Khi người dạy nghề báo không làm báo

Sáng 11/4, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền (BC&TT) đã tổ chức hội thảo khoa học "Phối hợp giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với các cơ quan báo chí trong hoạt động đào tạo”. Rất nhiều ý kiến quý báu của các nhà báo, cũng như các nhà quản lý để giúp SV báo chí có thể vững vàng làm nghề.

Đem đến buổi hội thảo một câu chuyện nóng hổi từ một sinh viên (SV) mới xin vào thực tập tại Báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhà báo Nguyễn Quang Hòa kể lại rằng một SV than thở: "Em không thể hoàn thành một tác phẩm báo chí dù đó chỉ là cái tin vì kiến thức học ở trường chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa”. Em rất muốn viết báo nhưng không biết bắt đầu từ đâu và viết như thế nào”? Ông Hòa kết luận: Khi nhận SV báo chí dù có bằng chính quy nhưng gần như 100% cơ quan báo chí phải đào tạo lại. Chia sẻ kinh nghiệm phối hợp giữa nhà trường với cơ quan báo chí trong đào tạo SV, nhà báo Vũ Ngọc Minh - Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thẳn thắn chỉ ra: Chương trình đào tạo trong suốt nhiều năm qua vẫn còn nặng về lý thuyết, ít thực hành, hay nói cách khác là hai khâu này chưa phù hợp. "Cần tăng giờ thực hành, phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí tạm gọi là những cơ sở thực hành nghề báo để SV có thể tiếp cận công việc ngay từ đầu” - ông Minh nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông Nguyễn Đức Dũng cũng chỉ ra một thực tế: Công tác phối hợp đào tạo chỉ tập trung vào đợt kiến tập, thực tập chứ chưa thực sự trở thành một hoạt động thường xuyên trong toàn bộ khóa học. Đã có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí tham gia vào hoạt động đào tạo nhưng hoạt động này chưa có chiều sâu và thiếu tính kế hoạch. Vì vậy, việc mời các nhà báo, giảng viên từ ngoài vào tham gia giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho SV cần được điều chỉnh lại bằng cách có những quy định rõ rằng hơn trong cấu trúc chương trình.

Khi người dạy nghề báo không làm báo - 1

Có rất nhiều giảng viên truyền đạt kiến thức cho SV lại chưa từng hành nghề báo (Ảnh minh họa)

Nhà báo phải trở thành "con dao pha” tinh nhuệ và sắc bén để xử lý chuẩn các thông tin cho các kênh truyền thông - Trưởng Ban Quan hệ công chúng và quảng cáo, Học viện BC&TT Đinh Thúy Hằng đề xuất. Theo bà Hằng, trước xu thế phát triển báo chí hiện đại - báo chí đa phương tiện, nhà báo cần phải làm được nhiều việc, không chỉ viết được báo in, mà còn có thể viết cho báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình. Và muốn "hành” được nhiều điều như vậy, SV báo chí phải được trang bị đầy đủ kĩ năng để có thể tự tin bước vào đời. Đồng quan điểm phải có sự phối hợp như chân với tay của nhà trường và các cơ quan báo chí, Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Tạ Ngọc Tấn cho rằng: "Việc gắn bó giữa nhà trường và môi trường thực tiễn là mang tính sống còn. Làm thế nào để người học đưa nhịp sống thực tiễn vào hoạt động học tập của mình, vấn đề này cần được nhà trường hoạch định trong quá trình đào tạo”.

Một điều "bó” công tác "đưa thực tiễn” vào quá trình giảng dạy theo ông Tấn đó là, rất nhiều giảng viên truyền đạt kiến thức cho SV lại chưa từng hành nghề báo. Người dạy làm báo mà không hành nghề báo, về bản chất không đủ điều kiện đào tạo nghề - ông Tấn khẳng định. Vì vậy, cần vận dụng mời các nhà báo giỏi nghề mang hơi thở cuộc sống báo chí đến với giảng đường để lấp đầy khoảng trống thiếu kiến thức thực tiễn đối với SV. Muốn làm được điều này phải hình thành cơ chế hợp tác có thể tạo điều kiện để giảng viên hoạt động một phần ở các cơ quan báo chí và ngược lại.

Đem đến hội thảo một đề xuất khá thú vị cho cơ chế phối hợp trôi chảy hơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh đề xuất tính toán cơ chế luân chuyển cán bộ, cơ chế tài chính thích hợp để có thể có những giảng viên "hai trong một”: vừa là thầy dạy nhưng cũng phải là nhà báo giỏi nghề.

Sau khi nghe những chia sẻ của hầu hết các ý kiến tham góp cho hội thảo, nhà báo lão thành Hà Đăng - nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đề nghị: Học viện BC&TT không thể chỉ lãnh trách nhiệm cấp bằng cho SV ra trường mà phải giúp trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng để các em yên tâm làm nghề. Ông Hà Đăng cho rằng: Học viện BC&TT cần tổng kết công tác phối hợp trong hoạt động đào tạo trong thời gian qua để có hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lục Bình (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN