lẫn tư thục, không đủ đáp ứng, chưa kể tình trạng thiếu giáo viên, không bảo đảm cơ sở vật chất, chưa dẹp được triệt để các cơ sở trái phép…

Ngày 13/1, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải đã có buổi làm việc với 2 huyện Bình Chánh, Nhà Bè về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và xây dựng, phát triển, quản lý trường mầm non.

Thiếu đủ thứ

Theo Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Thái Hồng Mai, huyện có 39 trường mầm non và 101 nhóm, lớp ngoài công lập. Mỗi xã đều có ít nhất 1 trường mầm non công lập, đa số đều được đầu tư cải tạo, mở rộng hằng năm và môi trường sư phạm ngày càng được cải thiện, bảo đảm cho học sinh học 2 buổi/ngày.

Ngổn ngang bậc học mầm non - 1

Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng lãnh đạo huyện Bình Chánh tại buổi làm việc

Tuy nhiên, khó khăn của Bình Chánh là thiếu giáo viên (GV). Các trường phải hợp đồng với 166 bảo mẫu để thay cho số GV còn thiếu. Một trở ngại khác là 13 dự án xây trường mầm non đang triển khai trong tình trạng thiếu vốn.

Huyện Nhà Bè cũng trong tình trạng như trên. “Nhà Bè có 8 trường mầm non công lập, 32 cơ sở giáo dục mầm non tư thục với 179 lớp và 5.275 học sinh nhưng chỉ có 296 GV, thiếu 58 người. Chúng tôi cũng phải hợp đồng với bảo mẫu để thay số GV còn thiếu” - ông Trần Tấn Quý, Phó Bí thư Huyện ủy Nhà Bè, cho biết.

Theo ông Quý, thời gian tới, huyện phải bổ sung 298 lớp, tương đương xây mới 20 trường mầm non. Tuy nhiên, huyện xác định được danh mục đầu tư và nâng cấp giai đoạn 2013-2015 chỉ có 8 công trình, trong đó 1 vừa hoàn thành vào tháng 13-2013, 3 đã khởi công và 4 công trình chuẩn bị đầu tư.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhìn nhận không riêng gì ở Bình Chánh và Nhà Bè, lực lượng GV mầm non không đáp ứng được yêu cầu dù đã mở rộng tuyển người có hộ khẩu ngoài thành phố.

Trước những vấn đề trên, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải khẳng định gốc của vấn đề là cái tâm của đội ngũ GV và đạo đức bảo mẫu. Không chỉ có GV và cơ sở vật chất là được. Rõ ràng nhất là sự việc ở quận Thủ Đức mới đây. Cơ sở mầm non tư thục Phương Anh cũng khang trang, GV và bảo mẫu có trình độ hẳn hoi nhưng chuyện đau lòng vẫn xảy ra.

Với 13 dự án xây trường mầm non của Bình Chánh đang thiếu vốn, ông Lê Thanh Hải cho biết sẽ giải quyết theo hướng vay vốn kích cầu với lãi suất 0%. “Nếu khả năng có vốn đến đâu thì làm cuốn chiếu đến đó để có trường lớp cho các cháu học chứ không chờ đợi” - ông Lê Thanh Hải Hải nhấn mạnh.

Nhiều cơ sở không phép

Một lo ngại nữa là ở các quận - huyện còn tồn tại nhiều cơ sở mầm non không phép. Chính quyền huyện Nhà Bè đã phát hiện 18 điểm giữ trẻ không phép với quy mô ít nhất 1 trẻ, nhiều nhất là 7 trẻ. Thời gian qua, UBND các xã, thị trấn chỉ giải tán 6 nhóm trẻ tự phát, không phép, yêu cầu ngưng hoạt động 3 nhóm trẻ gia đình và giải thể một cơ sở giáo dục mầm non do hoạt động không bảo đảm chất lượng.

Trong khi đó, huyện Bình Chánh có 52 cơ sở, trường mầm non hoạt động không phép với 99 lớp và 2.056 học sinh; tập trung ở 10 xã, nhiều nhất là Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Đáng băn khoăn hơn là đội ngũ nhân lực để phụ trách chỉ có 115 GV, công nhân viên và 135 bảo mẫu. Mặt khác, trình độ cũng là điều đáng báo động khi chỉ có 13/52 chủ cơ sở học lớp quản lý.

“Tổng số học phí và tiền ăn là 700.000 - 800.000 đồng/tháng/trẻ, thời gian gửi từ thứ hai đến thứ bảy, giữ trẻ từ 6 giờ đến 18-19 giờ. Đây là điều thuận lợi cho phụ huynh, nhất là công nhân” - bà Thái Hồng Mai nhận xét.

Một thực tế được ông Lê Văn Hòa, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, đặt ra là đa số chủ cơ sở không phép là người ở tỉnh vào tạm trú, thuê nhà để giữ trẻ nên họ không thể thay đổi kết cấu cơ sở cho bảo đảm vệ sinh hay tiêu chuẩn phòng ốc. Chủ nhà không đồng ý thì họ cũng chịu.

“Tốc độ nhập cư của huyện quá lớn. Họ đã góp phần vào tăng trưởng của thành phố mà mình không có trách nhiệm gì với họ là không được. Do vậy, hướng giải quyết 52 cơ sở không phép của huyện là phân loại: 13 tương đối đủ điều kiện, 22 có triển vọng và 17 cơ sở không đủ điều kiện. Với những cơ sở đủ điều kiện và có triển vọng, huyện sẽ hỗ trợ để cấp phép; còn 17 cơ sở không đủ điều kiện thì sẽ đóng cửa, không cho hoạt động” - ông Hòa quả quyết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Rảnh, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, cho rằng giải tán cũng không giải quyết được gì vì thực tế, nhu cầu đòi hỏi những nhà trẻ mầm non giá mềm, thời gian linh hoạt cao. “Nếu có thể bằng con đường ngân sách thành phố để họ sửa chữa những cơ sở này thì tốt” - ông kiến nghị.

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM Trần Trung Dũng khẳng định cơ sở công lập chỉ giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên nhưng nhu cầu gửi trẻ dưới 18 tháng của người lao động rất nhiều. Người lao động nghỉ thai sản chỉ 6 tháng nên thành phố không thể bỏ qua nhóm trẻ này.

Để giải quyết, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho rằng các quận - huyện làm đề xuất để thành phố cho vay. Nếu cho vay không lãi suất để sửa cơ sở giữ trẻ theo yêu cầu, các quận - huyện nên có ý kiến xác nhận cho vay tín chấp, giải quyết ngay những khó khăn hiện hữu để có các nhóm trẻ bảo đảm tiêu chuẩn.

Chăm lo mầm non: “Không đâu tốt như nước ta!”

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Nguyễn Tiến Đạt nhận xét như vậy tại buổi làm việc với huyện Bình Chánh. Theo ông Đạt, các nước phát triển không có trường công lập cho trẻ em dưới 3 tuổi, trong khi gửi ở trường tư thục giá rất cao.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hòa cho rằng trường công hiện không đáp ứng được nhu cầu, ngoài công lập thì cũng chỉ đảm đương hơn 50% học sinh. Theo ông Trần Tấn Quý, mầm non tư thục có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Anh (Người lao động)
Tuyển sinh mầm non 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN