Hải Dương: Ban giám hiệu trường tiểu học Tứ Cường nói gì khi phụ huynh tố bữa ăn bán trú “bèo bọt”?

Sự kiện: Giáo dục

"Tôi chẳng dại gì đi thách thức với phụ huynh để làm mất lòng, cũng như không có chuyện tôi cấm đoán các phụ huynh đến trường kiểm tra bữa ăn hay giám sát bữa ăn của học sinh", Hiệu trưởng trường tiểu học Tứ Cường cho biết.

Phụ huynh “tố” bữa ăn và thái độ của hiệu trưởng

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh suất cơm trưa của học sinh kèm theo nội dung phản ánh về bữa ăn bán trú được cho là “bèo bọt”, chưa tương xứng với số tiền đóng góp phụ huynh và phát ngôn thiếu chuẩn mực của Hiệu trưởng trường tiểu học Tứ Cường, huyện Thanh Miện (Hải Dương).

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chị H., trú tại thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường cho biết: “Nội dung chia sẻ trên mạng xã hội về vấn đề trên đúng là của tôi. Do bức xúc với thái độ, cách hành xử của hiệu trưởng và bữa ăn bán trú nên tôi chia sẻ lên mạng xã hội”.

Hải Dương: Ban giám hiệu trường tiểu học Tứ Cường nói gì khi phụ huynh tố bữa ăn bán trú “bèo bọt”? - 1

Nội dung vụ việc được phụ huynh học sinh chia sẻ lên mạng xã hội. Ảnh: Đ.Tùy

Theo chị H. khoảng 10h30 trưa 19/10, chị đến trường tiểu học Tứ Cường đóng tiền ăn cho con gái. Khi đến trường, chị vào gặp cô Vóc – Phó Hiệu trưởng để đóng tiền và lên phòng ăn xem con gái dùng bữa trưa.

Lát sau, cô Đỗ Thị Phương – Hiệu trưởng đi lên phòng và nói, tại sao phụ huynh học sinh cứ tự tiện đi vào phòng ăn mà không thông qua bảo vệ, không thông qua lãnh đạo nhà trường, nếu không may xảy ra ngộ độc cho học sinh thì sao. Lần sau phải được sự đồng ý của BGH và muốn đi đâu kiểm tra gì thì nhà trường cử người đưa đi.

“Nghe cô Phương nói vậy, tôi có trả lời là mục đích không phải vào trường kiểm tra học sinh ăn cơm mà hôm nay đến trường nộp tiền ăn cho con gái. Trong khi đó, tôi là phụ huynh học sinh có con ăn tại trường thì được phép kiểm tra bữa ăn của các con bất cứ lúc nào và không phải hỏi ai.

Tiếp đó, tôi nói, nếu phụ huynh không được quyền kiểm tra bữa ăn của con mình thì tôi cùng cô hiệu trưởng đến UBND xã, lên Phòng GD&ĐT huyện hỏi. Lúc này, cô Phương có thái độ thách thức và bảo tôi muốn đi hỏi đâu thì đi… Ngay sau đó, tôi có điện thoại cho Chủ tịch UBND xã phản ánh vụ việc”, chị H. cho biết.

Hải Dương: Ban giám hiệu trường tiểu học Tứ Cường nói gì khi phụ huynh tố bữa ăn bán trú “bèo bọt”? - 2

Bữa ăn của học sinh trường tiểu học Tứ Cường được cho rằng chưa tương xứng với số tiền đóng. Ảnh: Đ.Tùy

Cũng theo phụ huynh này, trước khi xảy ra vụ việc, chị có 2 lần vào trường để mang thuốc và áo ấm cho con gái. Các lần vào trường, chị đều đợi tan học để tránh ảnh hưởng và các lần đó chị có lên phòng ăn trưa của con gái.

“Tôi thấy bữa ăn của học sinh năm nay không bằng năm học trước, khẩu phần ăn chưa ngon mặc dù số tiền ăn năm học này đã tăng thêm 2 nghìn đồng/bữa. Suất ăn chưa tương xứng với số tiền phụ huynh đóng góp. Cho nên, tôi có chụp lại hình ảnh bữa ăn và xem các bữa khác thế nào để có ý kiến với nhà trường.

Cụ thể, năm học 2017 – 2018, bữa ăn bán trú là 12 nghìn đồng/học sinh, năm học 2018 – 2019 là 14 nghìn đồng/học sinh. Cho nên, thông tin tôi chia sẻ lên mạng xã hội đã nói rõ, tổng chi phí cho bữa ăn của một học sinh là 20,8 nghìn đồng, bao gồm: bữa ăn bán trú 14 nghìn đồng và cả phục vụ”, chị H. lý giải.

Lý giải của nhà trường

Để rộng đường dư luận và giúp bạn đọc hiểu nhiều góc cạnh của vấn đề, PV đã làm việc với BGH trường tiểu học Tứ Cường, đại diện hội phụ huynh học sinh, lãnh đạo UBND xã Tứ Cường và Phòng GD&ĐT huyện Thanh Miện.

Hải Dương: Ban giám hiệu trường tiểu học Tứ Cường nói gì khi phụ huynh tố bữa ăn bán trú “bèo bọt”? - 3

Bảng thực đơn bữa ăn bán trú ngày 19/10, hôm xảy ra vụ việc. Ảnh: Đ.Tùy

Bà Đoàn Thị Vóc – Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách bếp ăn bán trú cho biết, nhà trường tổ chức thu tiền ăn vào 2 ngày thứ tư, thứ năm. Tuy nhiên, đến ngày thứ sáu (19/10) còn một số phụ huynh mới đến đóng tiền, trong đó có chị H..

“Hôm đó, sau khi thu tiền ăn của một phụ huynh khác ở phòng làm việc xong, tôi lên phòng ăn của học sinh để kiểm tra. Khi lên đến nơi, tôi thấy chị H. đang có mặt tại đây và chị H. nói đến trường đóng tiền ăn cho con gái. Sau đó chị ấy nộp cho tôi ngay tại phòng ăn này.

Ít phút sau, chị Phương lên phòng ăn và nói, nếu phụ huynh nộp tiền ăn thì xuống phòng làm việc, còn ở đây là phòng ăn học sinh, phụ huynh không nên vào vì sợ xảy ra vấn đề ngộ độc hay mất an ninh trật tự.

Tiếp đó, chị Phương và phụ huynh H. có tranh luận với nhau. Thấy vậy, tôi nói 2 người nên ra ngoài tránh ảnh hưởng bữa ăn của học sinh. Sau đó, 2 người ra ngoài và tôi không biết chuyện gì nữa. Đến trưa, Chủ tịch UBND xã có gọi điện cho tôi hỏi vụ việc”, bà Vóc thông tin.

Hải Dương: Ban giám hiệu trường tiểu học Tứ Cường nói gì khi phụ huynh tố bữa ăn bán trú “bèo bọt”? - 4

Bà Vóc khẳng định, thông tin chia sẻ trên mạng xã hội về bữa ăn bán trú là thiếu cơ sở. Ảnh: Đ.Tùy

Trước sự việc phụ huynh phản ánh về bữa ăn bán trú, bà Vóc cho biết: “Thông tin này là thiếu cơ sở, bởi lẽ năm học này, hầu hết thực phẩm đều tăng giá so với năm trước. Trong khi đó, mỗi tuần chúng tôi đều có thực đơn rõ ràng các bữa ăn và tổng tiền ăn/tuần được phân chia 5 bữa".

Cụ thể: Bữa ăn với thịt băm + trứng + canh thịt + dưa hấu sẽ dư ra một khoản tiền để bù vào bữa ăn với thịt gà + canh xương hoặc bữa ăn với thịt băm + tôm + canh cua. Hơn nữa, năm học này, học sinh được ăn hoa quả tráng miệng (dưa hấu hoặc chuối) từ 2 – 3 bữa /tuần, còn các năm trước thì dồn cả năm nếu còn tiền mới mua hoa quả cho học sinh tráng miệng trong vài bữa cuối năm học.

Đối với số tiền thu phục vụ ăn bán trú đã được họp, thỏa thuận với phụ huynh học sinh ngay từ đầu năm học gồm: tiền bữa ăn trưa 14 nghìn/học sinh; tiền dịch vụ nuôi dưỡng, trông học sinh buổi trưa 130 đồng/tháng/học sinh; tiền phụ phí mua gas, nước uống tinh khiết, giấy vệ sinh, nước rửa bát 20 nghìn đồng/học sinh/tháng.

Hải Dương: Ban giám hiệu trường tiểu học Tứ Cường nói gì khi phụ huynh tố bữa ăn bán trú “bèo bọt”? - 5

Hiện tại trường tiểu học Tứ Cường có 368 học sinh đăng ký ăn bán trú. Ảnh: Đ.Tùy

Lý giải việc phụ huynh H. phản ánh về thái độ thách thức, bà Đỗ Thị Phương – Hiệu trưởng cho biết: “Chúng tôi làm công tác giáo dục quản lý gần 1.000 học sinh đang học tập trên 3 điểm trường vì cơ sở vật chất nhà trường khó khăn, địa hình nhà trường phức tạp (2 điểm trường gần nhau và 1 điểm lẻ cách trường gần 3 km).

Mặt khác, nhà trường đang tập trung đẩy mạnh chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh nên chúng tôi cần sự đồng thuận, ủng hộ từ phụ huynh và có thêm nhiều học sinh tham gia đăng ký ăn bán trú. Cho nên, tôi chẳng dại gì đi thách thức với phụ huynh để làm mất lòng, cũng như không có chuyện tôi cấm đoán các phụ huynh đến trường kiểm tra bữa ăn hay giám sát bữa ăn của học sinh.

Bản thân tôi cùng BGH luôn khuyến khích các bậc phụ huynh đến trường xem các con ăn, qua đó có ý kiến phản hồi để giúp nhà bếp, giúp chúng tôi thực hiện tốt hơn công tác bán trú.

Tuy nhiên, khi đến trường, phụ huynh nên thông báo với bảo vệ, thông qua đại diện BGH trực bán trú để nhà trường cử người đi cùng phụ huynh trong suốt quá trình giám sát. Đây cũng là cách đảm bảo an toàn cho cơ quan, bảo vệ an ninh trật tự và an toàn thực phẩm cho học sinh”.

Hải Dương: Ban giám hiệu trường tiểu học Tứ Cường nói gì khi phụ huynh tố bữa ăn bán trú “bèo bọt”? - 6

Nguồn thực phẩm được bếp ăn nhà trường lấy ở cơ sở có xác nhận rõ ràng. Ảnh: Đ.Tùy

Theo nhân viên nhà bếp, từ đầu năm học 2018 – 2019 đến nay, vào giờ tan học buổi sáng, chị H. nhiều lần vào trong trường, vào nhà bếp, lên phòng ăn kiểm tra và có chụp, quay video. Cho nên, khi đọc những thông tin trên mạng xã hội về vụ việc mọi người không đồng tình.

Cơ quan chức năng nói gì?

Chia sẻ về sự việc, ông Nguyễn Tiến Lư – Chủ tịch UBND xã Tứ Cường thông tin, sáng 19/10, ông trực tiếp đi kiểm tra trường tiểu học và có nhận được ý kiến phản ánh của phó hiệu trưởng về vấn đề phụ huynh học sinh vào trường một cách tự do.

Hải Dương: Ban giám hiệu trường tiểu học Tứ Cường nói gì khi phụ huynh tố bữa ăn bán trú “bèo bọt”? - 7

Sau khi vụ việc xảy ra, BGH nhà trường ban hành thông báo quy định một số vấn đề liên quan đến ăn bán trú. Ảnh: Đ.Tùy

“Đến trưa cùng ngày, sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh, tôi có thông tin cho cô phó hiệu trưởng để tìm hiểu sự việc. Thực tế, việc phụ huynh đến trường kiểm tra bữa ăn bán trú và suất ăn của con em họ là được phép nhưng phải thực hiện theo nội quy, quy định của nhà trường.

Việc phát ngôn của cô Phương với phụ huynh là sự hiểu lầm. Qua sự việc này, tôi mong BGH cần rút kinh nghiệm trong việc giao tiếp với phụ huynh. Còn các phụ huynh nếu có việc cần đến trường liên hệ thì tuân phủ các nội quy, quy định của trường học. Đồng thời, không nên vì vụ việc này mà suy diễn sang các vấn đề khác”, ông Lư cho biết.

Ông Trần Xuân Dần – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Miện cho hay, qua một số kênh thông tin ông có biết vụ việc xảy ra tại trường tiểu học Tứ Cường ngày 19/10, còn bản thân không nhận được sự phản ánh của phụ huynh. Vì vậy, ngay đầu tuần này, phòng đã chỉ đạo tiến hành kiểm tra một số trường học về bếp ăn bán trú chứ không riêng gì ở tiểu học Tứ Cường.

Hải Dương: Ban giám hiệu trường tiểu học Tứ Cường nói gì khi phụ huynh tố bữa ăn bán trú “bèo bọt”? - 8

Bảng kê khai thực đơn trong 1 tuần cho học sinh. Ảnh: Đ.Tùy

“Việc các phụ huynh đến trường kiểm tra bữa ăn, bếp ăn bán trú, chúng tôi và các nhà trường khuyến khích để giúp cho các nhà trường thực hiện tốt hơn công việc này.

Tuy nhiên, khi phụ huynh đến trường nên thực hiện theo nội quy, quy định của cơ sở giáo dục đề ra như: thông qua bảo vệ, được sự đồng ý của BGH. Nếu cần BGH sẽ cử người đưa phụ huynh đó đi. Việc này là cần thiết vì liên quan đến học sinh.

Trong khi đó, trường tiểu học Tứ Cường hiện có cơ sở vật chất khó khăn của huyện, đông học sinh, học ở nhiều điểm khác nhau. Cho nên, việc tổ chức được cho trên 300 học sinh ăn bán trú là sự nỗ lực cố gắng", ông Dần cho biết.

Hải Dương: Ban giám hiệu trường tiểu học Tứ Cường nói gì khi phụ huynh tố bữa ăn bán trú “bèo bọt”? - 9

Ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường kiểm tra bếp ăn và khẩu phần ăn trưa 22/10. Ảnh: Đ.Tùy

Cũng theo BGH, từ năm 2005 đến nay, trường tiểu học Tứ Cường đã tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Theo quy định, hiện nay bếp ăn bán trú của trường thuộc quản lý của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương. Trong khi đó, nguồn thực phẩm được nhà trường ký hợp đồng với nơi cung cấp rõ ràng, có chứng nhận của cơ quan chức năng và chưa khi nào xảy ra vấn đề ngộ độc thực phẩm.

Sau khi xảy ra vụ việc, ngay chiều 19/10, trường tiểu học Tứ Cường tiến hành họp BGH, đại diện PHHS, đại diện bếp ăn và ban hành thông báo về việc ăn bán trú của học sinh, quy định khi phụ huynh đến trường kiểm tra bữa ăn.

Hải Dương: Công bố nguyên nhân bé tử vong sau bữa ăn tại lớp học mầm non

Cụ thể, theo kết luận giám định pháp y tử thi của Trung tâm Pháp y Hải Phòng, cháu K. chết vì suy hô hấp, suy tuần hoàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Tùy ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN