Liên thông lên CĐ, ĐH: Âm thầm tuyển

Chưa được phép đào tạo liên thông từ hệ CĐ nghề lên ĐH nhưng nhiều trường ĐH lớn, nhỏ vẫn đang âm thầm thông báo tuyển sinh.

Rất nhiều sinh viên đã theo những lớp học này với ước mơ có được tấm bằng ĐH chính quy từ điểm xuất phát ban đầu rất đơn giản của hệ nghề: xét hồ sơ, không qua thi tuyển... Và giờ đây, họ như ngồi trên lửa vì không biết tương lai của mình sẽ về đâu.

Nộp hồ sơ là đỗ

Đ.N.A. (20 tuổi, Thịnh Lang, Hòa Bình) được người quen giới thiệu lo vào học liên thông ĐH chính quy ngành kế toán tại Trường ĐH Điện lực với chi phí “bảo đảm” 5 triệu đồng chỉ cần “nộp hồ sơ là đỗ”. Học ôn chừng một tháng, A. tham dự kỳ thi liên thông vào tháng 4 và trúng tuyển như được hứa hẹn.

“Đỗ rồi mới phải học lớp chuyển đổi. Nhà trường thông báo học hơn ba tháng chuyển đổi với hơn 10 môn, nhưng thực tế việc học chỉ diễn ra hơn một tháng. Chưa học xong, chưa thi các môn chuyển đổi thì tháng 9 đã lại nhập học chính thức. Phí nhập học hơn 5,5 triệu đồng, trong đó học phí mới đóng nửa năm” - A. cho biết.

Theo N.A., vì thấy lớp học nhốn nháo, học ngoài trường, lại toàn học buổi tối hoặc cuối tuần, người thi đợt trước, đợt sau đều gom chung một lớp nên A. nghi ngờ chất lượng đào tạo và quyết định không đóng phí học chuyển đổi. “Như vậy tôi đã mất hơn 10 triệu đồng dù chưa đóng 4 triệu tiền học chuyển đổi”.

Liên thông lên CĐ, ĐH: Âm thầm tuyển - 1

Sinh viên Nguyễn Thị Kim Thoa, lớp KXD14 hệ CĐ nghề Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng

Tìm đến văn phòng tuyển sinh đóng tại một trường trung cấp trên đường Vũ Trọng Phụng, Hà Nội, chúng tôi nhận được lời tư vấn chắc nịch từ nhân viên trực tuyển sinh: “Tháng 11 tới Trường ĐH Điện lực tiếp tục thi tuyển liên thông. Trung cấp nghề, CĐ nghề liên thông cũng sẽ có bằng ĐH chính quy”.

Trao đổi với PV, ông Bùi Đức Hiền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực - thừa nhận hiện trường chưa được bộ chấp thuận việc đào tạo liên thông từ trường CĐ nghề lên ĐH. Thế nhưng thực tế thông báo tuyển liên thông từ CĐ nghề lên ĐH chính quy đã thành “chủ trương” của trường này từ năm 2011. Ngay từ khi thành lập đề án đào tạo liên thông CĐ nghề lên ĐH chính quy năm 2011, trường đã rục rịch tuyển sinh và đào tạo luôn hình thức này.

Tương tự, trong thông báo tuyển sinh hệ CĐ nghề của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông có hẳn mục giới thiệu riêng về “ưu tiên trong đào tạo”: “Sau khi có bằng CĐ nghề của học viện, sinh viên có cơ hội thi tuyển sinh và theo học hệ liên thông lên ĐH để nhận bằng kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư kỹ thuật điện - điện tử hoặc kỹ sư điện tử truyền thông do Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cấp”.

Thậm chí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức thi liên thông CĐ nghề lên ĐH chính quy từ tháng 8/2012. Thông báo thi liên thông từ CĐ nghề lên ĐH chính quy đã được nhà trường công khai từ cuối năm học 2011-2012 để đón lứa sinh viên tốt nghiệp Trường CĐ nghề Bách khoa ra trường khóa đầu tiên.

Lập lờ liên thông

Trong khi đó, hàng trăm sinh viên khoa CĐ thực hành Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đang theo học hệ CĐ nghề đã nhốn nháo vì thấy trường mình không có tên trong danh sách được Bộ GD-ĐT công bố. Trước đó, nhà trường công bố “sinh viên tốt nghiệp CĐ thực hành có thể liên thông lên ĐH chính quy 1,5 năm”.

Theo lý giải của TS Kiều Xuân Hùng - phó hiệu trưởng nhà trường: “Trong thông báo tuyển sinh chúng tôi chỉ nêu sau khi tốt nghiệp sinh viên được liên thông lên ĐH ở những trường có tổ chức thi theo quy định của bộ. Nhà trường tuyển sinh khóa CĐ nghề đầu tiên từ năm 2011. Theo chương trình còn 1,5 năm nữa sinh viên khóa này mới tốt nghiệp. Năm nay chúng tôi mới nộp hồ sơ xin phép Bộ GD-ĐT để đào tạo liên thông từ hệ nghề lên ĐH”.

Ngoài ra, đang có hàng loạt trường mặc nhiên tự cho mình được phép liên thông từ CĐ thực hành, CĐ nghề lên ĐH quảng bá thông tin tuyển sinh rầm rộ với “mác” thông tư liên tịch Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cũng lập lờ “sau khi tốt nghiệp được liên thông lên ĐH, CĐ chính quy tại trường” để lôi kéo thí sinh.

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT căn cứ vào các quy định cụ thể trong thông tư liên tịch Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH để cấp phép cho các trường đào tạo liên thông từ hệ nghề lên CĐ, ĐH. Tuy nhiên, do hai hệ đào tạo có nội dung khác nhau rất nhiều (CĐ nghề học về thực hành, không thi tuyển, CĐ chính quy phải qua thi tuyển, chương trình đào tạo bao gồm lý thuyết và thực hành) nên trường nào muốn thực hiện liên thông phải làm đề án trình bộ và bộ xem xét thẩm định rồi mới cấp phép.

“Hiện nay Bộ GD-ĐT không cho phép bất cứ trường ĐH, CĐ nào liên kết với các trường nghề để tuyển sinh, tổ chức đào tạo liên thông từ hệ nghề lên CĐ, ĐH. Sinh viên tốt nghiệp từ các trường nghề phải sang những trường được bộ cho phép tuyển sinh liên thông hệ này để thi. Trường nào không được bộ cho phép mà vẫn quảng cáo tuyển sinh là sai phạm và sẽ bị xử phạt nặng”- ông Ga khẳng định.

15 trường được cấp phép

Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách các trường được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trung cấp, CĐ nghề lên CĐ, ĐH. Theo đó đến nay chỉ có 15 trường ĐH, CĐ được phép đào tạo liên thông từ hệ nghề lên hệ chính quy gồm: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Lao động xã hội, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Trường ĐH Sao Đỏ, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, Trường CĐ Thương mại và du lịch Thái Nguyên, Trường ĐH Trà Vinh, Trường CĐ Viễn Đông, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Hàng hải và Trường CĐ Xây dựng số 1.

T.Huỳnh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hà - Trần Huỳnh - Minh Anh (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN