"Hãi hùng" truyện tranh cho thiếu nhi

Đọc truyện tranh được xem là thú vui lớn nhất của thiếu nhi và trẻ em trong dịp hè. Tuy nhiên, với cách làm truyện mang nặng tính thị trường, không ít truyện gắn mác thiếu nhi đang được làm một cách tùy tiện và chạy theo xu hướng “xác thịt” hóa, nhảm nhí hóa. Hệ lụy của lối làm truyện kiểu trên đã và đang để lại không ít băn khoăn, lo lắng đối với các bậc phụ huynh.

Tràn lan truyện sex

Dạo một vòng quanh các nhà sách, hiệu sách cũ tại TPHCM, thật không khó để tìm ra những quyển truyện tranh bị biến tấu với ngôn ngữ chợ búa, hình ảnh dung tục đang ngang nhiên nằm trên các kệ sách hoặc cho thuê phục vụ cho các cháu thiếu nhi. Những truyện nhảm nhí và dung tục như: Gantz, Hậu duệ của Nuvavihyon (Hiroshi Shiibashi), Chopits, đang được bày nhan nhản tại các sạp báo, treo đầy trên các trang truyện trực tuyến.

Bộ Truyền thuyết công chúa Hoa Anh Đào (Arina Tanemura) là một ví dụ. Ngay những tập đầu của truyện đã là những hoạt cảnh, hình ảnh, lời văn thuộc thể loại không dành cho thiếu nhi. Xuyên suốt tập này chỉ là chuyện yêu đương, ghen tuông và những thủ đoạn của tiểu thư Yuri nhằm tranh đoạt tình yêu với công chúa Sakura. Hay những tập sách nặng tính bạo lực kiểu bộ truyện: Hậu duệ của Nuvavihyon (Hiroshi Shiibashi) khi các cảnh trong truyện đậm chất bạo lực và các hình ảnh đẫm máu vì chém giết nhau.

Với dòng truyện tranh xuất xứ nước ngoài là vậy, cứ ngỡ những truyện cổ tích chính thống như Tấm Cám, Mai An Tiêm cải biên sẽ không gặp những câu chữ, hình ảnh khó coi trên. Nhưng các phụ huynh đã thực sự thất vọng bởi trí tưởng tượng phong phú của người làm sách. Trái ngược hoàn toàn với những lời văn tự nhiên, mang tính giáo dục cao của truyện gốc thì Tấm Cám phiên bản hiện đại lại được thêm thắt những câu từ khó nghe như: “Tấm, mày hâm à, mày câm à, sao mày đâm thủng cái mâm…”. Không những thế, trong truyện còn có những lời thoại rất “hiện đại” như “thấy chết liền”, “bái bai”, “Chị Tấm ơi, chị Tấm, đầu chị lấm, chị hãy dùng dầu gội… kẻo về dì mắng”…

Bàn về tính giáo dục và tính định hướng trong việc nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn cho học sinh của các tập truyện tranh, không ít phụ huynh đã bức xúc. Chị Nguyễn Ái Như, cho biết: “Con gái tôi rất thích đọc truyện tranh nên gần như tuần nào tôi cũng mua cho cháu 2, 3 quyển truyện mới. Tuy nhiên, tôi thật sự hoảng khi đọc được những ngôn ngữ mà giới trẻ hay dùng để chửi và miệt thị nhau trong một số truyện. Nhiều truyện còn minh họa cho những mẩu đối thoại bằng những ngôn ngữ, hình ảnh mà ngay cả với người lớn như tôi khi nhìn thấy cũng phải ngượng ngùng. Tôi thật sự không hiểu vì sao những câu chữ chợ búa, những hình ảnh chỉ có thể xuất hiện ở những quyển truyện tranh khiêu dâm trên mạng lại có thể “lọt” qua sự kiểm quyệt của các cơ quan có chức năng để ngày ngày đầu độc đầu óc non nớt của các cháu như vậy”.

"Hãi hùng" truyện tranh cho thiếu nhi - 1

Hình ảnh và đối thoại trong truyện tranh A Need Gire

Những tác hại khôn lường

Cho đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính thức đã có bao nhiêu cuốn truyện tranh dành cho tuổi mới lớn được phép xuất bản, trong đó có bao nhiêu cuốn cần phải xem lại nội dung và hình thức, bao nhiêu cuốn cần được thu hồi. Tuy nhiên, chính sự lỏng lẻo trong kiểm duyệt, sự thờ ơ của phụ huynh, sự buông lỏng trong phối kết hợp giữa nhà trường và gia đình đã tạo ra một số lượng không nhỏ truyện tranh “dành cho tuổi mới lớn” thiếu văn hóa, phản giáo dục được đưa ra thị trường phục vụ lứa tuổi thiếu nhi.

Hầu hết truyện tranh hiện nay đều có chung một môtíp khai thác như: Nhân vật trong truyện đang ở tuổi đi học phổ thông và đều có những “rung động đầu đời” theo kiểu “yêu”, “thích” nhau. Tình yêu tuổi học trò được phơi bày một cách trần trụi và dung tục, bằng những hình vẽ phản cảm: khoe thân, trang phục trong suốt, mỏng manh, khêu gợi; thậm chí nhiều trang còn xen các cảnh yêu đương mùi mẫn, gợi dục khiến người lớn cũng không khỏi giật mình.

Nhưng khi được hỏi đến vấn đề quản lý trong kiểm soát nội dung, nguồn gốc của truyện, một cán bộ của NXB Kim Đồng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, khi ông cho rằng thị trường truyện tranh đang phát triển không kiểm soát được. Một số tư nhân vì lợi nhuận đã tự sản xuất các đầu truyện tranh có tính gợi dục, kích thích các em thanh thiếu niên tìm đọc, nhưng lại đặt tên nhân vật theo kiểu nước ngoài làm mọi người lầm tưởng đó là truyện dịch. Chính vì thế, mới có chuyện một vài đầu truyện lọt vào các nhà sách và đến tay các em. Điều đó vô cùng nguy hiểm bởi ngoài những lệch lạc về hành vi và suy nghĩ, các em sẽ rất dễ bị tác động và làm theo những tình huống trong truyện mà các em hồn nhiên nghĩ rằng, đó là điều bình thường và ai cũng có thể làm.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Công ty ATC Trần Văn Dương (TPHCM) cho rằng những hệ lụy và tác hại mà loại truyện biến thể kia mang lại cho học sinh, thiếu niên lớn hơn nhiều những điều chúng ta có thể nhìn thấy. Bởi theo ông, ngoài sự học đòi theo những hoạt cảnh, các em sẽ rất dễ mất phương hướng, lạc nhịp trong cách sử dụng tiếng Việt và hiểu sai về những giá trị đạo đức, giá trị thật của đời sống xung quanh trước sự tác động mạnh mẽ của tranh ảnh phản cảm. Để từ đó dẫn đến những cách hành xử tiêu cực với ngôn ngữ, với các mối quan hệ bạn bè, gia đình và chính bản thân. Nếu thường xuyên tiếp cận với loại truyện dung tục trên, các em sẽ mất dần niềm tin vào các mối quan hệ, các em hiểu sai về ý nghĩa đích thực mà những câu truyện cổ tích mong muốn mang đến cho các em, thông qua các câu truyện nhiều tính giáo dục, giàu tính thẩm mỹ.

Đã đến lúc các nhà quản lý cần hoạch định rõ những tiêu chí cụ thể cho các NXB. Quy rõ trách nhiệm và có những chế tài xử phạt thật nghiêm khắc khi để “lọt” ra ngoài những tập truyện dung tục, thiếu tính giáo dục. Đồng thời làm sao để nhà trường, thư viện có được các bộ truyện hay, mới nhất để giới thiệu, khuyến khích các em đọc và học từ những cuốn sách đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiến Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN