Liên kết đào tạo cao học thu tiền “thỏa thuận”

Khóa cao học chuyên ngành báo chí đầu tiên ở ĐBSCL, khai giảng ngày 20/5, nay đã có 4 người phải nghỉ (Tiền Giang 3, Trà Vinh 1) vì tiền đóng quá cao. Thi vào 3 môn (tiếng Anh là điều kiện), điểm thấp nhất là 11 nên cả 91 người đều đậu.

Các tân học viên được chia làm 2 lớp, Cao học Báo chí và Cao học Phát thanh-Truyền hình, học không tập trung trong 2 năm, từ 2013 đến 2015, sau 16 môn sẽ viết luận văn thạc sỹ.

Khoá học do Học viện Chính trị-Hành chính khu vực IV phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tổ chức tại Học viện Chính trị-Hành chính khu vực IV (Cần Thơ).

Niềm vui thi vào đậu 100% chưa nguôi thì có người đã phải nghỉ, vì cả khoá học, mỗi người phải đóng xấp xỉ 50 triệu đồng. Trong đó, học phí hơn 15 triệu đồng, còn 34 triệu đồng chia đều để “hỗ trợ” cho việc quản lý của Học viện Chính trị-Hành chính khu vực IV và cho giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ Hà Nội vào. Phóng viên báo Nhân Dân tham gia khoá cao học báo chí cho biết, số tiền xấp xỉ 50 triệu đồng chưa tính tiền mua tài liệu, làm luận văn, luận án…

Liên kết đào tạo cao học thu tiền “thỏa thuận” - 1

Lớp cao học báo chí tại Học viện Chính trị-Hành chính khu vực IV - Ảnh: Sáu Nghệ

Thời điểm này, tại Trường ĐH Cần Thơ đang tổ chức khoá cao học kiến trúc, cũng đầu tiên ở ĐBSCL, liên kết giữa Trường ĐH Cần Thơ với Trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

Khoá học có 46 người ở 11 tỉnh, thành phố phía Nam, khai mạc tháng 9/2011 và tháng 9/2013 sẽ kết thúc. Tổng số tiền một người đóng cho cả khoá học xấp xỉ 20 triệu đồng, gồm học phí gần 13 triệu đồng, còn lại là tiền mua tài liệu, hỗ trợ giảng viên từ Hà Nội vào.

So sánh sẽ thấy, số tiền phải đóng để học cao học báo chí gấp hơn 2,5 lần cao học kiến trúc. Trong lúc, quy định của Bộ GD-ĐT, học phí các ngành thiên về lý thuyết (báo chí, văn chương…) thấp hơn các ngành kỹ thuật (kiến trúc, công nghệ thông tin…).

Học phí cao học được Bộ GD-ĐT quy định rất chặt chẽ. Ở Trường ĐH Cần Thơ, hiện nay, học phí thạc sỹ một người một khoá từ gần 13 đến hơn 14 triệu đồng.

Ông Vũ Xuân Nam, Phó phòng Tài vụ Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Những năm gần đây, nhiều khoản chi tăng nên có khó khăn, trường đang kiến nghị Bộ GD-ĐT cho điều chỉnh tăng học phí lên khoảng 10%, nếu được chấp thuận thì năm tới thực hiện”. Ở Trường ĐH Y dược Cần Thơ, Hiệu trưởng Phạm Văn Lình đã ký và cho niêm yết công khai mức học phí năm 2012-2013. Theo đó, thạc sỹ y một người một khoá hai năm là 17,1 triệu đồng.

Còn liên kết đào tạo cao học thì Bộ GD-ĐT chưa quy định cụ thể, nên các trường đang thu nhiều khoản ngoài học phí dưới hình thức “thoả thuận hỗ trợ”. Có những khoản khó lý giải, như tiền học phí đương nhiên đã bao gồm chi phí quản lý và thuê phòng ốc, nhưng lớp cao học báo chí vẫn phải đóng thêm số tiền cao hơn học phí để “hỗ trợ” Học viện Chính trị-Hành chính khu vực IV thực hiện những việc đó.

Một nhà báo ở tỉnh Sóc Trăng tính toán, ngoài số tiền xấp xỉ 50 triệu đồng; còn tiền mua tài liệu, làm luận văn, luận án, đi lại, ở trọ, quỹ lớp, tổng cộng không dưới trăm triệu đồng nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sáu Nghệ (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN