Chưa thể giảm tải chương trình phổ thông

Sự kiện: Giáo dục

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố quá nặng nề, không thể giảm tải

Phóng viên: Trong dự thảo chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra 4 nhóm môn học ở tất cả bậc học và từng bậc học sẽ có các môn thành phần. Liệu cơ cấu các nhóm môn học như vậy có phù hợp với yêu cầu của giáo dục là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học?

- PGS-TS Nguyễn Thiện Tống: Cơ cấu các nhóm môn học nên được gọi tên thống nhất và xuyên suốt cho các cấp học và càng lên cao, mỗi nhóm môn học được chi tiết hóa thành các môn học tương tự như ở chương trình giáo dục phổ thông của các nước Anh và Úc.

Cụ thể: Nhóm môn học về ngôn ngữ, khi lên cao chia ra các môn: quốc ngữ, ngoại ngữ, ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Nhóm môn học về toán, gồm: đại số, hình học, toán chuyên biệt, phương pháp toán. Nhóm môn học về khoa học tự nhiên, gồm: sinh học, vật lý, hóa học, khoa học trái đất và môi trường. Nhóm môn học về khoa học xã hội và nhân văn, gồm các môn: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, kinh tế và kinh doanh. Nhóm môn học về nghệ thuật, gồm: âm nhạc, mỹ thuật, múa, kịch, mỹ thuật truyền thông. Nhóm môn học về công nghệ, gồm: công nghệ thông tin, thiết kế và công nghệ. Còn lại là nhóm môn học về sức khỏe và giáo dục thể chất.

Không nên bày ra những môn mới như “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” và “Tự học có hướng dẫn” mà nên đưa các yêu cầu này vào các môn có sẵn và thêm thời lượng cho hợp lý. Ngoài ra, nội dung và thời lượng các môn học nên được so sánh với môn tương tự của các chương trình giáo dục phổ thông ở Anh và Úc.

Chưa thể giảm tải chương trình phổ thông - 1

Chương trình học phổ thông hiện quá tải với học sinh Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thưa ông, cụm từ lâu nay chúng ta vẫn hay nhắc khi nói về giáo dục là “quá tải”. Vậy trong dự thảo, vấn đề giảm tải có rõ rệt?

- Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của giáo dục đúng là quá tải. Vì quá tải mới khiến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Việc bố trí thời lượng các môn học, phương pháp học ở từng cấp học cũng bất hợp lý. Ở bậc phổ thông, trong khi học sinh không cần được giao quá nhiều bài tập thì lại bơ phờ vì bài tập về nhà. Vì thế, khi càng lên bậc học cao hơn, các em sẽ đuối, thiếu dần năng lượng học tập, nghiên cứu.

Việc giảm tải cho học sinh không nằm ở chỗ giảm số lượng môn học hay giảm thời lượng học mà ở chỗ giảm việc nhồi nhét kiến thức phải học thuộc và giảm bài tập trùng lắp không cần thiết về nội dung và phương pháp. Bộ GD-ĐT nên công bố đề cương chi tiết các môn học mới biết chương trình mới có giảm tải thực sự hay không?

Một nội dung còn ý kiến bất đồng là việc xét tốt nghiệp THPT sẽ giao cho các trường THPT, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Chất lượng giáo dục của các trường THPT hiện nay rất chênh lệch, việc xét tốt nghiệp giao cho các trường như dự thảo sẽ không bảo đảm khách quan và chất lượng giáo dục. Chúng ta không thể lấy một vài TP có tỉ lệ tốt nghiệp ổn định trong các năm làm thước đo chung cho các tỉnh, thành khác. Thực tế đã có những tiêu cực xảy ra ở các địa phương. Đó là chưa kể việc được tự xét tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tâm lý dạy và học của giáo viên và học sinh.

Còn vấn đề gì quan trọng trong hệ thống giáo dục mà dự thảo chưa đề cập, thưa ông?

- Trong dự thảo này, tôi chưa thấy phần phân hóa sau THPT để học sinh tiếp tục vào các chuyên ngành ĐH, CĐ hay trung học chuyên nghiệp hoặc gia nhập lực lượng lao động.

Nếu có mục tiêu phân hóa này thì các môn học bắt buộc từ lớp 10 đến lớp 12 cần phân ra 2 mức độ. Một mức là tối thiểu và một mức cao hơn để học sinh chọn lựa tùy theo năng lực và sở thích của mình. Chẳng hạn học sinh giỏi khoa học tự nhiên sẽ chọn học các môn trình độ cao về toán và khoa học tự nhiên; học sinh giỏi về khoa học xã hội sẽ chọn các môn cao về ngôn ngữ, khoa học xã hội và nhân văn. Trong khi đó, các học sinh trung bình sẽ chọn học các môn mức độ tối thiểu và chọn học các môn công nghệ hay hướng nghiệp để gia nhập thị trường lao động.

Bộ GD-ĐT xin ý kiến đóng góp về dự thảo

Bộ GD-ĐT vừa có công văn xin ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, bộ đề nghị các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ sư phạm, các cơ quan, tổ chức, các cơ sở giáo dục và cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự thảo.

Các ý kiến đóng góp gửi về bộ trước ngày 29-4 theo địa chỉ: Ban Quản lý dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), số 35 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội hoặc địa chỉ email: rgep@moet.gov.vn

Tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng 2017 tại đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN