Giúp trẻ học trực tuyến hiệu quả

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học trực tuyến mặc dù còn nhiều bất cập nhưng là phương pháp tối ưu. Để việc học trực tuyến hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường

Thực hiện dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học là điều khó, đối với học sinh lớp 1 thì việc này càng khó khăn hơn. Nhưng dạy học trực tuyến cũng là phương pháp hiện đại, thuận tiện, rèn luyện tính tự giác, cải thiện kỹ năng tự học.

Lên kế hoạch học tập phù hợp

Để trẻ học trực tuyến hiệu quả, trước hết phụ huynh phải tập cho trẻ tính tự học; tự tìm hiểu, khám phá những kiến thức xung quanh bằng nhiều kênh thông tin khác nhau. Nhưng phụ huynh phải là người định hướng lối đi cho trẻ. Thực tế này đòi hỏi sự giám sát, nhắc nhở thường xuyên của các phụ huynh. Giúp trẻ tự xây dựng thói quen tự học, chủ động giải quyết vấn đề.

Là một giáo viên tiểu học, có con vừa học xong lớp 1, chị Trần Thanh Nga (quận 2, TP HCM) chia sẻ bí quyết giúp con tự học hiệu quả. Trước hết, phải tạo được một không gian yên tĩnh, trẻ không bị "nhiễu" bởi những tác động bên ngoài. Để trẻ tự học hiệu quả, khả năng tập trung là yếu tố mấu chốt. Nơi trẻ học, tốt nhất không có các thiết bị điện tử khác ngoài máy tính, không có các vật dụng làm phân tán sự tập trung của trẻ.

Lựa chọn nền tảng học trực tuyến dễ dùng, nguồn kiến thức phù hợp với độ tuổi, đơn giản, không quá khó đối với trẻ. Hiện nay, có rất nhiều nguồn kiến thức, ứng dụng học trực tuyến trên mạng, từ miễn phí đến phải đóng tiền. Phụ huynh có thể sử dụng các nền tảng ứng dụng thông dụng như Zoom, Google, Facebook, Zalo, YouTube hay tham khảo các nguồn bằng tiếng Anh như Big Degree, Codecademy, Outschool, Khan Academy... hoặc bám sát chương trình sách giáo khoa.

Lập kế hoạch học tập chi tiết, cho trẻ quyền lựa chọn, đưa ra quyết định. Đối với trẻ ở độ tuổi tiểu học, để giữ chân trẻ ngồi vào bàn học vài giờ là điều khó khả thi. Vì vậy, phụ huynh nên đưa ra thời gian biểu cụ thể cho trẻ, mỗi môn chỉ nên học tối đa 40 phút để trẻ giữ được hứng thú với việc học. Mỗi ngày thời gian học sẽ được thực hiện ở một thời điểm cố định và quy định rõ ràng từng môn học cho từng ngày, điều này tạo cho trẻ thói quen đúng giờ, hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng phụ huynh nên cho trẻ quyền tự sắp xếp môn học mà mình mong muốn, sau đó thảo luận nhiều hơn về cách sắp xếp môn học, giúp trẻ nhận thức được trách nhiệm với việc học, những quyết định mình đã đưa ra.

Đối với những bài tập trên lớp, phụ huynh nên tìm phương pháp phù hợp để hướng dẫn trẻ làm bài. Thời lượng học trực tuyến không nhiều, kèm theo đó những thắc mắc của trẻ không được giải đáp cụ thể như học trực tiếp nên phụ huynh cần theo dõi để trẻ không bị hổng kiến thức. Ngoài ra, phụ huynh có thể biến những bài giảng khô khan thành sinh động hơn với các hình ảnh, câu chuyện...

Học sinh lớp 1 rất cần được hỗ trợ cách học trực tuyến trong trường hợp các địa phương vẫn còn giãn cách

Học sinh lớp 1 rất cần được hỗ trợ cách học trực tuyến trong trường hợp các địa phương vẫn còn giãn cách

Đồng hành cùng trẻ

Cô Bùi Thị Cẩm Vân, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Đức (quận 8, TP HCM), cho rằng dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học chỉ nên dừng lại ở mức độ cho các em nắm bài, theo kịp kiến thức và khuyến khích các em học chứ không nên ép buộc.

"Không nên đưa áp lực điểm số vào dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học, để các em có tâm lý thoải mái nhất thì việc học mới hiệu quả. Giáo viên và phụ huynh nên đồng hành cùng học sinh, nhẹ nhàng quan tâm, chỉ bảo, không bắt ép học sinh. Giáo viên chỉ nên dạy kiến thức nhẹ nhàng, phù hợp với việc dạy trực tuyến" - cô Cẩm Vân nói.

Cũng theo cô Cẩm Vân, giáo viên và phụ huynh nên phối hợp chặt chẽ trong quá trình học trực tuyến của trẻ. Các bài học nên được sắp xếp từ dễ đến khó, cho trẻ giải quyết các vấn đề đơn giản trước, tập thói quen học với máy tính và tự giác học tập.

Với quan điểm nên để trẻ tự học thay vì thúc ép, phụ huynh Nguyễn Giang Nam (huyện Hóc Môn, TP HCM) chia sẻ phụ huynh nên theo dõi và động viên trẻ nhẹ nhàng, chứ không bắt con phải học thật nhiều. Khuyến khích trẻ bằng phần thưởng nếu trẻ không muốn ngồi vào bàn học, tạo cho trẻ tâm lý ngồi vào học là một thú vui. Quan sát và hỗ trợ trẻ những chỗ chưa hiểu, chỉ cách tra cứu thông tin trên mạng, từ điển, sách tham khảo, sau đó kiểm tra và sửa lỗi cho trẻ.

Chị Thu Thủy (quận 6, TP HCM), có con năm nay bước vào lớp 1, đưa ra nhận định phụ huynh nên tạo thói quen tự học cho trẻ trước khi bước vào lớp 1. Điều này giúp trẻ phát triển tư duy, kỹ năng tự lập và cũng giúp phụ huynh không phải suốt ngày bên cạnh để thúc ép việc học. Bước vào năm học mới, nếu học sinh tiểu học phải học trực tuyến sẽ là một thách thức lớn nhưng qua đó trẻ cũng có cơ hội rèn luyện các kỹ năng. 

Điều kiện để dạy và học trực tuyến

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành giáo dục và đào tạo. Theo đó, đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua internet và trên truyền hình với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm kế hoạch năm học.

Nguồn: [Link nguồn]

Nghiên cứu 75 năm của ĐH Harvard: Trẻ em học kém thường có chung 6 vấn đề này

Khi một đứa trẻ học kém, cha mẹ khoan trách móc con mình mà hãy tìm hiểu nguyên nhân thực sự đằng sau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thuận ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN