GS Hồ Ngọc Đại: “Tôi thanh thản sau khi sách công nghệ giáo dục bị loại khỏi vòng thẩm định”

“Tôi thanh thản. Còn ý kiến cá nhân tôi cho rằng biểu quyết của tập thể không phải lúc nào cũng đúng. Điều quan trọng là nghe cái gì, nghe ai, ai nói”, GS Hồ Ngọc Đại nói.

Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa vừa loại khỏi vòng thẩm định Bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận bởi bộ sách này đã được sử dụng trong 40 năm qua. Hiện có hơn 900.000 học sinh đang theo học.

Về phía Giáo sư Hồ Ngọc Đại và nhóm biên soạn cho rằng, đánh giá của hội đồng chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí đánh giá SGK còn cứng nhắc, cơ học.

Sau khi hội đồng thẩm định bộ sách thông báo kết quả và hỏi có ý kiến gì không, ông trả lời “không” rồi đi về.

“Tôi thanh thản sau khi sách công nghệ giáo dục bị loại khỏi vòng thẩm định. Còn ý kiến cá nhân tôi cho rằng biểu quyết của tập thể không phải lúc nào cũng đúng. Điều quan trọng là nghe cái gì, nghe ai, ai nói”, GS Hồ Ngọc Đại nói.

GS Hồ Ngọc Đại cho biết trước đó đã có yêu cầu điều chỉnh, bản in cuối cùng là giải pháp. Tuy nhiên, ông không sửa bộ sách, không điều chỉnh gì cả, vì đó là công trình của cả đời ông. Việc điều chỉnh phải có kỹ thuật.

Trước câu hỏi làm thế nào để bộ sách Công nghệ Giáo dục vẫn “sống” trong khi Bộ GD&ĐT không thẩm định, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định: "Cuộc sống này không có tình huống nào không có lối thoát, chân lý tồn tại chứ. Việt Nam không thể không dùng sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”.

Cũng liên quan đến bộ sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, TS Thái Văn Tài, Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho biết, hội đồng thẩm định phải làm việc công tâm, với cái mới và sự đa dạng của các ý tưởng. Các SGK được thẩm định và phê duyệt mới đáp ứng được kỳ vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình mới với nhiều thay đổi.

Các cuốn sách không đạt như của GS Hồ Ngọc Đại có thể chỉnh sửa sao cho đáp ứng đúng tiêu chí để tiếp tục trình thẩm định bởi mỗi bộ SGK là công trình nghiên cứu tâm huyết của các nhà nghiên cứu.

Hội đồng thẩm định do Bộ GD&ĐT thành lập. Số lương là số lẻ, tối thiểu 7 người và nhiều nhất là 15 người. Trong đó, có những hội đồng được thành lập nhiều thành viên hơn.

Về cơ cấu khoa học, Hội đồng này có giáo sư đầu ngành về chuyên môn, có giáo sư đang công tác am hiểu, có giáo viên trường đại học và 1/3 giáo viên đang giảng dạy các trường.

Đội ngũ giáo viên chuyên gia có cơ cấu đủ từ vùng sâu, vùng xa, trung tâm thành phố lớn, có 3 miền Bắc, Trung, Nam, để đại diện vùng miền và đa dạng hóa nhằm đánh giá SGK được sát sao hơn.

Trước đó, Bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "Không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1", một số vấn đề kỹ thuật, trình bày.

Ở sách Toán 1 - Công nghệ giáo dục, cũng bị hội đồng thẩm định cho rằng, có nhiều nội dung "không nằm trong yêu cầu của chương trình", "vượt yêu cầu của chương trình".

Theo quy định, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ có ba mức xếp loại "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa" và "Không đạt". Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục bị xếp "Không đạt" trong đợt thẩm định này.

GS Hồ Ngọc Đại nói về tự học: Nếu không giúp đỡ thì đừng can thiệp

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - 'Cha đẻ' của công nghệ giáo dục cho rằng học tại nhà (homeschooling) là một giải pháp có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tranh cãi về sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN