Nghiên cứu của ĐH Harvard: Bước ngoặt năm lớp 4 quyết định trẻ học giỏi hay kém

Sự kiện: Dạy con

Thông qua nghiên cứu, các nhà tâm lý học Harvard phát hiện ra việc sụt giảm điểm số của học sinh nằm ở khả năng đọc hiểu.

Các nhà tâm lý học tại Đại học Harvard đã phát hiện ra một hiện tượng kỳ lạ: “Từ mẫu giáo đến tiểu học, trong 3 năm đầu, khả năng và tốc độ đọc của học sinh liên tục được cải thiện. Tuy nhiên, điều này đột ngột dừng lại ở lớp 4. Điểm số của một số học sinh không tăng mà còn giảm, việc hứng thú đọc sách cũng giảm dần”.

Nguyên nhân điều này có thể là do chương trình giáo dục từ mẫu giáo tới lớp 3, nội dung chính giảng dạy đều liên quan tới cách phát âm, nhận dạng từ mới và cách viết chữ.

Tuy nhiên, bắt đầu từ lớp 4 trở đi, nội dung giảng dạy bắt đầu đòi hỏi học sinh phải nâng cao từ khả năng đọc hiểu cho tới việc tư duy nhiều vấn đề xung quanh. Nói một cách đơn giản là học sinh cần sử dụng việc đọc để suy nghĩ và học hỏi cái mới.

Ở lớp 1, 2, 3 vì nội dung học còn tương đối đơn giản, vốn từ vựng ít, chỉ cần học thuộc lòng nên các kỳ thi không quá khó. Tuy nhiên, bước ngoặt khi lên lớp 3, lượng từ mới tăng rõ rệt, học sinh phải đọc những bài văn dài và phức tạp, yêu cầu về đọc hiểu trong các câu hỏi luyện tập tăng lên, lúc này các vấn đề về vốn từ và khả năng đọc cực kỳ quan trọng.

Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh, nếu không có năng lực đọc ở các lớp dưới, sau khi lên lớp 4 sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc học. Nếu lớp 4 mà trẻ không thể đọc viết thông thạo, điểm số của chúng sẽ tụt dốc, khó theo kịp tốc độ học bình thường.

Nghiên cứu của ĐH Harvard: Bước ngoặt năm lớp 4 quyết định trẻ học giỏi hay kém - 1

Mariana Wolf, giáo sư tâm lý học tại Đại học Tufts, Mỹ cho biết: “Lớp 4 là giai đoạn quan trọng giữa việc ‘học đọc’ và ‘học để suy nghĩ, tiếp thu cái mới’”.

Khi lên lớp 4, trẻ cần học cách phân tích đặc điểm tính cách của các nhân vật, diễn biến thăng trầm của câu chuyện, sự thật đằng sau câu chuyện, thậm chí giáo viên sẽ yêu cầu trẻ bắt chước hoặc kể lại câu chuyện theo cách của riêng mình.

Đối với môn Toán học, trước năm lớp 4, trẻ có thể tính toán theo các công thức đơn giản. Nhưng từ năm lớp 4 trở đi, môn Toán trở nên phức tạp và khó hơn, đòi hỏi trẻ phải tư duy và suy nghĩ.

Áp dụng “hiệu ứng Matthew” trong việc đọc, người đọc giỏi ngày càng giỏi, người lười đọc ngày càng kém đi.

Khả năng đọc chậm gây ra sự tiêu cực trong nhận thức, hành vi và động cơ của trẻ. Nó cản trở sự phát triển năng lực học tập và khả năng nhận thức của trẻ, đồng thời ảnh hưởng đến kết quả học tập. Trạng thái này càng kéo dài thì trẻ càng sa sút.

Đọc sách giống như một cái thang, nếu từng nấc thang được xây dựng chắc chắn thì bạn càng bước lên cao hơn. Nếu trẻ có khả năng đọc kém, điểm số của chúng sẽ giảm sút và gặp nhiều khó khăn khi học các kỹ năng khác, khó tiến bộ được.

Ảnh hưởng mạnh mẽ của việc đọc sách thể hiện rõ ở lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở và mọi giai đoạn sau này. Theo quy luật phát triển của não bộ, trước 12 tuổi không chỉ là giai đoạn quan trọng để nâng cao khả năng đọc mà còn là cơ hội cuối cùng để não bộ phát triển tốt nhất.

Càng đọc nhiều não bộ của trẻ càng phát triển mạnh mẽ

Sau khi nhà khoa học Albert Einstein qua đời, bộ não của ông được mang đi nghiên cứu. Người ta phát hiện ra rằng, não của ông lớn hơn 15% so với người khác ở phần tiếp giáp của thùy đỉnh và thùy thái dương. Đồng thời các tế bào não của ông cũng nhiều hơn những người khác.

Einstein đã đọc hơn 30.000 cuốn sách khi còn sống. Khi còn học tại Đại học Zurich (Thuỵ Sĩ), ông đã viết trong một bức thư gửi cho em gái mình rằng: “Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, bên cạnh niềm vui đọc sách, anh không bao giờ cho phép bản thân để lãng phí một giây vào việc giải trí’”.

Nghiên cứu của ĐH Harvard: Bước ngoặt năm lớp 4 quyết định trẻ học giỏi hay kém - 2

Tuy nhiên, việc yêu thích đọc sách không phải bẩm sinh, nếu bộ não trẻ em không được can thiệp và rèn luyện, khả năng kích hoạt và tích hợp của vùng đọc gần như bằng 0.

Một bộ não xuất sắc cần hơn 10 năm đọc sách liên tục. Và để nắm bắt được giai đoạn vàng của nhận thức não bộ này, việc trau dồi ngôn từ trong giai đoạn quan trọng từ sơ sinh đến lớp 4 tiểu học là rất quan trọng.

Đọc sách có ý nghĩa to lớn và cha mẹ biết rõ điều đó. Tuy nhiên, trẻ em trong thời đại tuy có nhiều nguồn sách đa dạng nhưng lại ít kiên nhẫn để học.

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã làm cho Internet, sách điện tử và các video ngắn được phổ biến rộng rãi hơn, cách tiếp cận thông tin đơn giản và nhanh chóng này ngày càng trở nên phổ biến ở trẻ em.

Tất cả các tác phẩm kinh điển, cổ điển đều được dựng thành video nhỏ và truyện tranh có cả hình ảnh và âm thanh, trông sinh động và thú vị, nội dung sách rất dễ hiểu, kích thích tiết nhiều dopamine nên khiến trẻ em thích thú hơn.

Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng ở Cincinnati, Ohio, Mỹ đã tiến hành nghiên cứu trên 47 trẻ nhỏ, đếm thời gian sử dụng thiết bị điện tử và sau đó quét não. Kết quả được công bố trên Tạp chí y khoa JAMA Paediatrics rằng: “Trẻ nhỏ dành nhiều thời gian hơn để xem điện thoại, máy tính bảng hoặc tivi có chất trắng ít hơn trong não, điểm số các bài kiểm tra đọc viết cũng kém hơn”.

Vì chất trắng là đường dẫn truyền toàn bộ dây thần kinh để não truyền thông tin, nếu chất myelin trong đó bị mất đi thì thông tin truyền đi sẽ chậm, phần não này chủ yếu kiểm soát khả năng ngôn ngữ, có thể ảnh hưởng đến khả năng nói, tư duy, đọc hiểu của trẻ.

Tiến sĩ John Hutton, bác sĩ tham gia nghiên cứu chỉ ra rằng: "Trẻ em nhìn vào điện thoại di động hoặc máy tính bảng trong thời gian dài sẽ có những thay đổi về cấu trúc não, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng nói và đọc”.

Việc não bộ không tiếp nhận thông tin bằng đường tắt trong thời gian dài khiến não bộ của trẻ thoái hóa thành “bộ não video” ở giai đoạn mà khả năng tư duy tích cực có thể được cải thiện nhiều nhất. Càng quen với việc tiếp nhận thông tin nhanh qua video, trẻ càng thiếu kiên nhẫn khi cầm sách giấy lên. 

Nguồn: [Link nguồn]

Nỗi buồn của người mẹ hết lòng vì gia đình nhưng không được con cái ghi nhận

Đối với những người mẹ ở nhà toàn thời gian, họ đã hy sinh và đóng góp rất nhiều cho gia đình nhưng đôi khi lại không được chồng con coi trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THUỲ LINH (Theo Sohu) ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN