Học sinh VN xếp hạng cao: Tôi thấy buồn… cười

Tôi không thấy buồn mà thấy buồn... cười. Những tổ chức như OECD trên thế giới rất là nhiều. Chúng ta đừng nghe thấy một tổ chức nào đó trên thế giới đánh giá ta tốt mà đã mừng vội.

Việc học sinh Việt Nam có thứ hạng cao trên PISA, trả lời phỏng vấn của Infonet, theo CEO Thái Hà Books. TS Nguyễn Mạnh Hùng, đừng nghe thấy một tổ chức nào đó trên thế giới đánh giá tốt mà đã vội mừng.

Mới đây, tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế OECD công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế 2012 (PISA). Bất ngờ là Việt Nam xếp hạng 17 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông cảm nhận như thế nào về kết quả này?

Tôi không thấy buồn mà thấy buồn... cười. Thứ nhất, những tổ chức như OECD trên thế giới rất là nhiều. Chúng ta đừng nghe thấy một tổ chức nào đó trên thế giới đánh giá ta tốt mà đã mừng vội.

Học sinh VN xếp hạng cao: Tôi thấy buồn… cười - 1

TS Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Thái Hà Books

Tương tự như có khi thấy con cầm về một cái giấy khen hay thấy doanh nghiệp được một cái cúp mà đã "sướng" (Trong khi mỗi chúng ta mỗi ngày nhận được bao nhiêu cú điện thoại và email mời nhận đủ các giải thưởng, có kèm theo truyền hình trực tiếp trên các đài truyền hình và với bao nhiêu vị lãnh đạo nổi tiếng đến trao giải!). 

Cần phải xem lại danh sách 4.500 bạn được chọn mẫu trong khảo sát này có là chuẩn hay không? Giống như thời chúng tôi đi học nước ngoài những năm 80 của thế kỷ trước là nhà nước chọn ra 1.000 sinh viên giỏi nhất đi du học, khác xa với chất lượng sinh viên du học tự túc của ngày hôm nay. 

Hơn nữa, nếu dành 3 phút liếc qua những quốc gia xếp sau chúng ta và tự nghĩ xem đánh giá này có khách quan, có đúng hay không? 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc học sinh VN xếp hạng cao hơn cả Mỹ, Anh phải chăng là do học sinh VN phải học quá nặng lý thuyết và thiếu kỹ năng mềm? Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Tôi có tham gia nhiều chương trình với các em sinh viên, và thấy sinh viên Việt Nam nặng về lý thuyết. Có một câu chuyện, một bạn kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa, kể với tôi rằng bạn phải quét nhà và pha trà tại một nhà máy lớn để đổi lại là được một anh công nhân dạy cho biết hàn. 

Hay một trường hợp khác chuẩn bị tốt nghiệp Đại học kỹ thuật ngành điện nhưng không biết dùng… đồng hồ đo điện. Thú thực là hơn cả tiếu lâm, và lúc đầu tôi không tin dù cậu đó là học trò của tôi! Học lý thuyết để có điểm 9 và 10 mà không làm được việc thì học làm gì? Sinh viên VN của chúng ta phần lớn đi học thuê cho bố mẹ, cho tấm bằng, cho điểm,... chứ không phải học để đi làm.

Thực tế trong công ty ông thì sao, sinh viên mới ra trường có làm được việc hay không?

Ở Thái Hà Books không nhận sinh viên mới ra trường vì các em chưa làm được việc. Bạn nào muốn vào Thái Hà Books bắt buộc phải vào thực tập sớm. Và quá trình thực tập đó, các e TẬP làm việc THỰC sự như một nhân viên bình thường. Nếu làm được việc sẽ được nhận.

Học sinh VN xếp hạng cao: Tôi thấy buồn… cười - 2

Bảng xếp hạng của OECD vừa công bố ngày 3/12

Cá nhân tôi khi tuyển dụng cũng không tin vào bằng cấp. Vì theo khảo sát gần đây nhất của cá nhân tôi, hơn 61% sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của công việc. 

Là người có điều kiện đi nước ngoài nhiều, ông có sự so sánh nào giữa sinh viên VN và sinh viên các nước khác không?Về cơ bản khác nhau khá nhiều. Chuyện một sinh viên ở nước ngoài nghỉ học giữa chừng để đi làm hay du lịch là bình thường trong khi đó ở VN thì lại là “của hiếm”. 

Các bạn nước ngoài khi đủ tuổi trở thành công dân, họ phải tự lo tiền học, tiền ăn, tiền nhà mà hoàn toàn không dựa vào bố mẹ nữa. Trong khi ở VN, cá biệt có em tốt nghiệp Đại học mà không xin tiền bố mẹ. 

Ở các nước tôi đi qua, học hết cấp 2 các em đã xong định hướng nghề nghiệp, còn ở VN, hết kỳ 1 lớp 12 vẫn chưa chọn xong nghề. 

Thêm nữa, ở các nước, môn kỹ năng sống được dạy đầu tiên, trong khi ở VN các em vẫn lớ ngớ với những thứ giản đơn nhất. 

Một ví dụ có thật là trong 2 buổi nói chuyện tại Đại học Thương mại HN và Đại học Kinh tế Luật TP HCM mới đây, khi tôi hỏi ai đã có hộ chiếu trong tay mà mỗi hội trường với vài trăm sinh viên chỉ có chưa đầy chục cánh tay giơ lên... Nghĩ mà thương các em quá, trong khi ở nước ngoài, tranh thủ thời gian còn là sinh viên các em đi thực tế rất nhiều.

Theo ông, nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay còn thiếu điều gì? 

Thừa thầy, thiếu thợ. Thừa lý thuyết, thiếu kỹ năng. Thừa "chung chung", thiếu chuyên sâu. Các em thiếu định hướng nghề nghiệp, chọn trường theo a dua. Các em vẫn lãng  phí thời gian trong 4 năm Đại học và rất thiếu tính chủ động.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Huyền (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN