Học nghề có nhiều cơ hội việc làm, lương cao
Học nghề đang có nhiều cơ chế ưu đãi, thu hút học viên như miễn giảm học phí, tạo cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường. Đặc biệt, năm 2015 tới, học viên có chứng chỉ nghề sẽ có nhiều lựa chọn việc làm ở các nước ASEAN với mức lương hàng nghìn USD.
Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho biết, hằng năm, việc tuyển sinh học nghề thường ồ ạt nhất là dịp kết thúc kỳ thi đại học (ĐH). Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình tuyển sinh trở nên khó khăn trong cả hệ thống trường nghề.
Cơ hội mới cho học nghề
Được biết, học nghề ngày càng có nhiều ưu đãi, người học nghề ra trường cũng có nhiều cơ hội việc làm hơn?
Lâu nay, học phí trường nghề học viên phải đóng đều ở mức thấp. Học sinh vào học ở trung tâm đào tạo nghề được giảm 50% học phí, sắp tới có đề án miễn 100% học phí đối với học viên học nghề để thu hút học viên, sinh viên.
Các trường nghề không cung cấp đủ lao động tay nghề cao cho thị trường
Hiện nay, các trường nghề thường liên kết chặt chẽ với hàng chục doanh nghiệp lo luôn đầu ra cho học viên. Một thực tế khá bất cập là các trường nghề không đủ lao động có tay nghề để giới thiệu cho doanh nghiệp trong khi đó lại không tuyển được học viên đầu vào. Thậm chí, rất nhiều học viên đi thực tập đã được doanh nghiệp trả lương ở mức 3 triệu đồng/ tháng.
Đặc biệt, năm 2015, các nước ASEAN sẽ thống nhất thành một thị trường lao động. Khi đó, lao động có thể làm việc ở Singapore, Malaysia… với mức lương hấp dẫn lên tới hàng nghìn USD tùy theo bậc nghề.
Để có nhiều cơ hội lao vào thị trường lao động ASEAN, các tay nghề Việt Nam phải đạt được đào tạo theo tiêu chuẩn nào, thưa ông?
Lâu nay, học viên Việt Nam vẫn tự tin vì được đánh giá cao qua các giải vàng ở các kỳ thi nghề châu Á. Tuy nhiên, khi các nước ASEAN trở thành một cộng đồng, các nước sẽ công nhận trình độ nghề lẫn nhau thông qua khung chuẩn nghề cho các nước.
Có 8 thang bậc tất cả, trong đó riêng đào tạo nghề có 5 bậc. Mỗi bậc nghề sẽ có một bậc lương tương xứng ở mỗi nước. Ví dụ, trình độ nghề cao đẳng ở Singapore hiện nay có mức lương 3.000 USD/ tháng.
Hiện nay, khi các nước chưa công nhận bằng cấp lẫn nhau, lao động có tay nghề, có trình độ cũng bị quy về lao động phổ thông, rất thiệt thòi.
Hệ thống trường nghề đã làm gì để đào tạo đúng và trúng nhu cầu của thị trường? Ngành nghề nào đang hấp dẫn, thu hút học viên, sinh viên hiện nay, thưa ông?
Hằng năm, các trường đều khảo sát để nắm bắt nhu cầu của thị trường. Khi học viên đăng ký dựa trên đam mê, sở thích, các trường đều có bảng thông tin tư vấn ngành, nghề phù hợp để khi ra trường, học viên có ngay việc làm với mức thu nhập hấp dẫn.
Hiện nay, Việt Nam đang đào tạo khoảng 1.500 nghề, nhưng những nghề đang hấp dẫn, thu hút học viên bởi có nhiều cơ hội việc làm, đem lại thu nhập tốt hiện nay như: nghề điện tử, nghề cơ điện tử, nấu ăn, quản trị du lịch, lái tàu biển, thủy thủ tàu…
Có một tín hiệu đáng mừng là gần đây, ngày càng có nhiều sinh viên ĐH bỏ dở chương trình quay sang học nghề hoặc cử nhân, thạc sỹ quay lại học nghề vì thấy học nghề có tương lai hơn.
Nhiều trường nghề lay lắt
Vậy, đối với những trường yếu kém, không thu hút được học viên, Tổng cục dạy nghề có kế hoạch xử lý ra sao trong thời gian tới?
Thực tế, hiện nay có nhiều trường trung cấp nghề ở các địa phương lay lắt vì tuyển được quá ít học viên, thậm chí có trường không tuyển sinh được. Đây là chuyện mà Tổng Cục dạy nghề đang đau đầu, tính toán.
Có một tín hiệu đáng mừng là gần đây, ngày càng có nhiều sinh viên ĐH bỏ dở chương trình quay sang học nghề hoặc cử nhân, thạc sỹ quay lại học nghề vì thấy học nghề có tương lai hơn. Ông Dương Đức Lân |
Hiện tại, chúng tôi đang tính đến các phương án, có thể buộc phải cơ cấu hoặc sáp nhập các trường với nhau hoặc chuyển xuống thành trung tâm dạy nghề. Tôi cũng chia sẻ thật, một trường không tuyển sinh được thì việc duy trì hoạt động là rất khó khăn.
Một giải pháp căn cơ hơn là vẫn duy trì các trường đào tạo nghề nhưng phải được sự giúp sức của nhiều cơ quan, đơn vị từ việc phân luồng, định hướng học sinh ngay từ đầu. Như các nước, họ phân luồng học sinh từ cấp 2, đến hết cấp 3 sẽ có khoảng 60-70% tự động vào học nghề, chỉ 30% vào ĐH. Như vậy, nó sẽ đáp ứng được cung - cầu thị trường lao động.
Khảo sát trên thực tế, cơ cấu lao động chỉ cần khoảng 10% lao động có bằng cấp, cần 40% lao động có tay nghề số còn lại là lao động phổ thông. Ở nước ta, người người đua nhau vào ĐH, nhà nhà nghĩ phải học ĐH mới có tương lai. Trong khi, hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ học xong lại ra đi làm lao động phổ thông rất lãng phí tiền bạc, thời gian.
Sự yếu kém của nhiều trường nghề phải chăng do chất lượng đào tạo hay vì lý do nào khác thưa ông?
Tổng cục dạy nghề đã có chuyên trang giới thiệu về các nghề rất kỹ lưỡng các trường cũng áp dụng các giải pháp như đi các địa phương giới thiệu tuy nhiên nhiều người vẫn có tâm lý e ngại, không muốn học nghề. Các bậc phụ huynh cũng muốn cho con vào ĐH thay vì học nghề.
Họ chưa thấy được lợi ích từ việc học nghề như: rút ngắn thời gian, tiết kiệm tiền bạc, đầu ra tốt.
Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, cả nước có 167 trường cao đẳng nghề, 306 trường trung cấp nghề và 875 trung tâm dạy nghề đào tạo khoảng 1.500 nghề. Trung bình mỗi năm, hệ thống các trường đào tạo nghề tuyển sinh được khoảng 200.000 học viên. |