Nghịch lý: GV Sử dạy Hóa, GV Văn dạy Sinh
Tỉ lệ giáo viên/lớp vượt khung quy định nhưng cơ cấu thiếu hợp lý khi số thầy cô dạy xã hội quá nhiều, các môn tự nhiên lại quá ít người dạy khiến Trường THCS Địch Quả (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) buộc phải điều giáo viên dạy Sử dạy sang Hóa, giáo viên Văn dạy Sinh...
Cô khổ, phụ huynh lo lắng
Theo quy định của Bộ GD-ĐT năm 2004, định mức biên chế giáo viên (GV)/lớp là 1,9. Tỉ lệ này của Trường THCS Địch Quả, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ là 2,2. Song cơ cấu GV của trường lại mất cân đối khi số GV dạy các bộ môn xã hội quá nhiều, còn số dạy các môn tự nhiên quá ít.
Với 13 lớp, trường có 29 GV (không tính cán bộ quản lí). 9 trong số này là GV Văn, Sử: 3, GDCD: 3. Trong khi đó, các môn Hóa, Sinh, Kĩ thuật công nghiệp, Kĩ thuật công nghiệp lại không có GV nào.
Do thiếu GV dạy các môn tự nhiên nên các thầy cô của trường thường phải dạy thêm các môn không phải chuyên ngành được đào tạo, ví dụ: GV Toán dạy thêm Lí và ngược lại để đảm bảo đủ định mức 18 tiết/tuần.
Đáng lo ngại hơn là cách “vá” lỗ hổng theo kiểu “cực chẳng đã” của trường khi cho GV dạy Sử dạy thêm Hóa, GV Văn, Sử, Tin dạy Sinh học, Kĩ thuật công nghiệp, Kĩ thuật nông nghiệp.
Cô Lục Thủy Yến, GV dạy Sử của Trường THCS Địch Quả (Thanh Sơn, Phú Thọ) buộc phải dạy trái ban sang môn Hóa khi trường thiếu giáo viên. Ảnh: Văn Chung
Vất vả hơn cả là cô Lục Thủy Yến, GV dạy Sử phải dạy thêm 4 tiết Hóa/tuần cho học sinh lớp 8. Cô tâm sự: “Vì là GV trẻ lại được chỉ định nên mình đành nhận. Biết trước là khó khăn, mình cũng xác định phải hy sinh, mỗi ngày dành thêm 1-2 tiếng chuẩn bị bài giảng”.
Được nhà trường, đặc biệt là cô hiệu phó Dương Thị Phúc cũng là GV dạy Hóa hỗ trợ nhưng như cô Yến thẳng thắn: “Nhiều khi trò hỏi khó, cô phải khất “để cô đi hỏi”. Vì dạy trái môn nên chất lượng không thể bằng các thầy cô dạy chính được. Cố gắng để dạy đạt yêu cầu đã là khó khăn rồi”.
Một học sinh lớp 8 của trường cho biết: “Suốt 1 năm qua cô gần như không làm thí nghiệm nào dù chúng em muốn được thực hành”.
Nhiều phụ huynh khá bức xúc khi nhận thông tin này.
“Lớp 8 là thời gian học sinh bắt đầu làm quen với môn Hóa, đáng ra cần thầy cô dạy thật tốt để hướng dẫn trò. Việc thiếu GV các bộ môn phụ huynh đã lo lắng nhưng riêng môn Hóa làm vậy có thể dẫn đến việc trò mất gốc, rất nguy hiểm. Gần 100 em của lớp 8 chuẩn bị lên lớp 9 đứng trước nguy cơ rỗng kiến thức” – Chủ tịch UBND xã Địch Quả Trần Văn Tình lo lắng. Bản thân anh Tình cũng có con đang theo học lớp 8 tại trường.
Không còn cách khác?
Hiệu phó nhà trường Nguyễn Thị Thu cho hay: “Bước sang năm học 2012-2013 trường bỗng hụt 2 GV dạy Sinh và Hóa khi nhận quyết định điều chuyển. Đây là 2 GV dạy rất tốt. Nhưng khi chuyển đi, trường chưa nhận được GV mới về thay thế các cô.
Chủ tịch UBND xã Địch Quả Trần Văn Tình bức xúc trước thực tế gần 100 em của lớp 8 chuẩn bị lên lớp 9 đứng trước nguy cơ rỗng kiến thức môn Hóa. Ảnh: Văn Chung
Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm trường đã có báo cáo gửi Phòng GD-ĐT và huyện Thanh Sơn. Gần 1 năm học đã trôi qua chúng tôi vẫn phải vừa dạy vừa đợi chờ công tác điều động GV của phòng và huyện”.
Đối chiếu với định mức biên chế 1,9GV/lớp đối với các trường THCS, các cơ sở giáo dục thuộc Phòng GD-ĐT Thanh Sơn quản lí tỷ lệ này đều vượt, ở mức từ 2,2 đến 2,7 (tỉ lệ trung bình đạt 2,5GV/lớp).
Nguyên nhân dẫn tới sự mất cân đối GV ở các bộ môn theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thanh Sơn Bùi Hữu Khánh: “Trước đây mình tập trung đào tạo quá nhiều GV ngành xã hội rồi đưa về các trường. Hiện còn nhiều thầy cô chưa nghỉ hưu. Riêng Thanh Sơn đang thừa 40 GV Văn.
Thêm lí do các môn khối xã hội ít tiết và thừa người nên sẽ bị lấn sang GV khác. Tình trạng GV dạy Văn phải kiêm nghiệm dạy Sử, GDCD, Địa,…không thể tránh khỏi. Khi GV dạy tự nhiên còn thiếu thì GV Lý cũng phải kiêm nghiệm dạy Hóa, Sinh và ngược lại”.
Cũng theo ông Khánh việc thiếu giáo viên bộ môn còn xảy ra với những trường ít lớp vì “nếu chỉ có 5 lớp và một số môn chỉ 4-5 tiết/tuần thì không thể đáp ứng đủ số giáo viên ở mỗi môn. GV phải kiêm nghiệm”.
Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thanh Sơn Đỗ Mạnh Huyên bổ sung: “Thực tế, biên chế tỉnh giao cho huyện đã hết nên việc điều tiết cán bộ dù địa phương có cố gắng để tránh mất cân đối GV các bộ môn nhưng không thể triệt để.
Với riêng trường hợp của THCS Địch Quả. Đây là vùng ATK, nhận nhiều chính sách ưu tiên. GV nếu đủ công tác (3 năm với nữ, 5 năm với nam) họ có quyền chuyển đi nơi khác dẫn tới GV phải dạy trái ban là không mong muốn nhưng trước mắt đành phải làm vậy”.