Mong manh tìm chữ

Theo ngành giáo dục ĐBSCL, năm học 2012 - 2013, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm nhiều so với các năm học trước. Tuy nhiên, từ sau khi kết thúc học kỳ 1, nhất là sau kỳ nghỉ tết đến nay, cả vùng đã có trên 1.000 học sinh bỏ học hoặc nghỉ không phép mà nguyên nhân chính do bươn chải sinh nhai hoặc học lực kém...

Giã từ áo trắng...

Tuyến Mương Bảy bên ngoài con đê phòng hộ thuộc ấp Vĩnh Mới (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) có khá đông trẻ em trong độ tuổi thất học hoặc dở dang việc học khi chưa hết bậc tiểu học. Cư dân sống ngoài đê, không đất canh tác, sống nhờ lượm mót tài nguyên rừng, biển. Gia đình ông Tô Văn Nghiệp (64 tuổi), sinh sống ở đây đã lâu, có tổng cộng 8 đứa con (2 gái, 6 trai) nhưng học cao nhất chỉ có chị Tô Tú Quyên, con gái lớn của ông, học hết lớp 1. Những người còn lại muốn đặt bút viết cái tên của mình phải đắn đo suy nghĩ, nhớ đường, nhớ nét. Ông Nghiệp có cả thảy 10 đứa cháu nhưng chỉ có 3 đứa còn đi học (cấp tiểu học). Sau Tết Quý Tỵ vừa rồi, thêm đứa cháu ngoại của ông (Nguyễn Văn Khôi) bỏ học khi mới hết học kỳ 1 của lớp 1. Từ ngày giã từ áo trắng, Khôi theo cha mẹ ra biển bắt nghêu, sò huyết vào con nước ròng, đến con nước lớn lội vô vạt rừng mắm phòng hộ để bắt ốc len, kiếm tiền đổi gạo…

Mong manh tìm chữ - 1

Trẻ em miệt rừng phòng hộ Vĩnh Thành (Bạc Liêu) nghỉ học sớm để kiếm sống - Ảnh: Xuân Hạ

Trong khi đó, tại Tân Thuận, xã ven biển của huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), việc học hành của các em cũng tròng trành theo con nước. Xã này đi lại chủ yếu bằng đường thủy, có 2 ấp có rừng và 3 cửa sông rạch ăn thông ra biển. Ấp Lưu Hoa Thanh có trên 1.000 hộ dân thì có tới 470 hộ sống trên lâm phần, trong đó 370 hộ sống tự do ven rừng phòng hộ. Hộ nghèo đông, đi lại khó khăn nên việc duy trì sĩ số ở các điểm trường trên địa bàn xã không đảm bảo. Đầu năm học, sĩ số ghi 451 học sinh. Đến nay, con số chính thức là 442 em, trong đó có 2 trường hợp bỏ học sau tết để theo cha mẹ lên TPHCM, Bình Dương mưu sinh.

Tại An Giang, theo Sở GD-ĐT tỉnh, sau đợt nghỉ Tết Quý Tỵ vừa qua toàn tỉnh có hơn 1.750 học sinh không trở lại trường học tiếp, trong đó nhiều nhất là cấp THCS với 845 em. Kết quả khảo sát cho thấy số học sinh này phần lớn theo gia đình ra các khu công nghiệp ở miền Đông Nam bộ, TPHCM làm việc hoặc làm công việc thời vụ như gặt lúa, làm thuê tại các tỉnh ĐBSCL.

Mong manh tìm chữ - 2

Các em thiếu niên trong độ tuổi đến trường ở Bạc Liêu đã bỏ học, phụ giúp gia đình mưu sinh - Ảnh: X.Hạ

Bài toán nan giải

Theo ngành GD-ĐT, các tỉnh ở ĐBSCL có số học sinh bỏ học nhiều là Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh… Nguyên nhân chủ yếu do một số nơi giao thông đi lại khó khăn không thuận lợi cho các em đi học, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa; một bộ phận học sinh bỏ học để theo gia đình đi nơi khác hoặc đi làm ăn xa mưu sinh; một bộ phận phụ huynh lại chưa quan tâm nhắc nhở, động viên con em đến trường học tập; một phần học sinh có học lực yếu kém, bản thân lại ham chơi bị lôi cuốn vào các trò chơi online, bỏ tiết học dẫn đến mất căn bản, học yếu nên mặc cảm dẫn đến bỏ học.

Lâm phần rừng phòng hộ Vĩnh Thịnh (Bạc Liêu) có 124 hộ nhận khoán đất rừng và 104 hộ sống tự do ở những vạt rừng xung yếu. Sống ngoài đê, cách các điểm trường học 5 - 6km nên việc đi học của học sinh gặp nhiều trở ngại. Ông Phạm Ngọc Thảo, Trưởng trạm Kiểm lâm Kinh tế xã Vĩnh Thịnh, trăn trở: “Con em hộ nghèo đi học được miễn, giảm học phí và nhiều khoản khác nhưng việc duy trì các em đến trường không phải dễ. Cha mẹ lo kiếm cái ăn hàng ngày, nhận thức chưa tới, con cái nghỉ học thiếu đôn đốc, khuyên răn trở lại trường kịp thời. Do vậy, trẻ trong độ tuổi bỏ học rất nhiều”. Hiện ở khu vực này trẻ đến trường trong độ tuổi chỉ khoảng 30%.

Theo đại diện Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Thới (huyện Cái Nước, Cà Mau), trong số 7 học sinh của trường đang vắng mặt không rõ lý do có vài trường hợp được xác định có cha mẹ đi làm công nhân ở Bình Dương. Tại An Giang, ông Trần Tấn Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải, xã An Nông, huyện Tịnh Biên, cho biết: “Do đặc thù địa bàn của trường thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên nhà trường luôn phải dặn dò, nhắc nhở học sinh cố gắng trở lại trường sau tết. Tuy nhiên, có cố gắng đến đâu cũng không tránh khỏi việc học sinh bỏ học, đặc biệt là đối với những em có học lực yếu kém hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn”.

Trước thực trạng này, từ trước Tết Quý Tỵ 2013, Sở GD-ĐT các tỉnh đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT các huyện, các trường thực hiện tốt công tác ổn định sĩ số học sinh sau tết; cũng như kết hợp với chính quyền địa phương vận động học sinh trở lại lớp. Theo đó, các trường đã thành lập nhiều tổ công tác đến tận gia đình để vận động học sinh trở lại lớp. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp bỏ học đều không có mặt tại địa phương, vì các em theo gia đình đi làm ăn xa ngoài tỉnh.

Việc học sinh bỏ học không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục, mà còn là một bài toán nan giải cho các địa phương không chỉ trong vấn đề giáo dục mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như: giải quyết việc làm tại địa phương, vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo… Để giải quyết vấn đề này, ngoài vai trò chủ đạo của ngành giáo dục, chính quyền, các đoàn thể tại địa phương cần tạo điều kiện, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn làm ăn, vượt khó; khuyến khích, động viên, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc học hành của con em để tương lai các em bớt mù mịt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV (Sài Gòn giải phóng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN