Khối A cũng chật vật
Một số trường mở chuyên ngành y, dược nhưng dư luận lo ngại năng lực của các trường này làm sao đào tạo được những bác sĩ, dược sĩ có trình độ ?
Mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Cần Thơ có thêm 2 chuyên ngành phục vụ nông thôn ĐBSCL. Đây là tín hiệu vui vì trong tương lai sẽ cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu cho vựa lúa lớn nhất nước. Song song đó, một số trường ngoài công lập mở thêm nhiều ngành thuộc khối y, dược giúp thí sinh có điều kiện học tập.
Ngành xây dựng ế ẩm
Bà Võ Thị Ngọc Mỹ, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết đến thời điểm này, đã có 3.136 hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp tại trường, ít hơn năm 2011 364 hồ sơ. Trong đó, riêng khối A giảm gần 300 hồ sơ; các khối còn lại như B, C, D giảm tương đương năm trước. Bà Mỹ cũng cho biết thêm số liệu nói trên chỉ là tổng hợp bước đầu vì đến ngày 12-5, trường còn tiếp nhận thêm nguồn hồ sơ từ sở GD-ĐT các tỉnh chuyển về.
Năm 2012, Trường ĐH Cần Thơ tuyển sinh 2 chuyên ngành mới hệ ĐH, đào tạo tại khu Hòa An (thuộc tỉnh Hậu Giang) là kỹ thuật nông nghiệp (khối B) và khuyến nông (khối A, B) với chỉ tiêu tuyển sinh mỗi chuyên ngành 80 sinh viên. Bà Mỹ phân tích: “Trường ĐH Cần Thơ mở thêm 2 chuyên ngành này nhằm cung cấp nhân lực có kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp để phát triển nông thôn vùng ĐBSCL”.
Do đây là năm đầu tiên tuyển sinh hệ ĐH nên đến thời điểm này, số hồ sơ nộp trực tiếp vào Trường ĐH Xây dựng Miền Tây khá khiêm tốn. Trong đó, bậc ĐH chỉ có 60 hồ sơ, bậc CĐ có 45 hồ sơ nộp tại trường. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay trường này tuyển 1.170 chỉ tiêu, trong đó chỉ có 2 ngành đào tạo bậc ĐH là kiến trúc (50 chỉ tiêu) và kỹ thuật công trình xây dựng (250 chỉ tiêu). Theo nhận xét của lãnh đạo nhiều trường ĐH tại ĐBSCL, trong những năm gần đây, xu hướng chọn ngành kinh tế, luật, công nghệ thông tin được nhiều thí sinh quan tâm và những ngành này luôn có tỉ lệ chọi cao nhất.
Thí sinh làm bài thi. (Ảnh minh họa).
Ngoài công lập cũng đào tạo y dược
Năm nay, một số trường ngoài công lập ở ĐBSCL đã xin Bộ GD-ĐT cho mở thêm ngành y, dược.
Đơn cử như Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) được phép tuyển ngành dược trình độ ĐH, xét tuyển trong cả nước những thí sinh dự thi theo đề chung của bộ ở cả 2 khối A, B. Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên ngành y đa khoa trình độ ĐH và CĐ hệ chính quy.
Việc mở chuyên ngành về y, dược của những trường này tạo điều kiện cho thí sinh có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có nêu: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Do vậy, nhiều người lo ngại rằng liệu đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất tại những trường ngoài công lập có đáp ứng nổi việc đào tạo ra những bác sĩ có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu xã hội hay không?
Thiếu nguồn tuyển Năm nay, Trường ĐH Trà Vinh được phép tuyển sinh, đào tạo hệ chính quy ĐH các ngành: xét nghiệm y học, điều dưỡng. Trong đó, mục tiêu đào tạo của ngành xét nghiệm y học là đào tạo kỹ thuật viên xét nghiệm trình độ ĐH có kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực xét nghiệm. Còn đối với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 1.100. Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, phân trần rằng năm 2011, Bộ GD-ĐT cho phép trường đào tạo một số ngành y dược trình độ trung cấp, như gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm nhưng tuyển được rất ít sinh viên. Chẳng hạn như ngành gây mê hồi sức chỉ tuyển được 8 sinh viên, chẩn đoán hình ảnh tuyển được 10 sinh viên. Cũng theo ông Kiên, trường đã khảo sát một số bệnh viện ở ĐBSCL và thấy rằng nhân lực trong 3 ngành nêu trên thiếu rất nhiều. Năm nay, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã xin phép tiếp tục mở 3 ngành này và thêm ngành y học cổ truyền (trình độ ĐH) nhưng hiện Bộ GD-ĐT chưa có công văn trả lời. |
Tra cứu ĐIỂM CHUẨN ĐH - CĐ các năm, Tư vấn chọn trường và tải các Bộ đề thi đáp án đầy đủ nhất tại diemthi.24h.com.vn