Kỳ thi chung quốc gia: Học sinh theo khối A, B lo thiệt

Nhiều học sinh THPT cho rằng phương án thi ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bắt buộc trong kỳ thi chung là không hợp lý, gây trở ngại với các bạn học khối A, B, chỉ thuận lợi cho các bạn thi khối D, A1.

Ngày 9/9, Bộ GD-ĐT công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015.Theo phương án, để được xét công nhận tổ nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, học sinh phải thi 4 môn. Trong đó, 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong các môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường.

Kỳ thi chung quốc gia: Học sinh theo khối A, B lo thiệt - 1

Kỳ thi chung quốc gia giảm áp lực ôn luyện cho thí sinh (ảnh minh họa: Minh Đức)

Lợi thế cho học sinh theo khối D

Khi được hỏi về kỳ thi chung quốc gia, bạn Hoàng Văn Long (lớp 12 D3 – Trường THPT Việt Đức – Hà Nội) cho biết, kỳ thi chung quốc gia là phương án hay và sáng tạo, giúp học sinh giảm áp lực trong học tập khi chỉ phải tập trung ôn vào bốn môn thi và học thêm một, hai môn theo khối mình xét tuyển đại học.

Lê Bảo Hân (học sinh lớp 12 – THPT Việt Đức – Hà Nội) cho rằng kỳ thi chung quốc gia tạo nhiều thuận lợi cho học sinh, giúp các em có thời gian chuyên tâm vào các môn mình thi trong năm lớp 12 “nước rút”.

Trong khi đó, bạn Phạm Minh Đức (Trường THPT Lê Qúy Đôn – Hà Nội) lại cho rằng phương án thi ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bắt buộc trong kỳ thi chung là không hợp lý, gây trở ngại với các bạn học khối A, B, chỉ thuận lợi cho các bạn thi khối D, A1.

Bạn Đức đề xuất: “Theo em, nên bỏ môn Ngoại ngữ, chỉ nên thi bắt buộc môn Toán, Ngữ văn. Hai môn còn lại để học sinh tự chọn môn thi cho phù hợp với năng lực học tập”.

Giảm gánh nặng kinh tế

Mặc dù còn một số nghi ngại rằng việc tổ chức kỳ thi chung quan trọng như thế này sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, “chạy chọt” trong quá trình thi và chấm điểm, tuy nhiên đa số phụ huynh đều cho rằng kỳ thi chung quốc gia sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian trong mỗi đợt đưa con đi thi đại học.

Kỳ thi chung quốc gia: Học sinh theo khối A, B lo thiệt - 2

Phụ huynh không còn vất vả, lo lắng chi phí cho mỗi đợt thi đại học (ảnh minh họa: Minh Đức)

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền phụ huynh học sinh (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết, thi chung một kỳ thi giúp phụ huynh tiết kiệm hơn về thời gian, không phải mất hơn một tuần làm việc để đưa con đi thi.

Chị Nguyễn Thị Lan (Quốc Oai – Hà Nội) tỏ ra vui mừng khi nghe tin năm nay không tổ chức thi đại học, chỉ lấy điểm xét tuyển từ kỳ thi chung. Chị hồ hởi: “Thế là năm nay tôi không phải bán vài tạ thóc để cho con lên thành phố thi nữa rồi”.

Ông Đặng Vũ Cảnh Linh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và Phát triển đánh giá rằng phương án kỳ thi chung quốc gia có nhiều điểm tích cực.

Theo ông Linh, ngoài những thuận lợi cho thí sinh và gia đình nêu trên, việc tổ chức kỳ thi chung còn mang ý nghĩa xã hội rất lớn. Ông nói: “Khi hai cuộc thi gộp một, chi phí và nhân lực bỏ ra chắc chắn sẽ giảm rất nhiều so với 2 kỳ thi riêng”.

“Có lẽ phải đợi sau năm 2015 thì chúng ta mới bắt đầu nhìn lại những gì tích cực và những gì chưa làm được để rút kinh nghiệm về kỳ thi chung quốc gia”, ông Linh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Anh ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN