Nghịch lý điểm cao vẫn trượt đại học

Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh ở các thành phố đạt điểm cao trượt vào các trường top đầu. Nguyên nhân là do chế độ làm tròn điểm, ưu tiên, cộng điểm khiến những thí sinh dù điểm cao hơn nhưng vẫn “ngã ngựa” so với các thí sinh có điểm thi thấp hơn.

Nghịch lý điểm cao vẫn trượt đại học - 1

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 chứng kiến nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn bị trượt. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nhiều điểm cao nên có tiêu chí phụ

Hiện tại, các trường đại học trên phạm vi cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2017. Điều dễ dàng nhận thấy là mức điểm chuẩn năm nay đều tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều trường “top trên” có mức điểm chuẩn tăng tới 3-4 điểm so với các năm trước. Điều này thực sự gây khó khăn cho các thí sinh trong việc đăng kí xét tuyển.

Năm nay, Học viện An ninh đã phát huy “truyền thống” với mức điểm chuẩn tăng vọt khi ngành Ngôn ngữ Anh (D01) lên tới 30,5 điểm, mức điểm chuẩn cao nhất trong nhóm các trường đại học tính đến thời điểm hiện tại. Điểm chuẩn của khối ngành Trinh sát (nữ) cũng rất cao, 29,75, các thí sinh phải có điểm ưu tiên mới có thể đậu. Để thấy được sự khốc liệt trong cuộc đua tại các trường Công an, ở một mức điểm dù 29 hay 30,5 điểm cũng chỉ vài thí sinh được chọn trong tổng số nhiều thí sinh cùng mức điểm. Tiêu chí phụ, điểm cộng khiến nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn phải rời cuộc đua.

Tại trường đại học có điểm chuẩn top đầu cả nước là ĐH Y Hà Nội, có thí sinh được cộng tới 6,5 điểm ưu tiên (3,5 điểm ưu tiên khu vực 1 và 2 điểm dân tộc cùng 3 điểm khuyến khích đạt giải quốc gia). Chứng kiến bảng danh sách trúng tuyển, không khỏi “sốc” bởi trong số nhiều thí sinh trúng tuyển đều được cộng 3,5 điểm, trong khi có khá ít thí sinh khu vực 3 (không được cộng điểm) trúng tuyển. Trường hợp của thí sinh Nguyễn Phùng Hưng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một ví dụ, dù được tới 29,25 điểm và đủ điểm chuẩn nhưng vẫn trượt vì tiêu chí phụ.

Thí sinh Nguyễn Phùng Hưng chia sẻ: “Kỳ thi năm nay, có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao, buộc các trường phải đưa ra các tiêu chí phụ để xét tuyển. Chính vì vậy, không ít thí sinh, mặc dù đủ điểm nhưng không đạt yêu cầu ở các tiêu chí phụ, nên đã không đỗ, thực tế là không chỉ em mà nhiều bạn điểm rất cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1. Theo em, điểm cộng vẫn nên có, bởi còn nhiều gia đình khó khăn, ở vùng sâu vùng xa… Tuy nhiên, độ chênh lệch giáo dục vùng miền đã giảm so với trước. Nên giảm điểm ưu tiên một nửa so với trước đây là hợp lý. Còn việc cộng điểm ở tiêu chí phụ như ở Trường ĐH Y Hà Nội là không công bằng đối với em”.

Nhiều hạn chế từ làm tròn, cộng điểm

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn, ở kỳ tuyển sinh năm nay, việc cộng điểm ưu tiên có công bằng(?), khi trong kỳ thi các thí sinh cạnh tranh nhau từ 0,25 điểm. Chuyện cộng điểm cũng tạo ra rất nhiều tranh luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là ở các hội, nhóm ôn thi THPT. Khá nhiều thí sinh kể về chuyện mình được điểm cao, song không đỗ vì xét về điểm thi vẫn đủ điểm chuẩn nhưng lại bị đánh bật khỏi danh sách trúng tuyển chỉ vì những thí sinh khác được cộng điểm.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Trong quy chế tuyển sinh ĐH đã quy định rõ các đối tượng ưu tiên theo khu vực. Theo đó, thí sinh thuộc KV2 có điểm ưu tiên là 0,5, KV2- nông thôn được cộng 1 điểm, KV1 được cộng 1,5 điểm. Nếu có thay đổi thì mức độ cộng điểm ưu tiên nên giảm nhẹ. Những em ở vùng sâu, vùng xa điều kiện học tập khó khăn, nên việc cộng điểm là cách để cho các em ấy có cơ hội được đi học đại học và thể hiện sự công bằng”.

Ngoài cộng điểm và tiêu chí phụ, việc làm tròn điểm thi cũng rất “khác lạ” cũng khiến nhiều thí sinh đủ điểm mà bỗng dưng bị trượt. Không chỉ thí sinh Nguyễn Phùng Hưng nêu trên bị “ấm ức”, đã có thêm thí sinh tại TP.HCM có tổng điểm thi 3 môn đạt 29,35 điểm (Toán 9,6; Hóa 9,75; Sinh 10). Tuy nhiên, theo quy định làm tròn điểm số đến mức 0,25 của Bộ GD&ĐT, tổng điểm thi của thí sinh này còn 29,25 điểm. Trong khi đó, một thí sinh khác được 25,7 nhưng có tên trong danh sách đỗ vì được cộng thêm 0,05 điểm để làm tròn thành 25,75 và cộng 3,5 điểm ưu tiên.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục, kỳ tuyển sinh đại học năm nay từ việc quá nhiều thí sinh đạt điểm cao, dẫn đến mỗi trường đưa ra tiêu chí phụ khác nhau, không phải tất cả phụ huynh và thí sinh có thể tiếp cận được thông tin tiêu chí của các trường. Điều này, khiến cho nhiều thí sinh gặp lúng túng với các tiêu chí phụ của nhiều trường, dẫn đến căng thẳng trong xét tuyển, ấm ức, bất bình khi biết kết quả. Do đó, Bộ GD&Đ nên đề ra nguyên tắc nhất định để các trường đưa ra tiêu chí phụ nhằm tránh tình trạng cùng một nhóm ngành đào tạo ở các trường lại có tiêu chí phụ khác biệt.

Bộ GD&ĐT cho biết, thống kê tuyển sinh ngày 1/8 cho thấy, ngay trong đợt 1 xét tuyển ĐH chính quy đã có tới 170 trường tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên đã có 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh). Sau khi kết thúc xét tuyển đợt I, các đợt xét tuyển bổ sung sẽ được thực hiện từ sau 13/8. Thời gian cụ thể của các đợt xét tuyển bổ sung sẽ do các trường quy định.

Lạng Sơn: Sơ suất trong quá trình làm hồ sơ, nam sinh mất cơ hội vào đại học

Đó là câu chuyện rơi nước mắt của nam sinh Nguyễn Trường Nam (SN 1999, dân tộc Nùng, tại huyện Chi Lăng, Tỉnh Lạng Sơn).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Điểm chuẩn đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN